Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chớ ham mua hải sản siêu rẻ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian gần đây, tại TP Hồ Chí Minh, các mặt hàng thủy, hải sản được bày bán rải rác ở vỉa hè, lề đường với giá rẻ bất ngờ nên thu hút khá đông người mua…

Khoảng 15h hàng ngày, trên đường Hòa Bình (góc Hòa Bình - Lũy Bán Bích, Q. Tân Phú, TP HCM) thường xuất hiện xe đẩy bán ghẹ biển, tôm tít với giá cực rẻ, chỉ 30.000đ – 35.000đ/nửa kg. Những con tôm, cua, ghẹ xanh mướt, tươi rói, được phủ một lớp đá mỏng hoặc giữ trong thùng lạnh làm cho mặt hàng này càng thêm bắt mắt. Những ngày mưa, người mua hải sản càng đông bởi ngoài giá cực rẻ còn rất tiện lợi, chỉ cần dừng xe vài phút là có thể mua được món ngon, bổ dưỡng.
Chớ ham mua hải sản siêu rẻ - Ảnh 1
Ghẹ biển “đại hạ giá” bán vỉa hè luôn hút khách.
Theo lời người bán, ghẹ biển được lấy từ vựa của người bà con tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Bình Điền. Các vựa này nhập hàng từ các tỉnh Nha Trang, Phan Thiết, Vũng Tàu... phân phối vào thị trường TP HCM và xuất khẩu.

Ở các khu vực quận 2, Bình Thạnh, Tân Bình, Gò Vấp, các tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ, Kha Vạn Cân, xa lộ Hà Nội, quốc lộ 13... nhiều mặt hàng thủy hải sản được bày bán trên sạp tạm, xe đẩy bên lề đường với số lượng khá lớn và giá rẻ hơn cả giá bán sỉ. Nào là nghêu Gò Công, ốc Đồng Tháp, sò Cần Giờ hay cua biển Cà Mau với giá bán rất rẻ. Cụ thể, ốc chỉ có từ 16.000đ - 28.000đ/kg, nghêu là 18.000đ - 20.000đ/kg hay cua biển cũng chỉ từ 60.000đ - 70.000đ/kg. Nhiều xe đẩy còn hút khách bằng chiêu thức bán hàng đồng giá. Nghĩa là, tất cả các mặt hàng như ốc, sò, nghêu đều được bán với một giá duy nhất, khoảng 20.000đ/kg.

Nhiều khách hàng nghi ngờ hàng giá rẻ, người bán giải thích do họ bán hàng kiểu “lưu động” nên không tốn tiền thuê địa điểm, mặt bằng, thuế kinh doanh. Họ còn thường tự lấy hàng tận gốc hoặc thu mua trực tiếp từ người đánh bắt nên hàng luôn tươi mới, giá rẻ hơn so với trong chợ truyền thống, siêu thị.

Quảng cáo hải sản đảm bảo tươi ngon là thế nhưng không ít người mua mang về mới vỡ lẽ, hầu hết những mặt hàng đó đều là hàng thải, hàng không chất lượng, thậm chí nhiều loại còn không thể sử dụng được do chúng đã bị hư, thối, chết.

Chị Tư (ngụ qu
ận Tân Bình) mua 2 kg ghẹ bán lề đường, bức xúc: “Thấy ghẹ xanh rất tươi, giá lại rẻ, nhiều người mua nên mình cũng mua về cho chồng con ăn. Đã cẩn thận chọn kỹ từng con nhưng khi luộc lên thì chỉ còn... vỏ và nước”.

Bà Mỹ - chủ vựa hải sản tươi sống Mỹ Phượng tại chợ đầu mối Bình Điền cho biết: “Những hải sản như cua, tôm, ghẹ biển... có nguồn gốc rõ ràng, đạt chất lượng không thể có giá dưới 100.000đ/kg như các điểm bán hàng vỉa hè bày bán, mức giá ấy chỉ có thể là hàng dạt hoặc hàng xô. Bên cạnh đó, nhiều nơi còn ăn gian trọng lượng như dùng dây vải to cột cua ghẹ, điều chỉnh lại cân, giới thiệu sai về nguồn gốc sản phẩm”.

Bà Mỹ cũng cho biết thêm, hải sản bày bán trên các xe đẩy chỉ được rải một lớp nước đá mỏng hoặc cất trong thùng giữ lạnh thì không thể đối phó được với thời tiết thay đổi liên tục, nắng mưa thất thường như TP Hồ Chí Minh. Muốn hải sản luôn tươi ngon, chắc chắn người kinh doanh đã phải sử dụng hóa chất hoặc chất bảo quản mới có thể làm hải sản như vừa mới được đánh bắt lên để đánh lừa người tiêu dùng.

Mua và sử dụng hải sản chết, được ngâm bằng hóa chất rất nguy hại với sức khỏe, dễ bị ngộ độc, thậm chí gây tử vong với người tiêu dùng. Nhưng không hiểu sao mặt hàng này vẫn được bán “lưu động” rộng rãi ở khắp các nẻo đường. Đặc biệt là các khu công nghiệp có đông công nhân, nơi sinh sống của nhiều người lao động nhập cư tại TP HCM mà các cơ quan chức năng không hề phát hiện, xử lý. Thỉnh thoảng, thấy bóng dáng có người đi kiểm tra, những người bán hàng rong này lên xe, chuyển sang địa điểm khác để tiếp tục kinh doanh.