9 bị cáo bị tuyên phạt mức án tử hình, tù chung thân vì tham nhũng
Trong báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm phát luật năm 2019, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, công tác đấu tranh trấn áp tội phạm đạt nhiều kết quả tích cực. Tỷ lệ điều tra khám phá án hình sự đạt 84,2% (vượt chỉ tiêu Quốc hội giao); kiềm chế và đẩy lùi tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”, làm giảm nhiều loại tội phạm nghiêm trọng, khẩn trương điều tra làm rõ các vụ án gây bức xúc dư luận.
Các lực lượng cũng tập trung giải quyết những vấn đề phức tạp nổi lên về tội phạm, nhất là những vấn đề dư luận xã hội bức xúc như: tội phạm và vi phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”; tội phạm xâm hại trẻ em; mua bán bào thai, tội phạm cướp ngân hàng, tội phạm do đối tượng tâm thần, ngáo đá gây án... Đã điều tra, làm rõ 33.470 vụ phạm pháp hình sự, đạt tỷ lệ 84,2% (án rất nghiêm trọng đạt 90,4%, án đặc biệt nghiêm trọng đạt 95,2%); về cơ bản các vụ án nổi cộm, gây bức xúc dư luận đều được điều tra làm rõ; triệt phá 2.167 băng, nhóm tội phạm hình sự các loại; qua phòng ngừa, đấu tranh đã góp phần làm giảm nhiều loại tội phạm nghiêm trọng.
Trong công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, theo Bộ trưởng Bộ Công an, các lực lượng chức năng phát hiện 14.228 vụ phạm tội và vi phạm pháp luật về trật tự quản lý kinh tế, 281 vụ phạm tội, vi phạm pháp luật về tham nhũng và chức vụ. Đặc biệt, đã đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo bảo đảm đúng tiến độ; phát hiện, xử lý nghiêm nhiều vụ buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm góp phần răn đe vi phạm (điển hình là phát hiện vụ sản xuất xăng giả quy mô lớn trên nhiều tỉnh phía Nam).
Báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019 do Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái trình cũng cho thấy, trong năm 2019, công tác phòng chống tham nhũng tiếp tục được duy trì, đẩy mạnh, “không dừng”, “không nghỉ”, “không chùng xuống” với cách làm bài bản, quyết liệt, đồng bộ, đi vào chiều sâu, hiệu quả hơn. Nhiều vụ án được mở rộng điều tra, khởi tố thêm nhiều bị can, làm rõ bản chất chiếm đoạt, tham nhũng, tiếp tục khẳng định quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” trong đấu tranh phòng chống tham nhũng.
Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, qua việc tự kiểm tra nội bộ phát hiện 19 vụ, 22 đối tượng. Qua hoạt động thanh tra đã phát hiện 48 vụ, 37 đối tượng tham nhũng và liên quan đến tham nhũng. Qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo phát hiện 13 vụ, 30 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng.
Cơ quan điều tra đã khởi tố mới 214 vụ, 487 bị can (giảm 18 vụ, tăng 56 bị can so với cùng kỳ năm 2018); thiệt hại trên 1.028 tỷ đồng và 22.069 m2 đất; thu hồi 615.06 tỷ đồng và 11.867 m2 đất; kê biên trên 795 tỷ đồng. Đã kết luận điều tra đề nghị truy tố 217 vụ, 653 bị can.
Cơ quan điều tra VKSND tối cao khởi tố mới 12 vụ/16 bị can. Tòa án nhân dân các cấp thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 344 vụ, 849 bị cáo; đã xét xử sơ thẩm 240 vụ, 517 bị cáo về các tội danh tham nhũng. Có 9 bị cáo bị tuyên phạt mức án tử hình, tù chung thân.
Nhũng nhiễu chưa được ngăn chặn
Tuy nhiên, các biện pháp phòng ngừa tham nhũng được đánh giá chưa phát huy toàn diện. Tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc chưa được ngăn chặn có hiệu quả. Công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị còn nhiều hạn chế, yếu kém, rất ít vụ việc, vụ án được phát hiện qua tự kiểm tra trong nội bộ... "Số vụ việc, vụ án được phát hiện, xử lý chưa phản ánh đúng thực trạng tham nhũng, nhất là công tác phát hiện, xử lý ở địa phương" – Tổng Thanh tra Chính phủ nói. Đồng thời nhấn mạnh tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng có tiến bộ đáng kể nhưng còn thấp hơn nhiều giá trị tài sản bị chiếm đoạt, gây thiệt hại.
Bên cạnh đó vẫn còn xảy ra sai phạm, tham nhũng trong các cơ quan bảo vệ pháp luật. Công tác giám định, định giá tài sản phục vụ cho xử lý tham nhũng tuy có chuyển biến nhưng vẫn còn bất cập. trong năm qua, VKSNDTC đã khởi tố 15 vụ án tham nhũng trong hoạt động tư pháp (tăng 54,5% so với cùng kỳ).
Qua thẩm tra các báo cáo, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng nhận định, đơn vị chuyên trách chống tham nhũng của Thanh tra Chính phủ (Cục 4) cần tăng cường hơn việc tham mưu cho Chính phủ trong hoạch định, thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống tham nhũng; tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh trong thực hiện pháp luật về phòng chống tham nhũng.
Đáng lưu ý, việc để xảy ra tham nhũng ngay trong chính các cơ quan có chức năng chống tham nhũng, các cơ quan bảo vệ pháp luật thời gian qua cũng làm ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, làm giảm niềm tin của Nhân dân đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật là vấn đề cần được Chính phủ, VKSNDTC, TAND Tối cao đánh giá đúng về thực trạng và có giải pháp khắc phục.