Đặc biệt là các nút giao thông chính, làm tê liệt giao thông nghiêm trọng.
Theo nhiều chuyên gia, nếu không nhanh chóng thực hiện giải pháp căn cơ để điều tiết vấn đề này, tình trạng ùn tắc giao thông sẽ làm đảo lộn các thói quen sinh hoạt thường ngày và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của cộng đồng. Đặc biệt có thể kìm hãm các dòng vốn đầu tư và cản trở quá trình phát triển của đất nước.
Cấm taxi “rỗng” giờ cao điểm
Tờ Economist của Anh, trong bài viết về giao thông ở Việt Nam đã chỉ ra khá chính xác, tình hình tắc nghẽn nghiêm trọng tại các đô thị chủ yếu do số lượng ô tô gia tăng. Nếu muốn giải quyết vấn nạn ùn tắc, các cơ quan chức năng thay vì tiếp tục đề xuất tăng các loại thuế, phí đổ lên đầu phương tiện, trước hết hãy gương mẫu thực hiện khoán xe công. Thứ nữa, hạn chế taxi chạy lòng vòng đón khách trong giờ cao điểm. Đây không phải là cản trở quyền mưu sinh của lái xe taxi, mà là để “cứu giao thông” Hà Nội. Trên tuyến đường Trường Chinh chia làm đôi ở Ngã Tư Sở giao với Lê Trọng Tấn, mật độ tham gia giao thông cơ bản như nhau. Tuy nhiên, đoạn từ Ngã Tư Sở đến Lê Trọng Tấn sáng tắc, chiều cũng tắc, đoạn Lê Trọng Tấn - Trường Chinh thì thông thoáng hơn. Nguyên nhân và cũng là điểm khác biệt cơ bản là đoạn này cấm taxi.
Số lượng xe taxi ở các TP có thể chỉ chiếm 1/10 lượng ô tô nhưng lượng tham gia giao thông thực tế chiếm tới 30 - 40%. Giờ cao điểm, hàng trăm taxi lao ra đường để tìm khách, nhưng nếu quan sát một chút, dễ nhận thấy quá nửa số xe tham gia giao thông là xe “rỗng”, tức chỉ có tài xế mà không có khách. Trong giờ cao điểm, ở những tuyến phố thường xuyên tắc đường, cần cấm loại taxi “rỗng” này, chỉ những xe nào có khách mới được tham gia giao thông. Khi ấy, những xe taxi muốn chạy lòng vòng đón khách phải tránh những tuyến đường tắc. Muốn làm được vậy, chính quyền cần thiết kế các điểm chờ taxi, hành khách khi có nhu cầu thì đi bộ ra các điểm đỗ để bắt taxi.
Cùng với việc thiết kế các điểm chờ taxi, nên sắp xếp các điểm trông giữ xe đạp, xe máy. Phố nào thiết kế đủ điểm đỗ thì cấm để xe trên vỉa hè. Đinh Lễ, Tràng Tiền, người dân đi mua sách, đi ăn kem bao năm nay vẫn gửi xe đi bộ. Các điểm trông giữ xe ấy, nên ưu tiên dành cho cho các lái xe thương binh để họ không phải chạy xe tự chế ra đường gây ách tắc, hay tạo công ăn việc làm cho những hộ nghèo. Khi đã tạo công ăn việc làm cho nhóm đối tượng này, thì đổi lại, thu giữ xe tự chế, cấm triệt để các phương tiện cồng kềnh tham gia giao thông giờ cao điểm.
Những giải pháp căn cơ
Cùng với những điều chỉnh cơ học có thể làm ngay được, để giải bài toán giao thông một cách căn cơ, cần thiết phải di dời các trường đại học. Suốt mấy chục năm nay, dân số cơ học của Hà Nội tăng không ngừng mà “nguồn cung” đến từ các cử nhân. Đầu vào của các trường đại học chủ yếu là sinh viên ở các địa phương, nhưng đầu ra chủ yếu là các thị dân, chính thức hoặc dự bị. Mỗi năm, lượng sinh viên tốt nghiệp cao đẳng, đại học lên tới hàng triệu, và phần nhiều không về địa phương mà ở lại tìm việc tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Vì thế, một số trường đại học, cao đẳng không nhất thiết phải đặt ở các TP lớn mà cần di dời về các tỉnh có nhu cầu nhân lực với các ngành đó, để sinh viên tốt nghiệp có cơ hội tìm việc làm theo đúng ngành nghề đã học. Không giải quyết được điều này, mỗi năm, Hà Nội sẽ có thêm cả triệu thị dân dự bị, mà như vậy thì tắc đường sẽ trở nên trầm trọng.
Giải pháp thứ hai để cứu giao thông là khi mở đường, thay vì giải tỏa 10m, Nhà nước nên thu hồi, giải tỏa đất gấp đôi, tức là 20m. Nhà mặt phố sau khi mở đường, trả lại mảnh đất ở mặt phố mới. Những ngôi nhà trong ngõ thì dồn một khoảng đất sạch tại khu vực giải tỏa để xây chung cư hay chuyển đến những khu vực có quỹ đất sạch để tái định cư. Cuối cùng, để giải quyết vấn đề giao thông là thu phí hạ tầng đô thị đối với các khu nhà cao tầng trong nội đô. Các chủ đầu tư hiện cứ mua được đất ở đâu thì xây nhà cao tầng ở đấy, dồn cả vạn dân vào một chỗ gây sức ép hạ tầng cho xã hội. DN có quyền làm thế nhưng chính quyền không thể mặc kệ. Nếu đã không quản lý TP bằng quy hoạch thì phải buộc các DN, hoặc phải lo hạ tầng, hoặc phải nộp phí hạ tầng để chính quyền làm thay họ. Tất nhiên, giá thành các căn hộ cuối cùng sẽ đánh vào túi khách mua nhà nhưng khoản chi phí này là hợp lý. Bởi không có lý gì người dân ở Nguyễn Trãi, Minh Khai… đang đường thông hè thoáng, người nơi khác về mua nhà trong những khu đô thị cao cấp, số lượng lên tới cả vạn hộ gia đình, gây nên nỗi khổ tắc đường lại không có trách nhiệm gì với xã hội.
“Nếu không có một phác đồ điều trị tổng thể cho căn bệnh ùn tắc giao thông thì vấn nạn kẹt xe sẽ tiếp tục gia tăng, tất nhiên không dừng lại ở các điểm nghẽn nghiêm trọng như hiện nay… Và khi đó, việc tiếp tục điều trị theo triệu chứng chỉ có thể giúp che giấu nhất thời căn bệnh mãn tính nằm sâu bên trong” - TS Nguyễn Xuân Thủy, một chuyên gia về giao thông đô thị nhận định.