Ổn định vĩ mô vẫn là mục tiêu hàng đầu
Thực hiện mục tiêu tổng quát mà Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 được Quốc hội thông qua, trong nhóm giải pháp đầu tiên, dự thảo Nghị quyết lấy ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát là mục tiêu hàng đầu trong chỉ đạo, điều hành năm 2013. Với giải pháp này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục được giao điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, hiệu quả; sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ chính sách tiền tệ; gắn kết chặt chẽ với chính sách tài khóa theo mục tiêu kiềm chế lạm phát, tăng cường ổn định vĩ mô và bảo đảm tăng trưởng hợp lý; Điều hành lãi suất và tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, đảm bảo an toàn thanh khoản và hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng và của nền kinh tế; Điều hành tỷ giá theo tín hiệu thị trường, bảo đảm giá trị đồng tiền; Hoàn thiện cơ chế quản lý thị trường vàng; Thực hiện các biện pháp đồng bộ để cải thiện cán cân thanh toán quốc tế và tăng dự trữ ngoại hối…
Tập trung xử lý nợ xấu sẽ giúp hồi sinh nhiều doanh nghiệp. Trong ảnh: May hàng xuất khẩu tại Công ty may Việt Huy. Ảnh: Trần Việt
Bộ Tài chính phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp về ngân sách Nhà nước, bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ thu, chi theo kế hoạch. Phấn đấu tăng thu, triệt để tiết kiệm chi, giảm bội chi ngân sách Nhà nước.
Bộ KH & ĐT, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các quy định của Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách Nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ; rà soát, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên các dự án đầu tư của Nhà nước, ưu tiên bố trí vốn cho các dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng nhưng chưa bố trí đủ vốn, các dự án trọng điểm, cấp bách, hiệu quả, có khả năng hoàn thành trong năm 2013. Hạn chế tối đa khởi công dự án mới sử dụng ngân sách...
Cấp bách xử lý nợ xấu
Với những chính sách hỗ trợ về vốn, miễn giảm, giãn thuế… thời gian qua đã có không ít doanh nghiệp duy trì được sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, ông Nguyễn Gia Thọ, Chủ nhiệm HTX Công nghiệp Song Long cho rằng, đối với doanh nghiệp, vấn đề quan trọng nhất là lưu thông thị trường và ổn định tỷ giá. "Do vậy, những giải pháp liên quan tới việc nới lỏng tín dụng, hạ lãi suất và giám sát thực hiện một cách triệt để giải phóng hàng tồn kho, giảm chi phí kinh doanh, qua đó phục hồi sản xuất và làm nóng thị trường lưu chuyển hàng hóa là những điều mà chúng tôi mong mỏi", ông Thọ cho biết.
Dự thảo một số giải pháp cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp * Gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, doanh nghiệp đầu tư - kinh doanh nhà ở. * Không ban hành chính sách thực hiện việc thu phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ theo đầu phương tiện. Giảm lệ phí trước bạ đối với xe ô tô chở người dưới 10 chỗ ngồi. * Bộ trưởng Bộ Tài chính thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định: Áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 20% từ 1/7/2012 (sớm hơn 6 tháng so với lộ trình) với doanh nghiệp nhỏ và vừa; Áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% từ 1/7/2012 với thu nhập từ đầu tư - kinh doanh nhà ở xã hội; Giảm 50% số thuế giá trị gia tăng đầu ra từ 1/7/2012 đến hết 30/6/2014 đối với hoạt động đầu tư - kinh doanh nhà ở xã hội; Giảm 30% số thuế giá trị gia tăng đầu ra từ 1/7/2012 đến hết 30/6/2014 đối với hoạt động đầu tư - kinh doanh nhà ở là căn hộ có diện tích sàn dưới 70m2 và giá bán dưới 15 triệu đồng/m2. * Các ngân hàng thương mại của Nhà nước cho vay mua, thuê mua nhà ở xã hội và nhà thương mại có diện tích nhỏ hơn 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2; cho các doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội vay với lãi suất hợp lý, kỳ hạn trả nợ phù hợp. * NHNN dành từ 20.000 - 40.000 tỷ đồng thông qua tái cấp vốn với lãi suất hợp lý và thời hạn tối đa 10 năm để hỗ trợ các ngân hàng thương mại của Nhà nước phục vụ cho vay các đối tượng này. |
Trong khi đó, đại diện công ty CP Vận tải Hoa Nam, có trụ sở tại Khu công nghiệp Liên Phương, huyện Thường Tín (Hà Nội) cho rằng, "Chủ trương rõ ràng và quyết liệt về xử lý nợ xấu đã tăng thêm hy vọng cho nhiều doanh nghiệp. Với những giải pháp tập trung xử lý nợ xấu nhanh sẽ giúp hồi sinh nhiều doanh nghiệp".
Ngoài ra, các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện vẫn đang cần thêm những hỗ trợ trực tiếp và mang tính dài hạn. Thực tế thời gian qua, các chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp để hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó đã được áp dụng. Tuy nhiên, đây chỉ là những giải pháp trước mắt, chính vì thế hiệu quả của các ưu đãi về thuế, nhất là thuế thu nhập doanh nghiệp không cao. Bởi vì, nhiều doanh nghiệp kinh doanh không có lãi, thậm chí thua lỗ, trong bối cảnh chi phí đầu vào, lãi suất ngân hàng tăng mạnh trong năm 2012.
Chủ tịch Hội đồng quản trị - Tổng Giám đốc Công ty T- Tech Nguyễn Đình Trọng kiến nghị, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cần cụ thể và chi tiết hơn. Phải có kế hoạch sao cho các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn, không bị gây phiền hà và cần phải phân định rõ đối tượng nào được hưởng từ ngân hàng nào chứ không thể chung chung.
Những giải pháp đề ra cụ thể, được thực thi hiệu quả là mong muốn chung của cộng đồng doanh nghiệp trong các giải pháp mà Chính phủ đề ra trong thời gian tới.
Hơn lúc nào hết, các DN đang rất cần sự hỗ trợ từ phía Chính phủ cũng như các cơ quan quản lý. Dự thảo đã đưa ra nhiều phương án hỗ trợ như giải quyết hàng tồn kho, gia hạn thuế, phí... Tuy nhiên, những khó khăn của DN không thể giải quyết trong ngày một, ngày hai. Các chính sách hỗ trợ DN nhìn chung cần được kéo dài sang cả năm 2014, vì năm 2013 dự kiến chưa qua hết khó khăn. TP Hà Nội đề xuất Chính phủ cho phát hành 5.000 tỷ đồng trái phiếu trong thời hạn 3 năm để giải quyết vốn cho phát triển hạ tầng, đạt kế hoạch phát triển kinh tế đến 2015. Ông Nguyễn Huy Tưởng Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội |