Kinhtedothi - Từ 1/1/2015, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế bắt đầu có hiệu lực. Luật được đánh giá không chỉ đáp ứng được mục tiêu đóng góp làm tăng thu ngân sách mà còn tạo thuận lợi hơn cho DN. Chính vì thế, Luật được cộng đồng DN chờ đợi sớm đi vào thực thi.
Hỗ trợ, nuôi dưỡng nguồn thu
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn khẳng định, đây là Luật được sửa đổi theo trình tự rút gọn nhằm tạo ra sự đồng bộ và tiết kiệm thời gian, một luật sửa nhiều luật và sẽ có tác động rất tích cực đối với DN. Chẳng hạn, trước đây, đầu tư vào khu công nghiệp, DN không được hưởng ưu đãi thuế thu nhập DN, nhưng đến nay đã được bãi bỏ. Chính sách này sẽ tác động đáng kể tới các nhà đầu tư (NĐT) bởi khu công nghiệp thường có hạ tầng, dịch vụ, tiện ích đầy đủ mà cơ quan quản lý cũng dễ dàng hơn...
Về quản lý thuế, Luật quy định từ 1/1/2015, bãi bỏ yêu cầu nộp bảng kê hóa đơn cho hàng hóa và dịch vụ mua vào, bán ra và tài liệu hỗ trợ đối với hồ sơ kê khai thuế theo tháng và theo quý... Bỏ mức thu tiền chậm nộp khoảng 25%/năm tính trên số tiền thuế chậm nộp từ ngày thứ 91 trở đi, tiền chậm nộp thuế sẽ áp dụng một mức thống nhất (khoảng 18%/năm).
Theo tính toán của Chính phủ, việc thực hiện các nội dung sửa đổi về thuế nêu trên dự kiến mỗi năm giảm khoảng 5.700 tỷ đồng, hoàn thuế GTGT khoảng 1.300 tỷ đồng và xóa nợ tiền phạt chậm nộp thuế khoảng 4.800 tỷ đồng. Trong đó, ước tính tổng số thuế hỗ trợ cá nhân, DN năm 2015 khoảng 3.900 - 4.000 tỷ đồng và mỗi năm tăng chi khoảng 1.300 tỷ đồng từ Quỹ hoàn thuế để thực hiện hoàn thuế GTGT… Điều này góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển, từ đó tăng nguồn thu ngân sách trong trung và dài hạn. Đồng thời, Chính phủ sẽ chỉ đạo thực hiện và triển khai hiệu quả các luật thuế mới, tăng cường kiểm tra chống thất thu thuế; tăng cường quản lý giá đối với sản phẩm vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi...
Kỳ vọng từ cộng đồng doanh nghiệp
Tại Diễn đàn DN cuối kỳ 2014 (VBF 2014) vừa diễn ra tại Hà Nội, nhiều ý kiến cho rằng, chính sách thuế ngày càng gần hơn với thông lệ quốc tế, tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề liên quan đến cải cách thủ tục hành chính trong các giao dịch thương mại cũng như ưu đãi đầu tư mở rộng… cần được giải quyết một cách thỏa đáng. Chẳng hạn như kê khai định mức nguyên vật liệu gia công, sản xuất xuất khẩu… Bên cạnh đó là các quy định về thời hạn nộp thuế đối với nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu trong vòng 275 ngày và việc khai thuế GTGT đối với hoạt động xây dựng cơ bản vãng lai tỉnh ngoài. Một ví dụ khác là thuế nhà thầu, khi nhập khẩu thiết bị máy móc có điều kiện bảo hành. Đây là cam kết bảo hành của bên bán hàng, không phải dịch vụ bảo hành, nhưng cơ quan thuế vẫn tính 1% thuế nhà thầu. Nhiều DN cho rằng, điều này là không hợp lý.
Cũng có ý kiến cho rằng, trong vấn đề thu thuế và phạt thuế, ngành thuế còn rất máy móc trong quá trình xử lý các tình huống vi phạm của các DN. "Ví dụ, có những trường hợp không sai phạm nhưng do chưa hiểu đúng các quy định về thuế (vì các quy định, văn bản về thuế thay đổi rất nhiều) nên DN kê thuế sai, nộp chậm cũng bị phạt với mức rất cao" - đại diện Công ty TNHH Hóa dầu Quân đội tại TP Hồ Chí Minh nêu ý kiến. Theo kết quả khảo sát 1.000 DN nộp thuế thu nhập DN lớn nhất Việt Nam vừa qua cho thấy, hơn 86% số DN được hỏi kỳ vọng các mức thuế suất sẽ được tiếp tục điều chỉnh giảm trong thời gian tới để phù hợp hơn với điều kiện thực tiễn của DN. Khi được hỏi về tác động của cải cách thủ tục hành chính thuế tới DN trong thời gian qua, có hơn 67% DN nhận định, các thủ tục hành chính thuế đang được điều chỉnh theo chiều hướng tích cực, tạo thuận lợi hơn cho người nộp thuế. Tuy nhiên, vẫn còn gần 1/3 số DN chưa thực sự hài lòng với cải cách thủ tục hành chính thời gian qua, thậm chí 11,6% số DN còn cho rằng, những cải cách này đang khiến việc kê khai và nộp thuế trở nên khó khăn hơn.
Con số trên chỉ ra rằng, công cuộc cải cách hành chính thuế sẽ còn cả một chặng dài phía trước, đòi hỏi cơ quan thuế triển khai nhiều giải pháp cụ thể để hiện thực hóa mục tiêu tạo thêm nhiều thuận lợi cho người nộp thuế.
Dây chuyền sản xuất điện thoại di động tại Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam, Khu công nghiệp Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.Ảnh: Thanh Hải
|
Cán bộ thuế có thói quen quản lý sợ gian lận, phải biết hết thông tin, bởi ở góc độ nào đó nó giúp họ an toàn trước các đợt kiểm tra. Điều này dẫn đến nhiều khi cán bộ thuế đòi hỏi cả những giấy tờ không có trong văn bản pháp quy. Với họ, phải đảm bảo an toàn nghề nghiệp trước khi nghĩ đến đơn giản thủ tục cho DN. Vô hình trung họ gây ra lỗi cho hệ thống. Nhưng con người, cán bộ thuế ở địa phương không phải một sớm một chiều thay đổi ngay. Rõ ràng là cần thời gian. Bà Hương Vũ Phó Tổng Giám đốc EY Việt Nam phụ trách về Thuế |