Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cho phép chủ đầu tư tiếp tục triển khai dự án

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong các ngày 22/10 và 26/11, báo Kinh tế & Đô thị đã đăng 2 bài viết: "Tại phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy: Công trình 17 tầng thuộc diện không phải cấp phép xây dựng" và "Công trình 17 tầng tại Cầu Giấy bị đình chỉ đến bao giờ?".

Sau khi các bài báo này được đăng, ngày 27/11, Sở Xây dựng, Bộ Xây dựng, Sở QH - KT, Sở TN&MT, Sở KH&ĐT, UBND quận Cầu Giấy, UBND phường Yên Hòa đã tổ chức buổi họp và có biên bản nhằm tháo gỡ vướng mắc cho DN.
Sau nhiều tháng bị đình chỉ thi công, tới đây, công trình 17 tầng tại Yên Hòa tiếp tục được triển khai.
Sau nhiều tháng bị đình chỉ thi công, tới đây, công trình 17 tầng tại Yên Hòa tiếp tục được triển khai.
Trên cơ sở thống nhất nội dung của cuộc họp nói trên, ngày 18/12, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh đã ký Công văn số 3343/BXD-HĐXD gửi Sở Xây dựng với nội dung: Công trình đã được Sở QH - KT chấp thuận tổng mặt bằng tỷ lệ 1/500 và phương án kiến trúc sơ bộ tại Văn bản số 1791/QHKT-P1 ngày 6/11/2007 và đã được khởi công xây dựng ngày 15/8/2011; Công trình được điều chỉnh quy mô từ 17 tầng lên 27 tầng và được Sở QH - KT chấp thuận tổng mặt bằng tỷ lệ 1/500 và phương án kiến trúc sơ bộ tại Văn bản số 3489/QHKT-TH ngày 5/10/2011.

Theo quy định tại Khoản 4, Điều 30, Luật Quy hoạch đô thị số 30/2009/QH12 thì "Đồ án quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt là cơ sở để cấp giấy phép xây dựng (GPXD) và lập dự án (DA) đầu tư xây dựng (ĐTXD)".

 Theo quy định tại Khoản 4, Điều 14, Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 7/10/2010 về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị thì "Đối với DA ĐTXD do một chủ đầu tư tổ chức thực hiện có quy mô nhỏ hơn 5ha (nhỏ hơn 2ha đối với DA ĐTXD nhà ở chung cư) thì có thể lập DA ĐTXD mà không phải lập quy hoạch chi tiết. Bản vẽ tổng mặt bằng, phương án kiến trúc công trình, giải pháp về hạ tầng kỹ thuật trong nội dung thiết kế cơ sở phải phù hợp với quy hoạch phân khu; đảm bảo sự đấu nối hạ tầng kỹ thuật và phù hợp về không gian kiến trúc với khu vực xung quanh".

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 62, Luật Xây dựng số 16/2003/QH11 thì việc cấp GPXD được thực hiện đối với các công trình xây dựng mới, sửa chữa cải tạo trước khi khởi công xây dựng công trình. Căn cứ quy định tại Điểm C, Khoản 1, Điều 19, Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12/2/2009 của Chính phủ về quản lý DA ĐTXD thì công trình này thuộc đối tượng không yêu cầu thực hiện việc cấp GPXD.

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 27 về xử lý chuyển tiếp của Nghị định số 64/2012/NĐ-CP ngày 4/9/2012 của Chính phủ về cấp GPXD (Nghị định này có hiệu lực từ ngày 20/10/2012): "Nếu đã khởi công xây dựng thì không phải đề nghị cấp giấy phép".

Theo quy định tại Điểm h, Khoản 1, Điều 2, Nghị quyết số 43/NQ-CP ngày 6/6/2014 của Chính phủ về một số nhiệm vụ trọng tâm trong cải cách thủ tục hành chính trong hình thành và thực hiện DA đầu tư có sử dụng đất để cải thiện môi trường kinh doanh: "Không yêu cầu thực hiện việc cấp GPXD đối với công trình của DA đầu tư thuộc khu vực đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500". Vì vậy, theo tinh thần của Nghị quyết số 43/NQ-CP nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN, Bộ Xây dựng thống nhất kiến nghị của các cơ quan liên quan trong biên bản cuộc họp ngày 27/11/2014 nói trên, cho phép chủ đầu tư được tiếp tục triển khai thực hiện DA. Trong quá trình thực hiện, đề nghị Sở Xây dựng Hà Nội hướng dẫn, yêu cầu chủ đầu tư tuân thủ các chỉ tiêu quy hoạch đã được chấp thuận, chấp hành các quy định pháp luật về xây dựng và pháp luật khác có liên quan.

Như vậy, sau khi báo Kinh tế & Đô thị có loạt bài phản ánh về công trình 17 tầng thuộc diện không phải cấp phép tại phường Yên Hòa, Sở Xây dựng và UBND quận Cầu Giấy đã có những động thái tích cực tháo gỡ cho DN theo đúng quy định của pháp luật. Báo Kinh tế & Đô thị hoan nghênh tinh thần cầu thị, hợp tác của các cơ quan liên quan trong xử lý nội dung báo nêu.