Ban đã được thành lập ngày 3/10/2017. Việc ra quyết định thành lập riêng một ban nghiên cứu về phát triển kinh tế tư nhân thể hiện quyết tâm của Thủ tướng và Chính phủ trong việc đưa tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 về phát triển kinh tế tư nhân vào cuộc sống; góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển cũng như nâng cao vai trò, vị thế của khối doanh nghiệp này trong nền kinh tế Việt Nam.
Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân có nhiệm vụ chủ trì nghiên cứu và tư vấn, đề xuất việc cải cách cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính liên quan đến phát triển kinh tế tư nhân gắn với mục tiêu kinh tế quốc gia, phấn đến năm 2020 doanh nghiệp tư nhân đóng góp 60% vào GDP, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đưa Việt Nam hướng tới Top 3 ASEAN năm 2020, bắt kịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Tại lễ ra mắt, ngày 30/10 của Ban IV, ông Trương Gia Bình cho biết chiến lược hoạt động của Ban được xác định theo các mục tiêu ngắn hạn, trung hạn. Trong ngắn hạn sẽ tập trung thúc đẩy cải cách cơ chế chính sách, thủ tục hành chính để tháo gỡ rào cản trong đầu tư, phát triển các dự án công nghệ thông tin bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó là cải cách cơ chế và chính sách về thị thực để thúc đẩy phát triển du lịch, thúc đẩy cổ phần hóa…
Về trung hạn, Ban sẽ tập trung góp phần phát triển Chính phủ điện tử, có các giải pháp huy động vốn cho nông nghiệp công nghệ cao, đề xuất các biện pháp và giải pháp cắt giảm chi phí logistics dựa trên giải pháp quy hoạch logistics…
Đại diện Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - ông Mai Tiến Dũng cho biết, Ban hoạt động trên tinh thần tự nguyện, đổi mới - sáng tạo. “Chiều 30/10/2017, Hội đồng tư vấn Cải cách thủ tục hành chính đã bàn những việc trọng tâm còn lại 2017 và những việc cần làm trong năm 2018, trong đó lưu ý việc làm sao cắt giảm thủ tục hành chính và chi phí cho DN, trong đó tập trung cải cách thủ tục thông quan và kiểm tra chuyên ngành. Ban IV và Hội đồng sẽ nghiên cứu để tư vấn cụ thể cắt bao nhiêu điều kiện, giảm bao nhiêu thủ tục… với những con số cụ thể để DN thấy rằng cải cách thực sự theo tinh thần Chính phủ kiến tạo, Chính phủ hành động. Ban cũng đã có kế hoạch sẽ tiếp xúc với các hiệp hội DN để nắm rõ tình hình thực tế và các khuyến nghị của DN để tư vấn với Thủ tướng những giải pháp khả thi nhất.
“Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân ra đời trong bối cảnh chúng ta đang nỗ lực thực hiện Nghị quyết T.Ư5… Ban sẽ phối hợp chặt chẽ với Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính để lựa chọn các vấn đề cốt lõi nhất của DN, tham vấn các chuyên gia và các nhà khọc học để trong các phiên họp của Chính phủ sẽ đưa ra những kiến nghị đề xuất có tính khả thi nhất”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh. Đồng thời khẳng định, chúng tôi sẽ cố gắng những đề xuất này sẽ được đưa vào Nghị quyết phiên họp Chính phủ, theo đó các cơ quan liên quan sẽ thực hiện để tạo điều kiện cho DN tư nhân phát triển góp phần hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đặt ra.
Với cương vị trưởng ban của Ban IV, ông Trương Gia Bình bày tỏ: DN tư nhân đang rất nhiều hy vọng ở Ban IV và thấy rằng để làm được nhiệm vụ sẽ phải vượt qua rất nhiều khó khăn, vì vậy các thành viên trong ban đã cùng xác định một tinh thần “dấn thân vì cộng đồng DN tư nhân, vì sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”.
“Nếu chúng tôi làm không tốt, cộng đồng DN sẽ không tín nhiệm chúng tôi nữa, vì thế chúng tôi sẽ cố gắng làm tốt nhất có thể”, ông Bình khẳng định và hy vọng Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính và Ban IV sẽ làm một mô hình hợp tác công - tư hiệu quả.
Thành viên của Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân là các doanh nhân là Trương Gia Bình - Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (Trưởng ban), Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính, làm trưởng ban; ông Don Lam - Tổng Giám đốc VinaCapital, Phó Chủ tịch Hội đồng Nghị sự toàn cầu về ASEAN (Diễn đàn Kinh tế thế giới), ông Mai Hữu Tín - Chủ tịch Liên đoàn Doanh nghiệp tỉnh Bình Dương, ông Nguyễn Hoàng Anh - Chủ tịch Hiệp hội Tôm Bình Thuận, ông Trần Trọng Kiên - thành viên Hội đồng tư vấn Du lịch, ông Vũ Văn Tiền - thành viên Ban cố vấn VPSF. |