KTĐT - Nhiều người bán đào rừng khẳng định họ sẽ không phải bán đào cho tới tận ngày giáp Tết như những người dân Nhật Tân, Quảng Bá mà chỉ bán tới ngày 23, 24 Tết là hết hàng.
Giá một cây đào rừng trung bình là 1 triệu 500 nghìn đồng/cây, đắt nhất lên tới 10 triệu đồng một cây, cành 200 – 300.000 đồng cũng có nhưng rất hiếm. Thú chơi đào rừng đang đẩy đào Sapa, Mộc Châu… tới nguy cơ bị tận diệt.
Chơi “củi” giá cao
Dọc đường ven sông Tô Lịch, từ đoạn đường mới mở song song với đường Bưởi, cho tới đường Láng, Nguyễn Chí Thanh, Âu Cơ là hàng loạt hàng hoa đào rừng dã chiến được lập ra trên vỉa hè. Đào rừng được gọi bằng tiếng lóng là “đào củi”, bởi thân đào xù xì, mốc thếch và rắn đanh như cây củi.
Chỉ tay vào dãy hoa của mình xếp ở đường mới mở ven sông Tô lịch, người bán hàng có tên là Quang Lâm (sn 1981) mời chào: “Cây đào đắt nhất của em giá 3 triệu 500 nghìn đồng nhưng mà khách lấy rồi, còn một cây cũng đẹp nhưng giá có 2 triệu 200 nghìn thôi, anh thích thì chọn ngay đi, để vài hôm nữa chắc em cũng bán hết, không có nữa mà mua”.
Theo Lâm, năm nay đào rừng nở ít lại nhiều người buôn, phải lên tận Mộc Châu vào bãi chọn lọc chứ không như năm ngoái, trải dài hàng chục km theo quốc lộ 6 khu vực thị trấn Mộc Châu (Sơn La) hoặc quốc lộ 4D trên đường lên Sapa (Lào Cai) là người dân ôm đào ra bán, tha hồ buôn về xuôi.
Đào rừng với cánh hoa phai trên phố phường Hà Nội |
Một người dân đi mua đào cho biết: “Tôi chọn đào rừng vì đào bích nhiều quá đâm ra nhàm, đào rừng màu nhạt nhưng có cái đẹp riêng của nó, thân đào rừng nặng, chắc chắn, hoa bám cũng rất chắc và nở lâu nên tôi muốn mua về để chơi Tết cho đẹp”, khi pv hỏi khéo rằng “đào rừng người ta hét đắt quá” thì người này cũng cho biết là ông không cần phải đôi co mặc cả, chỉ cần cây đẹp hợp ý là sẽ mua ngay.
Tuyên (số điện thoại 016899007xx), mới trưng đào rừng (nguồn gốc Mộc Châu) để bán ở cuối đường Láng (đoạn ngã tư Cầu Giấy) được hai hôm nay nhưng đã bán hết 1/3 trên tổng số hơn 80 cành đào của mình, cây có giá đắt nhất (theo lời người bán) là 10 triệu đồng, cây đào to gần bằng bắp chân người lớn, có mốc trắng bao phủ, mối xông rỗng ruột, dáng cổ thụ, đây cũng là loại đào được người dân ưa chuộng.
Hàng chục cây đào được bầy bán tại đường Láng |
Theo các ông chủ bán đào này, giá đào phụ thuộc vào năm tuổi của đào, dáng cây, hoa và mốc trên thân cây, những cây đào có tầm gửi sống kèm sẽ đắt hơn so với cây đào khác. Giá cây đào rừng bình thường, to bằng cổ chân người lớn khoảng 1,5 triệu đồng.
Nhiều người bán đào rừng khẳng định họ sẽ không phải bán đào cho tới tận ngày giáp Tết như những người dân Nhật Tân, Quảng Bá mà chỉ bán tới ngày 23, 24 Tết là hết hàng.
Máu đào chảy xuôi
Thú “tiêu tiền không tiếc tay, tất cả cho ngày Tết hoành tráng” của nhiều người dân thành phố đang đẩy đào rừng tới nguy cơ tận diệt.
Trước địa chỉ 739 đường Âu cơ (công an quận Tây Hồ), Hùng và Thắng (Văn chấn – Yên Bái) tiết lộ rằng dịp Tết Canh Dần năm nay họ dùng tới 4 chiếc ô tô để chuyển hơn 300 cây đào xuống Hà Nội, nhiều cây đào bị chèn lên ô tô gẫy cành, dập hoa trông rất tơi tả. Năm ngoái, Hùng và Thắng đã bầy đào bán ở 131 Âu Cơ - Đình Tứ Liên nên tạo được nhiều mối quan hệ với khách quen để tiêu thụ đào.
Thắng cho biết: “Ở vùng Văn Chấn bây giờ không còn đào nữa đâu, bọn em làm bên hợp tác xã Tú Lệ đã thầu hết đào rồi”.
Cũng theo lời kể của Thắng, anh đã buôn đào rừng lên Hà Nội được 4 năm nay, năm đầu chỉ khoảng 100 cây và tăng dần số lượng lên từng năm theo nhu cầu của người dân. Trong vòng 4 năm, ước tính Thắng và các “cộng sự” của mình đã "trảm" khoảng 1.000 cây đào rừng lên Hà Nội.
Những dấu hiệu bị mối xông trên một cây đào rừng giá 3 triệu đồng, được bầy bán trước địa chỉ 101 Nguyễn Chí Thanh |
Theo quan sát tại các địa điểm đã nêu trên, một tay lái buôn đào rừng ít nhất cũng đánh trên 60 cây/chuyến. Trên tuyến đường này có ít nhất 3 điểm bán đào rừng trên đường Láng, 1 điểm ở Nguyễn Chí Thanh, 2 điểm ở Âu Cơ và 1 điểm ở Lạc Long Quân trong nguồn đào rừng đổ về Hà Nội từ Sapa, Thuận Châu, Mộc Châu... trong những ngày tới còn tăng cao.
Đào bị chặt hạ đa số là đào 3 năm tuổi trở lên, số ít là những cây trên 20 năm rất hiếm, nguy cơ đào mọc không kịp bù đào bị chặt là hoàn toàn có cơ sở… đó là chưa kể những hộ trồng đào chuyên nghiệp tại Nhật Tân hàng năm vẫn nhập một số lượng gốc đào không nhỏ từ các vùng núi, để ghép gốc với đào bích phục vụ cho mục đích kinh doanh dịp Tết.
Không chỉ có cá nhân mua đào nhiều công ty, tổ chức cũng chuyển sang chơi đào rừng thay cho dáng “đào thông” truyền thống và điều này ít nhiều cũng gây ảnh hưởng tới các nhân viên của họ.
Hải (bán đào rừng đối diện địa chỉ 822 đường Láng) khẳng định: “Năm nay bọn em nhập hơn 50 cây, vừa bán được 10 cây trong đó có 9 cây là chở đến công ty… có lẽ tới ngày 20 người dân mới đi mua nhiều”.
Bí quyết để giữ đào được tươi lâu Những người bán đào dùng những túi nilon, hộp thiếc để đựng nước rồi mới cắm đào vào để giữ đào được tươi, họ mách “nếu đào mua về gần Tết mà chưa nở, cứ đốt gốc cây là sẽ kích đào nở sớm hơn”. Đào rừng hoa màu nhạt hơn đào bích, gốc to xù xì, nhựa đào chảy xuôi xuống túi nước giữ thân cây làm cho túi nước đỏ màu hổ phách, màu máu của đào. |