Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chống tham nhũng phải kiên trì

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các ĐB Quốc hội ứng cử tại đơn vị bầu cử số 1 đã tiếp xúc cử tri quận Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm trước Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XIII.

Ngày 6/10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các ĐB Quốc hội ứng cử tại đơn vị bầu cử số 1 đã tiếp xúc cử tri quận Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm trước Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XIII.

Lãng phí chỉ toàn nói đến “chúng ta”

Tham nhũng, tiêu cực, lãng phí vẫn là một vấn đề được cử tri đặc biệt quan tâm và đưa ra nhiều kiến nghị với Quốc hội. Các cử tri đánh giá chủ trương chống tham nhũng trong thời gian qua được thực hiện rất quyết liệt, với nhiều vụ án lớn đã được đưa ra xử lý nghiêm khắc cho thấy quyết tâm của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, những kết quả đó chưa đáng kể và tham nhũng, lãng phí vẫn khiến dư luận rất bức xúc. Cử tri Nguyễn Hồng Toán (Chủ tịch Hội luật gia quận Tây Hồ) cho rằng: Vừa qua, từ hai vụ án lớn xảy ra trong lĩnh vực ngân hàng, cho thấy việc quản lý vốn, nợ công, tín dụng… không tốt, dẫn đến tội phạm phát sinh. Để khắc phục điều này, phải có quyết sách rõ ràng, quy định chặt chẽ để hạn chế thấp nhất tiêu cực, nhất là trong lĩnh vực tín dụng ngân hàng hiện nay. Cử tri Nguyễn Thị Hòa (phường Yên Phụ, Tây Hồ) cũng đề nghị: Khi thực hiện chống tiêu cực, tham nhũng, phải đưa công an vào cuộc, không được né tránh.

Cử tri Nguyễn Phú Nho (phường Vĩnh Phúc, Ba Đình) xót xa trước tình trạng lãng phí xảy ra tại nhiều nơi, từ làm đường, làm trường, làm chợ hay mua sắm ô tô… "Giá những cái này bớt đi, dân sẽ bớt nghèo hơn" - ông Nho bày tỏ và cho rằng: Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có cả năng lực quản lý, cơ chế, chính sách chưa phù hợp và mong Quốc hội cần tìm ra giải pháp cơ bản để xử lý. Nhưng điều quan trọng là lãng phí chỉ toàn nói đến "chúng ta" mà ít nói "tôi", nên phải quy trách nhiệm cho người đứng đầu và phải xử lý nghiêm minh.

 
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các cử tri Hà Nội sáng 6/10. Ảnh: Phạm Hùng
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các cử tri Hà Nội sáng 6/10. Ảnh: Phạm Hùng
Đồng tình trước những bức xúc của cử tri và người dân về vấn đề này, Tổng Bí thư một lần nữa nhấn mạnh đến chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước là kiên quyết đấu tranh phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí. "Không phải chỉ sợ mất lòng tin của dân như chúng ta nói là mất tất cả đã đành, làm hại cho ngay nền kinh tế, chính trị của chúng ta. Nhân dân không đồng tình, Đảng cũng không đồng tình. Lãnh đạo Đảng đã nhiều lần nói không ai bật đèn xanh dung túng cho hành động tham nhũng, lãng phí" - Tổng Bí thư nói, đồng thời nhận định, đây là việc rất khó, phức tạp nên phải kiên trì, bằng nhiều hình thức, xây dựng cơ chế chính sách phòng ngừa và phải làm đến mức không ai còn dám tham nhũng, không ai muốn tham nhũng nữa… Tổng Bí thư nhấn mạnh tới việc phải đẩy mạnh đấu tranh chống tham nhũng, đã phát hiện vụ việc thì phải xử lý rất nghiêm, nhưng tránh oan sai.

Luân chuyển cán bộ không phải để… đề bạt

Cử tri 3 quận hoanh nghênh việc người đứng đầu các cấp thực hiện công tác tiếp dân định kỳ, tuy nhiên vẫn đề xuất khi người dân khiếu kiện đông người, Bí thư, Chủ tịch huyện, tỉnh phải ra "đón dân của mình về" để giải quyết. Có như thế mới bảo vệ được quyền lợi của người dân và mới biết được cán bộ của mình làm đúng hay sai. Đưa ra vấn đề quản lý cán bộ, cử tri Đặng Tài Tính (phường Cống Vị, Ba Đình) kiến nghị: Cần xem lại vấn đề bố trí, sắp xếp và quản lý cán bộ từ T.Ư đến địa phương. Có người vừa làm cán bộ ở địa phương chưa được bao lâu thì đã lên T.Ư và cán bộ từ T.Ư đưa về  địa phương để thay thế cũng chưa "ấm chỗ" thì rút về T.Ư, làm đảo lộn công tác cán bộ ở địa phương, thời gian cũng chưa đủ trải nghiệm.

Trong cuộc tiếp xúc, các cử tri đề nghị Quốc hội tiếp tục quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp, quản lý đô thị, tái cơ cấu kinh tế, tăng cường năng lực để làm kinh tế biển, đào tạo nghề và đổi mới giáo dục đào tạo. Đồng thời để nghị TP tiếp tục tuyên truyền và thực hiện Luật Thủ đô, xây dựng Hà Nội văn minh, thanh lịch…

Đồng tình và đánh giá cao những ý kiến đóng góp của cử tri trước những vấn đề lớn của đất nước, nhưng rất cụ thể, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giải thích thêm: Về bố trí cán bộ, đây là vấn đề gốc, công việc gốc của Đảng nên luôn được coi trọng, không có chuyện T.Ư cử cán bộ xuống địa phương kiểu "chuồn chuồn đạp nước" được 1 - 2 năm rồi điều chuyển đi nơi khác. Những cán bộ khi luân chuyển về địa phương, quy định phải tối thiểu 3 năm. Đây là giai đoạn thử thách thực sự đối với người cán bộ, không phải cứ đi về địa phương lấy cái mác để rồi đề bạt lên cao hơn.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Đảng, Nhà nước có nhiều Nghị quyết, cơ chế, chính sách để phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất lớn, chuyên canh tập trung, chất lượng cao, đưa khoa học công nghệ vào, tăng cường xuất khẩu, làm tăng giá trị sản phẩm. Phong trào xây dựng nông thôn mới chính là một điển hình khi đã tạo chuyển biến mạnh mẽ ở nông thôn. Tuy nhiên, Tổng Bí thư cũng đồng tình với ý kiến của cử tri là Nhà nước cần phải tiếp tục quan tâm thích đáng cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân bởi cuộc sống ở khu vực này vẫn còn nhiều khó khăn. Đồng thời khẳng định: phát triển nông nghiệp và kinh tế biển là những vấn đề và nhiệm vụ chiến lược trong phát triển đất nước…