Trong đó có, Bộ Luật Hàng hải Việt Nam; Luật An toàn thông tin mạng; Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND; Luật Kế toán; Luật Thống kê; Luật Khí tượng thủy văn; Luật phí và lệ phí; Luật Trưng cầu ý dân; Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng; Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội; Nghị quyết về việc phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi Hiệp định Marrakesh thành lập Tổ chức thương mại thế giới.
Giới thiệu về những nội dung cơ bản của Luật Trưng cầu ý dân, lãnh đạo Hội Luật gia Việt Nam cho biết: Luật gồm 8 chương, 52 Điều. Quy định các vấn đề trưng cầu ý dân phù hợp với Hiến pháp, Luật tổ chức Quốc hội và các văn bản pháp luật có liên quan, Luật quy định Quốc hội xem xét, quyết định trưng cầu ý dân các vấn đề như: Toàn văn Hiến pháp hoặc một số nội dung quan trọng của Hiến pháp; Vấn đề đặc biệt quan trọng về chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, về quốc phòng, an ninh, đối ngoại có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích quốc gia; vấn đề đặc biệt quan trọng về kinh tế- xã hội có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của đất nước; Vấn đề đặc biệt quan trọng khác của đất nước. Luật cũng quy định phạm vi trưng cầu ý dân được thực hiện trong phạm vi cả nước. Luật quy định kết quả trưng cầu ý dân có giá trị quyết định đối với vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân và có hiệu lực kể từ ngày công bố…
Quanh Luật Phí và Lệ phí có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017, lãnh đạo Bộ Tài chính thông tin: Để đảm bảo rõ ràng, minh bạch về quyền và trách nhiệm của công dân, Danh mục chi tiết các khoản phí, lệ phí được ban hành kèm theo Luật. Theo đó, quy định cụ thể thẩm quyền của 4 cơ quan đối với từng khoản phí, lệ phí trong danh mục: UBTV Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính và HĐND cấp tỉnh.
Trong cuộc họp báo, đại diện các cơ quan soạn thảo Luật, Nghị quyết cũng thông tin những nội dung cơ bản của các Bộ Luật, Luật và Nghị quyết được công bố.