Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chở hôn nhân đi... khám

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Nếu theo "tiêu chí" của chị Mai, có lẽ chị Hoàng Uyên đã ly hôn 5 năm trước, khi chồng chị là anh Hồng Thân dọn hẳn qua "phòng nhì”.

KTĐT - Nếu theo "tiêu chí" của chị Mai, có lẽ chị Hoàng Uyên đã ly hôn 5 năm trước, khi chồng chị là anh Hồng Thân dọn hẳn qua "phòng nhì”.

Một ngày đầu tháng 10, một người phụ nữ không giấu được vẻ ngượng ngùng khi đến Trung tâm Tư vấn tình yêu - hôn nhân - gia đình. Tiếp xúc với chuyên viên, chị chỉ thốt lên được mấy tiếng "em khổ quá chị ơi, chồng em..." rồi tức tưởi khóc.

Kẻ buông, người giữ

Trong phiên xử tại TAND Q.12, TP.HCM vào đầu tháng tám, chị Lê Mai (37 tuổi, công nhân dệt) cương quyết không ly hôn dù đã sống ly thân hai năm. Anh Văn Khương, chồng chị, thì kể về những bất hòa để mong được kết thúc cuộc hôn nhân.

Phần chị Mai, cứ khăng khăng cho rằng vợ chồng chị đang "cơm lành canh ngọt", dù vết bầm tím trên gò má trái và đôi mắt trũng sâu của chị "tố cáo" sự thật không đúng như lời khai của chị. Sau khi xác minh tại địa phương và hỏi riêng hai con của chị, thẩm phán biết chị từng bị chồng đánh đến phải đi cấp cứu. Càng cản trở việc ly hôn, chị Mai càng bị ăn đòn dữ hơn.
 
Trong lần hòa giải thứ hai, chị công nhận đã nhiều lần bị anh đánh đập nhưng "thân làm vợ thì chịu đòn là lẽ... đương nhiên. Không thể dựa vào chuyện bạo lực mà cho rằng vợ chồng không còn tình cảm. Nếu không còn yêu tôi thì sao ảnh vẫn hăm hở chuyện gối chăn? Chừng nào vợ chồng không còn muốn chung đụng nhau khi đó mới gọi là mâu thuẫn trầm trọng!".

Nếu theo "tiêu chí" của chị Mai, có lẽ chị Hoàng Uyên (42 tuổi, người vợ được nhắc đến ở đầu bài viết) đã ly hôn 5 năm trước, khi chồng chị là anh Hồng Thân dọn hẳn qua "phòng nhì”. Là chủ một doanh nghiệp lớn ở Q.Tân Bình, một mình chị Uyên nuôi dạy, chăm sóc hai đứa con "mồ côi" cha. Trước đây, chị từng gửi đơn đến công ty anh Thân nhờ can thiệp để anh trở về, nhưng ban giám đốc mới mời lên giải quyết thì anh đã đưa đơn nghỉ việc. Với tiền chia lợi nhuận kinh doanh từ doanh nghiệp do một tay vợ tạo dựng, anh Thân có thể sống dư dả mà không cần phải làm gì.

Hiện tại, chị phải chu cấp anh mỗi tháng 20 triệu để anh ăn nhậu, cá độ, bao vợ bé. Trên thương trường, chị là người phụ nữ mạnh mẽ, sắc sảo bao nhiêu thì với chồng, chị sợ hai chữ ly hôn bấy nhiêu, đến mức chấp nhận mua cái vỏ gia đình bằng mọi giá.
 
Trong dịp lễ 2/9, chị Uyên bị tai nạn giao thông nặng, chẳng những không thăm nom vợ mà kiểm tra thẻ ATM, thấy chị chưa gửi tiền hàng tháng, anh còn gọi điện thoại chửi mắng. Sau khi trải lòng với chuyên viên tâm lý. Chị đặt câu hỏi: "Vợ chồng tôi như vậy có thể níu kéo được không?". Khi chuyên viên tâm lý hỏi: "Đến nước này sao chị chưa nộp đơn ly hôn?", chị phản ứng lại ngay: "Việc gì chúng tôi phải ly hôn? Người ta đánh nhau u đầu mẻ trán còn ăn đời ở kiếp với nhau được. Chúng tôi có mâu thuẫn gì lớn đâu. Miễn là tôi chu cấp đủ tiền như thỏa thuận thì vợ chồng vẫn êm thắm mà con tôi lại có cha".

 
Chuyên viên tâm lý hỏi tiếp: "Chị có chồng mà không có gia đình, mạnh ai nấy sống, vui buồn ốm đau gì cũng mặc, thì mục đích hôn nhân của chị là gì, chị có thấy thỏa mãn không? Chị có tin là nếu ly hôn, chị vẫn có thể hạnh phúc với một bờ bến khác?". Đáp lại, chỉ có tiếng nấc của chị...
 
