Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chính thức đổi mã vùng điện thoại cố định ở 13 tỉnh, thành

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là một trong nhiều điểm nhấn lĩnh vực khoa học- công nghệ. Bắt đầu từ 00 giờ 00 phút ngày 11/2/2017, các thuê bao cố định tại 13 tỉnh, các thuê bao cố định tại 13 tỉnh, thành gồm: Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Điện Biên, Yên Bái, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh đã đổi mã vùng điện thoại cố định.

Đổi mã vùng điện thoại cố định
Đây là những tỉnh, thành thuộc giai đoạn 1 trong kế hoạch đổi mã vùng được Bộ TT&TT chia thành 3 giai đoạn, tiến hành tại của 59/63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc, trừ 4 tỉnh là Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hòa Bình và Hà Giang.
 
Vào lúc 0h15, sáng nay 11/2, VNPT là doanh nghiệp đầu tiên hoàn tất việc đổi mã vùng giai doạn 1. Các cuộc gọi kiểm tra từ di động tới cố định theo mã vùng mới đều đã thực hiện được bình thường.

Theo ông Tô Mạnh Cường, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT, do có nhiều loại hình thuê bao cố định (thông thường, IMS, Gphone, VSAT) nên việc đổi số không chỉ thực hiện tại mỗi trụ sở của VNPT-Net mà cả 63 chi nhánh của VNPT tại 63 tỉnh thành trên cả nước cũng đang cùng trực để khai báo và cập nhật mã vùng mới. VNPT hiện chiếm tới hơn 90% thị phần thuê bao di động cả nước với số thuê bao cố định tại 59 tỉnh, thành phố hiện nay là 4,5 triệu ở trên 109 tổng đài. 

Trước đó, đoàn Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) dẫn đầu là Cục trưởng Nguyễn Đức Trung đã đến kiểm tra việc thực hiện đổi số của VNPT. Cục trưởng Trung cũng cho biết đã đi kiểm tra tại Viettel song số lượng thuê bao của Viettel ít nên không ảnh hưởng nhiều.

Giai đoạn 2 bắt đầu từ ngày 15/4/2017, với 23 tỉnh thành gồm: Quảng Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Cạn, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Cà Mau, Bạc Liêu, Cần Thơ, Hậu Giang, Trà Vinh, An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng.
Giai đoạn 3 bắt đầu từ ngày 17/6/2017, với 23 tỉnh thành gồm: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Kon Tum, Đắk Nông, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Gia Lai, Vĩnh Long, Bình Phước, Long An, Tiền Giang, Bình Dương, Bến Tre, Tây Ninh, Đồng Tháp.
Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia nhiễm mã độc nhiều nhất thế giới
Mới đây, Microsoft Châu Á đã công bố báo cáo An ninh mạng, phiên bản 21 (SIR Volume 21) nhằm cung cấp tầm nhìn về ngữ cảnh mã độc nhằm giúp các tổ chức hiểu rõ hơn về dữ liệu mang tính xu hướng trong các lỗ hổng của ngành công nghiệp, việc khai thác, mã độc và các cuộc tấn công dựa trên web.
 
Trong 5 nước đứng đầu toàn cầu về nguy cơ nhiễm mã độc thì có 2 nước thuộc khu vực Đông Nam Á là Việt Nam và Indonesia. Microsoft đánh giá đây là hai nước có tỷ lệ nhiễm mã độc hơn 45% vào quý II/2016, nhiều hơn gấp đôi so với mức trung bình cùng kỳ 21% của thế giới.
Danh sách mã độc xuất hiện nhiều ở Châu Á Thái Bình Dương bao gồm: Gamarue, sâu máy tính cung cấp một điều khiển mã độc chiếm quyền trên máy tính người dùng, ăn cắp thông tin và thay đổi các thiết lập bảo vệ trên máy. Lodbak, một dạng trojan thường được cài trên các ổ di động bị điều khiển bởi Gamarue và luôn cố cài đặt Gamarue khi ổ đĩa bị nhiễm kết nối với máy tính. Dynamer, một trojan có thể ăn cắp các thông tin cá nhân, tải thêm mã độc hoặc giúp các hacker truy cập vào máy tính.
Bộ KH&CN và Bộ Công Thương kí kết Chương trình phối hợp hoạt động KH&CN giai đoạn 2017 - 2020
Hôm 9/2 vừa qua, Bộ Công Thương và Bộ KH&CN đã ký kết "Chương trình phối hợp hoạt động KH&CN giữa 2 Bộ giai đoạn 2017-2020". Đây là một điểm nhấn ghi nhận sự phối hợp hiệu quả của hai Bộ, đồng thời cũng là cam kết mạnh mẽ về việc đẩy mạnh hơn nữa hoạt động KH&CN trong ngành Công Thương.
 
Với nội dung của Chương trình phối hợp, hai Bộ sẽ tăng cường phối hợp trong việc rà soát, chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực KH&CN và lĩnh vực Công Thương để đảm bảo lồng ghép hiệu quả, khả thi các chính sách phát triển ngành Công Thương với chính sách KH&CN, trong đó tập trung xây dựng các cơ chế chính sách đặc thù để thúc đẩy hoạt động KH&CN trong lĩnh vực ưu tiên, trọng điểm và một số lĩnh vực ngành công nghệ cao, cơ khí chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, năng lượng…
Được biết, vai trò của KH&CN đã tiếp tục được khẳng định trong hoạt động tái cơ cấu ngành Công Thương. Trong đó, phát triển KH&CN được xác định là một trong sáu nhóm giải pháp quan trọng để thúc đẩy tái cơ cấu ngành Công Thương, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng bền vững.
TV thông minh đang theo dõi và bán thông tin người dùng
Mới đây, Uỷ ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) đã phát đơn kiện đối với Vizio, thương hiệu TV hàng đầu ở Mỹ, khi các dòng TV thông minh (Smart TV) của hãng này đã thu thập thông tin và bán dữ liệu về thói quen của người dùng mà không được sự cho phép. Nhà sản xuất này cũng thừa nhận hành vi trên và đồng ý trả 2,2 triệu USD để dàn xếp vụ kiện.
 
Cụ thể, báo cáo cho biết từ tháng 2/2014, phần mềm trên TV Vizio đã thu thập cả một “kho tàng” dữ liệu người dùng, chuyển về máy chủ của hãng. Sau đó, Vizio bán cho các bên thứ ba để đo thị hiếu của người dùng, phân tích và theo dõi thói quen người dùng.
Tuy nhiên, Vizio cho biết phần mềm này không thu thập thông tin của người dùng xác định. Tức là danh tính của người dùng không được công bố.
Trong đơn kiện của FTC, với hành vi này, công ty Vizio đã thu thập thông tin người dùng ở mức độ chi tiết theo từng giây về thói quen xem TV. Theo FTC, mỗi dòng báo cáo cung cấp thông tin xem của mỗi dòng TV. Trong khi đó, Vizio phản pháo cho rằng chương trình phân tích dữ liệu là để cung cấp dữ liệu thái độ xem với mức độ chi tiết để có thể tạo ra đánh giá cho các nhà quảng cáo và các nhà cung cấp nội dung.