Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cho ý kiến dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tiếp tục Phiên họp thứ 32, chiều 8/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự t...

Kinhtedothi - Tiếp tục Phiên họp thứ 32, chiều 8/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế.

Qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung các luật thuế như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ và cho rằng trước tình hình kinh tế thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến kinh tế-xã hội Việt Nam, số doanh nghiệp gặp khó khăn giải thể, phá sản hoặc ngừng hoạt động tăng cao.

Việc thực hiện các quy định của hệ thống pháp luật có liên quan còn nhiều vướng mắc; các thủ tục hành chính còn rườm rà, thời gian nộp thuế ở mức cao so với các nước trong khu vực, gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. Do vậy, việc trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều các Luật về thuế là cần thiết.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày báo cáo thẩm tra về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày báo cáo thẩm tra về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế.
Theo Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Đức Hiền, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế sẽ hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn, tập trung khai thác và tận dụng tốt lợi thế của nền nông nghiệp; động viên hợp lý để phát triển nguồn thu ngân sách nhà nước, đồng thời tăng cường công tác quản lý thuế, chống chuyển giá, thực hiện có hiệu quả những sửa đổi, bổ sung của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt.

Tuy nhiên, để Quốc hội có đủ căn cứ thông qua dự án Luật, nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ cần có báo cáo đánh giá tác động của dự án Luật một cách toàn diện đến kinh tế-xã hội nói chung, cũng như thu nhập, việc làm, đời sống của người dân, đặc biệt tác động đến việc phục hồi và phát triển của hệ thống doanh nghiệp khi chính sách này có hiệu lực thi hành.

Thảo luận về quy định khống chế đối với chi quảng cáo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí chọn phương án 1 là “bỏ quy định khống chế khoản chi phí quảng cáo, khuyến mại trong Dự thảo luật.”

Theo các đại biểu, việc bỏ quy định khống chế tỷ lệ đối với chi phí quảng cáo sẽ tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh và sức hấp dẫn của môi trường đầu tư tại Việt Nam. Đồng thời, phù hợp với thông lệ chung của các nước trên thế giới và tạo điều kiện thuận lợi cho các bước đàm phán Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các nước trên thế giới. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác quản lý chi phí cho sản xuất kinh doanh và xử lý nghiêm các hành vi gian lận trong việc hạch toán chi phí quảng cáo nhằm trốn lậu thuế.

Liên quan đến bổ sung ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với công nghiệp hỗ trợ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với đề xuất của Chính phủ và cho rằng hiện nay phát triển công nghiệp hỗ trợ có ý nghĩa quan trọng cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam; công nghiệp hỗ trợ còn yếu kém, không đáp ứng được nhu cầu phát triển của các ngành công nghiệp chế tạo, lắp ráp ôtô, xe máy; công nghiệp dệt may, giày da...

Do đó, cần thiết phải có chính sách ưu đãi nhằm tạo điều kiện cho các ngành sản xuất của Việt Nam có tỷ lệ nội địa hóa cao, sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường và xuất khẩu, thu hút đầu tư.

Tuy nhiên, cần rà soát kỹ về phạm vi, đối tượng danh mục thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ, bảo đảm tính bao quát, toàn diện đối với ngành nghề, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cần thiết ưu đãi, gắn với định hướng quy hoạch phát triển công nghiệp của Việt Nam trong giai đoạn tới.

Đối với việc bổ sung ưu đãi thuế đối với dự án đầu tư có quy mô vốn đầu tư tối thiếu 12.000 tỷ đồng, đa số ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với Tờ trình của Chính phủ.

Tuy nhiên, đề nghị đề nghị Chính phủ cần làm rõ một số vấn đề như làm rõ khái niệm và tiêu chí về “công nghệ tiên tiến, kỹ thuật hiện đại” để tránh thu nhận các dự án có công nghệ lạc hậu mà các nước khác có nhu cầu thay thế chuyển về đầu tư ở Việt Nam.

Việc quy định áp dụng thuế suất và thời gian ưu đãi tới 30 năm cho tất cả các dự án trên 12.000 tỷ đồng là quá dài cho một dự án, trong khi hiện nay kỹ thuật công nghệ trên thế giới đang phát triển rất nhanh và liên tục được đổi mới, thay thế thì việc kéo dài thời gian ưu đãi thuế có thể dẫn đến việc các doanh nghiệp chậm hoặc không đầu tư đổi mới công nghệ…

Theo Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai và Chủ tịch Hội đồng Dân tộc K’sor Phước, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế nên tính toán lại thời gian hợp lý và cần ưu tiên những ngành Việt Nam đang thiếu, sản phẩm phát huy nội lực và có tinh cạnh tranh. Còn đối với những dự án đầu tư có công nghệ cũ phải cân nhắc kỹ.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề xuất cần phải có điều kiện với các dự án sử dụng công nghệ tiên tiến, kỹ thuật hiện đại nhưng cần quy định sử dụng tại thời điểm đầu tư dự án thì Luật sẽ chặt chẽ hơn.

Về bổ sung ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ.

Tuy nhiên, chỉ áp dụng thuế suất 20% cho năm 2015, không áp dụng đối với năm 2014 như Tờ trình của Chính phủ và đề nghị Chính phủ cần đánh giá, rà soát lại toàn bộ các chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân, đảm bảo việc ban hành chính sách ưu đãi sẽ tạo ra sự chuyển biến mạnh trong sản xuất nông nghiệp; thu hút được các doanh nghiệp có năng lực tài chính đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Cũng trong phiên họp chiều 8/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã cho ý kiến báo cáo về chủ trương đầu tư xây dựng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý để trình Quốc hội chủ trương đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành trong kỳ họp này và đề nghị Chính phủ tiếp các thu ý kiến để hoàn thiện Tờ trình một cách đầy đủ, thuyết phục khi đưa ra Quốc hội.