Chở hôn nhân đi... khám

Vợ chồng nào cũng có va chạm, mâu thuẫn. Một mặt nào đấy, mâu thuẫn làm giàu có, phong phú hơn cho cuộc sống chung. Tuy nhiên, thật khó để phân biệt "chén khua" nhất thời hay bão tố triền miên nên có không ít người mắc kẹt, "bỏ thì thương mà vương thì tội". Do tự ti về "trình độ thẩm định hôn nhân" nên người trong cuộc thường cầu cứu người ngoài cuộc. Mà người ngoài thì không phải ai cũng giỏi bắt mạch, định bệnh. Nhiều cha mẹ xót con, đã làm chuyện bé xé ra to, không trị nổi "khối u" mà còn làm vết thương biến chứng di căn nặng.

Ngày nay, khi gặp vấn đề, người trong cuộc đã có xu hướng tìm đến các dịch vụ tư vấn tâm lý. Có người còn tuyệt đối tin tưởng, phó thác trọng trách cho chuyên viên: "Em tính ly hôn nhưng thấy chuyện này rất hệ trọng, sợ mình quyết định nông nổi nên nhờ chị quyết định thay!".

Nhưng khi chở hôn nhân đi... khám, không ai có thể chở theo một cách đầy đủ, chính xác; thường chỉ mang theo được cái nhìn một phía, phiến diện nên không thể cung cấp đủ thông tin để chuyên viên có hướng phân tích, gợi mở các phương án giải quyết. Khi cả hai vợ chồng cùng có thiện chí đi tư vấn, chuyên viên nắm rõ mấu chốt của vấn đề mới dễ hóa giải mâu thuẫn hơn. Tốt nhất là vợ chồng nên cùng chở hôn nhân đi khám tổng quát định kỳ khi mới chớm bệnh.

Nộp đơn ly hôn ở tòa cũng là một cách "lợi hại" để "khám" hôn nhân. Nhằm khơi gợi cho các nguyên đơn, bị đơn trình bày chính xác, trung thực, tập trung và có hệ thống về tình trạng hôn nhân, thẩm phán Nguyễn Minh Trí (TAND Q.12, TP.HCM) còn soạn hẳn một mẫu biên bản ghi lời khai, yêu cầu đương sự trả lời các câu hỏi cụ thể: "Hạnh phúc gia đình kéo dài bao lâu thì phát sinh mâu thuẫn? Mâu thuẫn xảy ra từ thời gian nào? Nguyên nhân là do tính tình không hòa hợp, do cách giáo dục con, ngoại tình hay do mâu thuẫn với cha mẹ, anh em?". Trong chín tháng đầu năm 2009, TAND Q.12 và TAND Q.4 đều đã bác đơn của năm ông chồng xin ly hôn vì nguyên nhân không chính đáng, thiếu căn cứ. Viện lý do "tính tình không hợp", đa số các ông muốn đuổi "cơm" để rước "phở".

Khi vợ/chồng ngoại tình, có hẳn là cuộc hôn nhân đã đến mức báo động đỏ? Ở trường hợp này, mỗi người mỗi quan điểm. Người muốn dứt áo ra đi thì nói "tôi đã yêu người khác, chứng tỏ là tôi không còn chút tình cảm gì với cô”. Còn người muốn níu áo thì cho rằng "em sẽ tha thứ tất cả, anh chỉ nhất thời bị quyến rũ chứ chắc chắn vẫn còn yêu em".

Dù nguyên đơn có thể kháng cáo hoặc nộp đơn trở lại một năm sau khi bác đơn, nhưng việc bác đơn vẫn rất có ý nghĩa. Thẩm phán Trí cho rằng: "Việc bác đơn tạo điều kiện cho các thành viên trở về gia đình, xem xét lại giá trị của hôn nhân. Đồng thời, đó cũng là thời gian vàng ngọc cho mỗi người tự nhìn lại mình để thấy rõ những thiếu sót, sai trái của bản thân mà khắc phục, sửa đổi. Nếu một bên nhất quyết chia tay thì bên còn lại cũng sẵn sàng tâm thế để chấp nhận sự thật, vì hôn nhân được xây dựng trên yếu tố tình cảm, mà đã là tình cảm thì không miễn cưỡng, gượng ép được".

Làm thế nào để biết "điểm rơi" mà nộp đơn ly hôn cho đúng lúc? Thẩm phán Lê Thị Hằng, Phó chánh án TAND Q.4, TP.HCM cho biết: "Trong quá trình hòa giải, thẩm phán sẽ phân tích để hai người tự xác định. Việc quan trọng nhất là khơi gợi những tình cảm hai người từng có với nhau. Đương sự đừng quá chú tâm vào mâu thuẫn mà hãy xem người bạn đời đối với ta có còn quan tâm, lo lắng hay thờ ơ, lạnh nhạt?".

 
Chuyên viên tư vấn Ngọc Anh thì hướng dẫn vẽ biểu đồ ly hôn để khách hàng hiểu rõ mình hơn. Hãy lấy tờ giấy trắng, gạch làm đôi, liệt kê những được và mất nếu duy trì hôn nhân. Ngày hôm sau, ghi tiếp. Một tháng sau lại ghi tiếp. Nếu cả ba lần kết quả vẫn trùng khớp thì phải chấp nhận chia tay (sau những nỗ lực hàn gắn). Lập biểu đồ này tốn thời gian nhưng sẽ giúp ta bình tâm nhìn lại cuộc hôn nhân để vững bước tiến về phía trước, không ảo tưởng cũng không hối tiếc.