Đây là vấn đề được người tiêu dùng quan tâm nhiều và được Cục Quản lý cạnh tranh cảnh báo nhiều trong thời gian qua.
Theo dự thảo, bên cho vay phải giải ngân vào tài khoản của đơn vị bán hàng tiêu dùng, không đưa tiền mặt cho người vay. Nếu giải ngân cho khách để khách tự trả tiền hàng thì chỉ được vay tối đa 10 triệu đồng.
Dự thảo cũng quy định lãi suất cho vay tiêu dùng do hai bên thỏa thuận, phù hợp với các quy định của Ngân hàng Nhà nước. Mức lãi suất thỏa thuận phải được tính theo %/năm. Lãi suất áp dụng với nợ quá hạn không vượt quá 150% lãi suất cho vay trong hạn. Lãi chậm trả lãi vay không quá 10%/năm tính trên lãi vay chậm trả.
Theo ban soạn thảo, thời gian qua, nhiều công ty công bố mức lãi vay cực thấp nhưng áp dụng cho tháng, cho ngày khiến người vay hiểu nhầm, khi tính ra lãi theo năm thì rất cao. Đặc biệt, việc tính lãi phải trên cơ sở dư nợ cho vay thực tế tại thời điểm tính lãi, không được tính trên tổng số tiền vay ban đầu.
Theo cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thì quy định này nhằm chấm dứt tình trạng một số công ty tài chính tính lãi tiền vay trên dư nợ gốc ban đầu trong thời gian qua.