Kinhtedothi - Sáng 26/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Đấu thầu (sửa đổi) và thảo luận về Dự án Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi). Thảo luận về Dự án Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi), các vấn đề như độ tuổi kết hôn, hôn nhân đồng giới và mang thai hộ đã nhận được nhiều ý kiến tham gia của các đại biểu (ĐB).
Không thừa nhận quan hệ hôn nhân đồng giới
ĐB Nguyễn Văn Tuyết (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) và Hồ Thị Thủy (đoàn Vĩnh Phúc) đều thể hiện sự tán thành với quy định điều kiện tuổi kết hôn là nam, nữ phải "đủ 18 tuổi trở lên." Các ý kiến cho rằng quy định này bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của Luật Hôn nhân và gia đình với các quy định có liên quan. Việc hạ độ tuổi kết hôn của nam từ 20 tuổi xuống đủ 18 tuổi là phù hợp với thực trạng về thể chất cũng như về tâm sinh lý của lứa tuổi thanh niên hiện nay.
Đại biểu Quốc hội trao đổi trong giờ giải lao. Ảnh: TTXVN
|
Về quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính, Dự thảo Luật đã bỏ quy định về việc cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính được quy định tại khoản 5 Điều 10 Luật Hôn nhân và gia đình hiện hành và thay bằng quy định mới là "Nhà nước không thừa nhận quan hệ hôn nhân giữa những người cùng giới tính".
Qua thảo luận cũng có ý kiến cho rằng, việc thừa nhận hay không thừa nhận hôn nhân của họ cũng cần phải được xem xét, cân nhắc, nhìn nhận trên nhiều khía cạnh khác nhau và phải có lộ trình, bước đi phù hợp.
Theo ĐB Nguyễn Văn Tuyết, vấn đề chung sống với nhau như vợ chồng giữa những người cùng giới tính đang là vấn đề thực tế ở Việt Nam. Cộng đồng người đồng tính dưới nhiều hình thức khác nhau cũng đã thể hiện mong muốn được Nhà nước công nhận và bảo vệ quyền được sống theo bản dạng giới. ĐB cho biết, hiện mới chỉ có 16 nước công nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính; 17 nước mặc dù không thừa nhận hôn nhân nhưng đã thừa nhận việc chung sống có đăng ký kết hợp dân sự giữa những người cùng giới tính. Như vậy, cách xử lý vấn đề này như dự kiến trong Dự án Luật trình Quốc hội là phù hợp với xu hướng chung của thế giới.
Quy định rõ hơn về mang thai hộ
Dự thảo Luật quy định cấm mang thai hộ vì mục đích thương mại, nhưng cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Nhiều ý kiến đại biểu tán thành với quy định này và cho rằng đây là một giải pháp mang tính nhân văn nhằm tạo điều kiện cho các cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản có cơ hội để thực hiện được quyền làm cha, làm mẹ.
Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội là cơ quan thẩm tra Dự án Luật có quan điểm rằng, cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo thể hiện tính nhân văn, tạo cơ hội cho một số cặp vợ chồng được thực hiện quyền làm cha, làm mẹ chính đáng. Tuy nhiên, nhiều ĐB, trong đó ĐB Khúc Thị Duyên (đoàn Thái Bình), Lê Văn Hoàng (đoàn Đà Nẵng) đề nghị ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, làm rõ và có các quy định cụ thể trong Dự án Luật để bảo vệ quyền lợi của người mẹ và trẻ em, bảo vệ quyền người mang thai hộ để tránh những sự việc đáng tiếc có thể xảy ra.