Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 3/2013

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trong 2 ngày (28-29/3), Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 3/2013 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Tại phiên họp, bên cạnh khẳng định những kết quả tích cực trong quý I là lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn cùng kỳ, các thành viên Chính phủ cũng nhấn mạnh cần tiếp tục kiên định việc thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, duy trì đà phục hồi tăng trưởng…

Tăng trưởng GDP quý I ước đạt 4,89%

Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội quý I/2013, Bộ trưởng Bộ KHĐT Bùi Quang Vinh cho biết tình hình kinh tế-xã hội tiếp tục có những chuyển biến tích cực, lạm phát được kiềm chế; giá cả, thị trường khá ổn định; GDP tăng cao hơn cùng kỳ năm trước, ước tăng 4,89%.

Bên cạnh đó, lãi suất tiếp tục được điều chỉnh giảm, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; tỷ giá, thị trường ngoại hối diễn biến tương đối ổn định. Xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng cao, đáng chú ý là xuất khẩu khu vực doanh nghiệp trong nước, từ chỗ tăng rất thấp trong cả năm 2012, đã tăng trưởng trên 10% trong quý I; nhập khẩu nguyên vật liệu để sản xuất kinh doanh tăng trở lại; đã có xuất siêu, góp phần cải thiện cán cân thanh toán quốc tế và dự trữ ngoại hối của Nhà nước. An sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm; đời sống của người dân, đặc biệt là những người nghèo, người mất việc làm, gia đình có công với cách mạng được quan tâm…
 
Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 3/2013 - Ảnh 1

Thủ tướng khẳng định sản xuất mới là vấn đề căn cơ, vững chắc đối với nền kinh tế, đồng thời yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương quyết liệt hơn nữa trong thực hiện Nghị quyết 01, 02 của Chính phủ. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội, các thành viên Chính phủ cho rằng bên cạnh những kết quả đạt được, nền kinh tế vẫn còn những khó khăn, thách thức, trong đó nổi lên là khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản và khu vực công nghiệp, xây dựng đều có mức tăng trưởng thấp hơn cùng kỳ năm trước; sản xuất công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến và chế tạo gặp nhiều khó khăn do chi phí đầu vào cao, sức mua giảm, tiêu thụ chậm; doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng; việc thực hiện tái cấu trúc ngân hàng thương mại, xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng và thị trường bất động sản chậm được giải quyết.

Kiên định thực hiện đồng bộ các giải pháp

Theo ý kiến của nhiều thành viên Chính phủ, cần tiếp tục kiên định việc thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, duy trì đà phục hồi tăng trưởng… Vì đây là những điều kiện tiên quyết cho nền kinh tế phát triển vững chắc.

Trước hết phải chỉ đạo quyết liệt hơn nữa các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; tiếp tục đổi mới, hoàn thiện môi trường đầu tư theo hướng ổn định và tạo thêm điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư và doanh nghiệp; huy động các thành phần kinh tế đầu tư kinh doanh để phát triển kinh tế; nhất quán thực hiện chủ trương xã hội hóa, huy động các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội để bổ sung cho nguồn vốn đầu tư toàn xã hội.

Trong bối cảnh chỉ số giá tiêu dùng giảm, cần tiếp tục hạ lãi suất tín dụng. Bên cạnh đó, rà soát các quy định, đơn giản các điều kiện vay vốn đối với doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, chế biến sản phẩm nông nghiệp, thủy sản,...

Khẳng định vai trò quan trọng của nông nghiệp đối với nền kinh tế, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát và một số thành viên Chính phủ nhấn mạnh cần huy động tốt hơn các nguồn lực để ưu tiên cho đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp; tiếp tục có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; ưu tiên tín dụng cho nông nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho đồng vốn đến kịp với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này để phát triển sản xuất, kinh doanh cũng như thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại đối với những mặt hàng nông sản.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng đề nghị Chính phủ xem xét trình Quốc hội giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống 20%, thậm chí xuống dưới 20% đối với những doanh nghiệp tiêu thụ hàng hóa nông sản; giảm thuế VAT đối với các sản phẩm đầu vào của nông nghiệp như phân bón, thức ăn chăn nuôi... Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần đặc biệt lưu ý đến việc khống chế, dập tắt dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi ngay từ khi phát hiện, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng.

Liên quan đến thị trường bất động sản, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đề xuất cần tiếp tục xem xét để có các giải pháp, gói hỗ trợ người thu nhập thấp có điều kiện mua nhà cũng như các chính sách phát triển nhà ở xã hội; cho rằng việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản sẽ có tác động rất lớn đến việc xử lý hàng tồn kho, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng.

