Điều ấy bước đầu tạo niềm tin cho người dân về công cuộc chống tham nhũng sẽ thu được nhiều tín hiệu khả quan hơn trong thời gian tới.
Tuy nhiên, những vụ án tham nhũng đó lớn thì lớn thật, đích đáng thì đích đáng thật nhưng xa quá. Trong khi tình trạng tham nhũng vặt vẫn tràn lan trong mọi ngõ ngách đời sống xã hội đang là nguyên nhân khiến Nhân dân hao mòn niềm tin thì chưa thấy xử lý được bao nhiêu. Ngay tại Hà Nội, thỉnh thoảng lại có chuyện ăn tiền khi báo tử, chuyện phê duyệt đơn xin đi học, chuyện làm giả hồ sơ của người có công, chuyện kiếm chác từ các vụ trộm cắp hay tai nạn giao thông, chuyện găm hàng chục sổ đỏ của dân ở ủy ban…
Số liệu từ 3 năm nay cho thấy, mức độ tham nhũng liên quan tới các thủ tục hành chính, các dịch vụ y tế và giáo dục công vẫn không thuyên giảm. Vẫn thấy công an, quản lý thị trường, cán bộ cấp cơ sở đục khoét. Vẫn thấy hàng nghìn thủ tục hành chính không đáng có. Vẫn thấy vào bệnh viện là phải có phong bì mới được nằm không ghép. Vẫn thấy vỉa hè còn có nơi bát nháo… Xã hội đã nói tới tình trạng này trong nhiều năm nay, nhưng chúng ta không đạt được sự cải thiện nào. Thậm chí, so với những năm trước, năm 2013 chẳng hạn, tỷ lệ người dân cho rằng chính quyền địa phương không nghiêm túc trong chuyện chống tham nhũng còn có xu hướng tăng lên. Đi ngủ thì thôi, mở mắt ra là phải nghĩ đến lo lót. Để có lối ra vào cửa nhà mình, lên xe ra đường là phải gặp quản lý trật tự đô thị phường và công an. Đến công sở, thấp nhất là trụ sở công an hay UBND phường là phải có tiền thì thủ tục giấy tờ mới không trục trặc. Đấy là dân thường. Người làm ăn, DN còn lắm thứ khổ. Xin một giấy phép xây dựng - hàng triệu đồng, một container hàng về cần thông quan - hàng triệu đồng (tùy hàng), một xe ô tô cần đăng kiểm - vài trăm nghìn đồng; con học trái tuyến hoặc không đủ điểm - vài trăm nghìn đến vài triệu đồng, học xong muốn được đi làm ngay, tiền để “chạy” cũng không nhỏ… Không có tiền không xong, mọi người đều hiểu thế. Tình trạng lo lót, biếu xén, tặng quà… đã và đang trở thành chuyện bình thường trong xã hội, và đó chính là nguyên nhân gây bức xúc và xói mòn niềm tin. Tham nhũng vặt được chấp nhận, được coi là hiển nhiên, lúc đó các lĩnh vực thiết yếu của một quốc gia như giáo dục, y tế, tòa án, báo chí, công an… sẽ bị điều khiển bởi phong bì, nếu không có phong bì thì tiền kẹp dưới giấy tờ, một bát phở sáng cũng xong, lợi ích cá nhân bất chính dẫn tới buông xuôi trách nhiệm, chức năng xã hội của mìnhBiết tác hại của tham nhũng vặt như thế nhưng không ai làm và nếu có thì người chống tham nhũng cũng cô độc. Người ta ngại bị trả thù, bị ngược đãi vì không được bảo vệ. Phần lớn những người tham nhũng vặt không hề chịu một hậu quả nào, thậm chí ngược lại, họ còn coi số ít đồng nghiệp khước từ tham nhũng như những người gàn hay đạo đức giả. Thứ hai, người dân sử dụng dịch vụ công thường cho đấy là chuyện vặt thời nào chẳng thế hay không đủ dũng cảm để là những người đầu tiên bước vào cuộc chơi chống lại “các ông chằng vô lý” này (nói như Hichmét)… Hai yếu tố trên tạo nên một vòng tròn khép kín. Người dân có tâm lý cam chịu vì họ nghĩ rằng cái vòng tròn khép kín này quá mạnh, họ lẻ loi và không thể nào phá được nó. Và họ không tin là sẽ được bảo vệ nếu họ phá nó. Thực tế từ các nước cho thấy, có thể có những vụ tham nhũng lớn nhưng chưa chắc đã có tham nhũng vặt. Ví như ở các nước châu Âu, thi thoảng chúng ta thấy cơ quan chức năng phát hiện ra một số vụ việc tham nhũng, tuy nhiên, tham nhũng vặt hầu như không có. Không có chuyện chạy trường, chạy lớp, vào bệnh viện phải lo lót, phong bì cho bác sĩ… Nhưng một xã hội mà tham nhũng vặt trở thành cái lệ, trở thành văn hóa phong bì, văn hóa lo lót thì chắc chắn sẽ tạo ra cái nền cho các vụ tham nhũng lớn. Đã tham nhũng cái nhỏ khi có cơ hội thì chắc chắn sẽ tham nhũng lớn. Cái đáng lo ngại hơn là khi tham nhũng vặt trở thành hệ thống thì chắc chắn người khác bắt chước làm theo. Do đó cần phải có những giải pháp căn cơ để giải quyết tình trạng tham nhũng vặt.