Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chống hàng giả, hàng nhái: Bài toán khó!

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù Nhà nước đã có rất nhiều chủ trương, biện pháp trong việc bài trừ hàng giả, hàng nhái, nhưng người tiêu dùng (NTD) vẫn mua và sử dụng những mặt hàng này khiến cho cuộc chiến này càng thêm khó khăn.

Đó là nhận định của đa số các đại biểu tại tọa đàm "Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả - Trách nhiệm của chúng ta" do UBMTTQ VN TP HCM tổ chức ngày 11/11. 

Mở đầu tọa đàm, đại diện Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP HCM đã đưa ra hững con số giật mình: Chỉ trong 10 tháng đầu năm 2015, các đội QLTT đã phát hiện, kiểm tra hơn 9.000 vụ vi phạm với hơn 1.425 doanh nghiệp, hộ kinh doanh hàng lậu, hàng không có chứng từ hóa đơn, không rõ nguồn gốc xuất xứ; tạm giữ trên 1.800 danh mục mặt hàng với hơn 2 triệu sản phẩm gồm các mặt hàng như thiết bị điện lạnh, đồ chơi trẻ em, điện thoại di động, phụ tùng ô tô xe máy, quần áo, giày, mỹ phẩm, hóa chất công nghiệp... 
Hàng giả, hàng kém chất lượng có giá rẻ để thu hút người tiêu dùng
Hàng giả, hàng kém chất lượng có giá rẻ để thu hút người tiêu dùng.
Ngay cả các trung tâm thương mại, chợ, cửa hàng lớn cũng không thoát khỏi "sức hút hàng giả". Trong đó "nóng" nhất là mặt hàng mỹ phẩm, đội đã tạm giữ trên 131.000 sản phẩm thoa mặt, dưỡng da, thuốc nhuộm tóc, kem tẩy trắng, son môi, dầu gội... có xuất xứ từ Trung Quốc, Đài Loan, Nhật, Mỹ , Pháp.

“Có kiểm tra là có sai phạm, hoạt động buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng trên địa bàn TP trong những năm gần đây diễn ra ngày càng phức tạp, xảy ra trên mọi lĩnh vực và mọi ngành hàng. Đặc biệt trong những tháng cuối năm vào dịp lễ tết, hàng giả càng có nhiều đất sống hơn. 

Hiện nay, địa bàn kinh doanh hàng giả phần lớn tập trung ở các quận 1, 5, 6, Tân Bình, Gò Vấp, chợ Bến Thành, An Đông, Kim Biên, Bình Tây, Tân Bình và một số trung tâm thương mại. Thủ đoạn của các đối tượng thường thuê mặt bằng nơi héo lánh trong một thời gian ngắn, thường xuyên thay đổi địa điểm nhằm tránh bị người dân phát hiện”, đại diện QLTT TP cho biết. 

Đối với ngành hàng rau củ quả, vấn đề giả mạo, đội lốt hàng Việt Nam xảy ra rất nhiều thời gian qua. Chợ đầu mối được coi là cửa ngõ để phân phối thực phẩm đến tay NTD. Lượng thực phẩm vào chợ đầu mối Nông sản thực phẩm Hóc Môn khoảng 2.500 tấn/ngày đêm; còn với chợ Nông sản Thủ Đức khoảng 3.500 tấn, ngày lễ tết lên tới 4.000 - 4.500 tấn/ngày đêm. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thanh Hà - Phó Giám đốc công ty TNHH Quản lý và kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức cho biết: "Có một thực tế xảy ra hiện nay là hàng nông sản đang có sự đánh tráo thương hiệu, qua mặt NTD. Biết NTD đang mang tâm lý sợ và không muốn sử dụng hàng Trung Quốc, trong đó phổ biến là các mặt hàng trái cây. Do đó tiểu thương không nói thật đó là trái cây Trung Quốc mà giới thiệu là trái cây Việt Nam để nhằm bán được hàng. Những người bán này thường là bán nhỏ lẻ, không có điểm bán cố định và có thể chính họ cũng không biết là mình đang vi phạm pháp luật. Tôi nghĩ cần quan tâm và tuyên truyền, giáo dục pháp luật để người tham gia kinh doanh có hiểu biết và chấp hành pháp luật nhà nước". 

Hàng nhái, hàng giả, kém chất lượng ngày càng được sản xuất tinh vi, bao bì, nhãn mác không khác gì hàng thật khiến cho không ít NTD ngộ nhận. Thế nhưng, vẫn có rất nhiều người biết đó là hàng lậu nhưng vẫn mua. Vì sao? Thạc sỹ Ngô Bách Phong - Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi NTD TP.HCM cho rằng: "Do giá thành các mặt hàng rất rẻ, thậm chí chỉ bằng 1/3 so với hàng thật. Hơn nữa, nhiều người quan niệm rằng những mặt hàng không thuộc lĩnh vực ăn uống thì có thể dùng hàng nhái, hàng fake như giày dép, quần áo, mỹ phẩm... Chính tâm lý này làm cho cuộc chiến chống hàng giả, hàng lậu càng khó khăn hơn".

Mỗi năm, Hội Bảo vệ quyền lợi NTD TP tham gia giải quyết tranh chấp trực tiếp  hơn 100 vụ, có năm lên tới 300 vụ. Tuy nhiên, cách giải quyết bằng thương lượng, hòa giải là chủ yếu, rất ít vụ khiếu kiện ra tòa án, bởi NTD có tâm lý ngại tham gia tố tụng vì những thủ tục và thời gian xét xử của tòa án quá dài... Đây chính là nguyên nhân mà dù có bị kiếm tra, xử phạt, tịch thu nhưng hàng giả vẫn tồn tại dai dẳng - ông Phong nói.

Xem ra, cuộc chiến chống hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng của các cơ quan chức năng vẫn còn rất nhiều khó khăn. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần có biện pháp mạnh để chặn hàng giả ngay từ gốc cũng như cần xử phạt thật nặng các tiểu thương kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng… đi sâu vào công tác tuyên truyền vận động NTD biết tự bảo vệ mình trước ma trận hàng giả. 

Đồng thời, khi các tổ chức nhà nước có các chương trình bán hàng Việt thì cũng nên có sự kiểm soát các gian hàng. Đừng lấy lý do "cần xã hội hóa, cần kinh phí để tổ chức hội chợ"- một vị trong ban tổ chức festival nông nghiệp gần đây than thở) mà để kẻ gian lợi dụng đưa hàng kém chất lượng vào bán, vì như thế chẳng khác nào chúng ta đang cổ súy cho hàng giả./.