Cùng quan điểm nêu trên, Bộ trưởng Bộ KHĐT Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Bộ TNMT Nguyễn Minh Quang đề xuất xem xét chủ trương cho người nước ngoài mua nhà để ở tại Việt Nam, coi đây cũng là một trong những giải pháp hiệu quả để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Song việc xem xét cho người nước ngoài mua nhà để ở tại Việt Nam phải có các quy định chặt chẽ, tránh những tiêu cực xã hội có thể phát sinh.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, hiện nay một trong những khó khăn của nền kinh tế vẫn là đầu ra của sản phẩm, do đó cần phải quan tâm đặc biệt đến việc tháo gỡ nút thắt này, đồng thời tiếp tục tính toán, xem xét các giải pháp hiệu quả nhằm xử lý hàng tồn kho, nợ xấu. Xây dựng lộ trình cụ thể về điều chỉnh giá than, điện, song phải tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng, đảm bảo không tác động lớn đến kinh tế vĩ mô và mục tiêu kiềm chế lạm phát.

Ngoài ra, ý kiến một số thành viên Chính phủ cũng cho rằng cần quan tâm thúc đẩy thực hiện các giải pháp, chính sách bảo đảm mục tiêu, tiến độ triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; tiếp tục thực hiện tốt các chính sách đảm bảo an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, đào tạo nghề, tạo việc làm cho người lao động; quan tâm giải quyết khó khăn về sản xuất và đời sống cho người nghèo, đồng bào vùng sâu, vùng xa.
 
Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 3/2013 - Ảnh 2

Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2013. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Ưu tiên thúc đẩy sản xuất, kinh doanh

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, nhìn lại quý I/2013, vấn đề tích cực nổi lên là lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn cùng kỳ. Tuy nhiên đi sâu vào phân tích, chúng ta thấy công nghiệp tăng thấp, nông nghiệp khó khăn, còn tiềm ẩn nguy cơ lạm phát cao trở lại;… Tăng trưởng đạt được trong quý I là nhờ vào dịch vụ, vào xuất khẩu; kết quả tích cực đạt được là chưa căn cơ, chưa vững chắc, đồng thời Thủ tướng khẳng định sản xuất mới là cái căn cơ, vững chắc đối với nền kinh tế.

Từ những phân tích nêu trên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương quyết liệt hơn nữa trong triển khai Nghị quyết 01, 02 của Chính phủ; kiên trì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô; thực hiện cho được mục tiêu tăng trưởng ở mức 5,5% của năm 2013; giữ lạm phát thấp hơn năm 2012.

Theo đó, trước hết cần dành ưu tiên cho thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh; tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, xử lý nợ xấu, giải quyết hàng tồn kho, tạo đà cho phục hồi tăng trưởng.

Thực hiện các giải pháp hỗ trợ về thuế có hiệu quả để giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, mở rộng thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu đi đôi với hỗ trợ khuyến khích xuất khẩu đặc biệt là đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, thế mạnh của Việt Nam. Cùng với đó là thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả; tăng dư nợ tín dụng, đưa tín dụng vào sản xuất, kinh doanh; tiếp tục thực hiện lộ trình hạ lãi suất cho vay, nhất là đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động để đảm bảo sản xuất ổn định, tạo việc làm. Xây dựng các cơ chế, chính sách thu hút mạnh mẽ hơn dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, trong đó ưu tiên các lĩnh vực công nghệ cao tạo giá trị gia tăng lớn và công nghiệp phụ trợ. Tăng cường các biện pháp đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, nhất là các nguồn vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, vốn ODA…

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh phải tiếp tục triển khai quyết liệt tái cơ cấu kinh tế, bao gồm tái cơ cấu đầu tư; tái cơ cấu doanh nghiệp; tái cơ cấu thị trường tài chính, trọng tâm là tái cơ cấu các ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính. Chú trọng chỉ đạo công tác thu chi ngân sách nhà nước để bảo đảm các cân đối thu chi theo kế hoạch; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, cắt giảm các khoản chi tiêu không cần thiết.

Về đề xuất của các thành viên Chính phủ liên quan đến thị trường bất động sản, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng cần xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp cho người thu nhập thấp vay mua nhà với lãi suất thấp và thời hạn vay dài.

Thủ tướng cũng đồng ý với ý kiến đề xuất của một số thành viên Chính phủ về chủ trương cho người nước ngoài mua nhà để ở tại Việt Nam trên cơ sở các quy định quản lý chặt chẽ, tránh các tiêu cực xã hội có thể phát sinh.

Thủ tướng lưu ý các Bộ, ngành địa phương phối hợp hiệu quả trong thực hiện lộ trình tăng giá một số mặt hàng, dịch vụ, song phải tránh tác động gây tăng CPI đột biến cũng như những tác động bất lợi đến nền kinh tế; đồng thời phối hợp thực hiện tốt công tác phòng chống, khống chế dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhấn mạnh, cần tiếp tục quan tâm hơn nữa đến thực hiện các chính sách đảm bảo an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, trong đó hết sức chú trọng hỗ trợ người nghèo, đối tượng chính sách; hỗ trợ người dân ổn định sản xuất và đời sống ở những vùng bị ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh...