Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chờ sức mạnh của "chiếc roi" quản lý văn hóa

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Từ 1/1/2013, Nghị định 79/2012-NĐ/CP (gọi tắt là Nghị định 79) - văn bản có tính chất pháp lý cao nhất trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, chính thức có hiệu lực.

Tuy nhiên, thực tế thiên biến vạn hóa của làng giải trí vẫn khiến người ta băn khoăn về "sức nặng" của Nghị định, dù năm 2012 đã ghi dấu ấn khá rõ của nhà quản lý trong việc chấn chỉnh hoạt động nghệ thuật biểu diễn.

Ra sức chấn chỉnh

Để ra một văn bản luật gồm 5 chương và 31 điều trong Nghị định 79, nhà quản lý văn hóa phải mất 2 năm soạn thảo cùng nhiều lần xin ý kiến góp ý. Tất cả những góc dễ xảy ra sai phạm trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn đều được quy định trong luật, từ chuyện trang phục trình diễn, đến quy định sử dụng giọng thật, hát thật, đàn thật, rồi quy chế tổ chức thi người đẹp trong nước, quốc tế. Với những quy định rõ ràng và quyết tâm "mạnh tay" xử lý, nhà quản lý văn hóa tràn trề hy vọng sẽ dẹp được những lối làm ăn, tổ chức biểu diễn "treo đầu dê, bán thịt chó"; những màn trình diễn phản cảm, tai tiếng trong làng giải trí Việt bằng khẳng định: "Việc cho ra đời Nghị định 79 trong bối cảnh thị trường biểu diễn liên tục xuất hiện nhiều "hạt sạn" khổng lồ cho thấy cơ quan chức năng sẽ mạnh tay chấn chỉnh hoạt động biểu diễn nhằm hạn chế sai sót, xóa bỏ các sự cố phản cảm" (trích nguồn từ bvhttdl.gov.vn).

Không chỉ liên tục mở hội nghị phổ biến và xin ý kiến xây dựng Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 79, người làm quản lý văn hóa cũng liên tiếp ra tay xử phạt vi phạm như để… nêu gương. Chính vì vậy mà các ca sĩ Minh Hằng, Thu Minh, Cao Thái Sơn, Đàm Vĩnh Hưng... và mới đây nhất là người mẫu Hồng Quế, đã phải nhận mức phạt về hành vi hát nhép, ăn mặc phản cảm, hành xử không đúng thuần phong mỹ tục trên sân khấu. Để bổ sung cho tinh thần quyết liệt chấn chỉnh những "hạt sạn" khổng lồ, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Tuấn Anh đã cho ra đời Chỉ thị 65/CT-BVHTTDL kèm văn bản hướng dẫn chấn chỉnh hoạt động nghệ thuật biểu diễn, yêu cầu các phương tiện truyền thông không đưa tin, đăng hình nghệ sĩ "mắc án". Tuy nhiên, với những động thái này, người ta nhìn thấy nỗi thắc thỏm của các nghệ sĩ thích tạo scandal, nhưng cũng nhìn thấy sự bối rối của nhà quản lý khi chạy theo sai phạm.

Chờ sức mạnh của "chiếc roi" quản lý văn hóa - Ảnh 1

Thi nhau "xé rào"

Mức phạt 5 triệu đồng cho hành động phản cảm "hôn môi" sư thầy của Đàm Vĩnh Hưng chưa thấm vào đâu so với cátxê của ca sĩ, nhưng cơ quan quản lý có thể thở phào vì nhờ có Chỉ thị 65 và Nghị định 79, mà có thể xử phạt người sai phạm ở mức kịch trần. Dù vé xem liveshow của Đàm Vĩnh Hưng có rớt giá, dù Mr. Đàm bị loại khỏi một vài giải thưởng âm nhạc, nhưng cũng không thể ngăn sự xuất hiện của ca sĩ này trên kênh VTV3 vào mỗi tối Chủ nhật hàng tuần. Và Mr. Đàm vẫn hiện diện trên một số trang báo mạng để khoe nhà, khoe quần áo hàng hiệu… Cũng như Đàm Vĩnh Hưng, ca sĩ Thu Minh cũng "thoát tội" không được xuất hiện trên các phương tiện truyền thông trong thời gian "mắc án".

Và mới đây, dù hình ảnh người mẫu Hồng Quế diện bộ váy phản cảm khi đến Liên hoan phim Quốc tế lần 2 diễn ra tại Hà Nội làm dư luận bức xúc, nhưng Bộ VHTT&DL vẫn không thể tìm ra cách xử phạt. Bởi "Bộ chỉ có thể xử lý những người ăn mặc phản cảm trên sân khấu, còn lại không thể quản lý hết tất cả chuyện ăn mặc của mỗi người khi tới dự một sự kiện như LHP quốc tế Hà Nội vừa qua", ông Phan Đình Tân, người phát ngôn Bộ VHTT&DL cho biết. Chính vì vậy, ngành văn hóa vẫn phải trông chờ vào "sự tự ý thức về hành vi cũng như hình ảnh của mình", ông Tân nhấn mạnh.

Nói như NSƯT Lê Chức, nguyên Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn: "Nghị định 79 ra đời là điều đáng mừng của ngành văn hóa, nhưng thực tế đời sống lại hoàn toàn khác". Thế nên, dù dấu ấn của nhà quản lý văn hóa trong năm 2012 đã được khẳng định, dù "chiếc roi" quản lý là Nghị định 79 đã có hiệu lực, song để hoạt động nghệ thuật biểu diễn năm 2013 đi đúng quỹ đạo, vẫn cần sự uyển chuyển của những người "giữ roi" trong tay.