Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chủ đầu tư KĐT Phú Lương rào đất hành lang an toàn đường sắt: Bảo vệ hay lấn chiếm?

Bài, ảnh: Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vừa qua, Chủ đầu tư Khu đô thị (KĐT) Phú Lương, phường Phú Lương (Hà Đông) xây dựng bức tường rào kiên cố dài hơn 1.400m trên phần đất thuộc hành lang an toàn đường sắt Bắc Hồng - Văn Điển, khiến dư luận đặt một số câu hỏi về mục đích của việc này.

Cấp phép xây dựng ẩu
KĐT Phú Lương nằm sát đường sắt Bắc Hồng - Văn Điển, trên địa bàn phường Phú Lương (Hà Đông), do Công ty CP Đầu tư xây dựng Trung Việt làm đại diện chủ đầu tư. Năm 2012, UBND TP Hà Nội có Quyết định số 4460/QĐ - UBND, thu hồi 58.577m2 đất tại các phường Phú Lương, Phú La và Kiến Hưng giao cho Công ty Trung Việt. Trong đó có 2 ô đất ký hiệu: CX - CL1, CX - CL2, rộng 26.568m2 giao cho Công ty Trung Việt sử dụng làm cây xanh cách lý và bãi đỗ xe. Tuy nhiên, Đại diện Công ty Trung Việt cho biết, trong Quyết định số 6469/QĐ - UBND ngày 5/12/2014, TP đã điều chỉnh lại, đưa 2 ô đất CX - CL1, CX - CL2 ra khỏi dự án với lý do lùi ranh giới dự án theo chỉ giới đường đỏ. Đồng thời Công ty Trung Việt cũng được giao quản lý, chống lấn chiếm khu đất này.

Công ty Trung Việt đang cho xây dựng tường rào kiên cố ngay trên hành lang đường sắt.

Theo ghi nhận của phóng viên, khu đất nêu trên có chiều dài khoảng 1.500m, từ đường sắt đến ranh giới dự án khoảng 15m. Ông Cù Ngọc Ổn - Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng Trung Việt cho biết, để bảo vệ dự án, chống trộm cắp, trâu bò, Công ty đã xây một tường rào cách đường sắt 8m. Việc xây dựng đã được Cục Đường sắt Việt Nam, Bộ GTVT cấp Giấy phép số 384/QĐ – CĐSVN ngày 13/9/2016. Tuy nhiên, ngày 10/4/2017, chính Cục Đường sắt Việt Nam lại ra Quyết định số 144/QĐ – CĐSVN thu hồi Giấy phép thi công đã cấp cho Công ty Trung Việt; đồng thời có yêu cầu làm rõ trách nhiệm các đơn vị liên quan trong việc tham mưu, đề xuất cấp phép xây dựng trong phạm vi bảo vệ công trình đường sắt. Bên cạnh đó, dù chỉ được cấp phép làm hàng rào tạm nhưng theo quan sát của phóng viên, Công ty Trung Việt đã ép cọc, đổ móng bê tông cốt thép để xây dựng công trình kiên cố.
Mập mờ mục đích
Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Cù Ngọc Ổn cho biết, tường rào xây lên để bảo vệ dự án. Tuy nhiên, trên thực tế vị trí xây dựng tường rào còn cách dự án KĐT Phú Lương khoảng 10m, bởi vậy đây không thể xem là tường rào dự án (PV). Nên biết, chính khu đất hành lang đường sắt đang tồn tại tường rào này vốn nằm trong quyết định giao đất cũ (Quyết định số 4460) của TP năm 2012 với tên gọi CX - CL1, CX - CL2, mục đích sử dụng làm bãi đỗ xe, sau đã bị đưa ra khỏi dự án do vượt qua chỉ giới đường đỏ.
Phía Công ty Trung Việt cho hay, toàn bộ diện tích đất từ ranh giới dự án đến bên trong tường rào là hơn 14.000m2. Và mặc dù trong Quyết định giao đất điều chỉnh, bổ sung số 6469 của TP năm 2014 không hề cho phép xây dựng tường rào, gộp chung khu đất này vào dự án. Khi được hỏi, tại sao tường rào dự án không nằm trên đất dự án mà lại nằm trên đất hành lang đường sắt, ông Ổn cho hay: “TP giao cho tôi quản lý thì tôi có quyền xây”. Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND phường Phú Lương Nguyễn Xuân Quý cho hay, chúng tôi đã yêu cầu DN nếu không giải quyết được vấn đề với Cục Đường sắt thì phải tháo dỡ tường rào.
Tuy nhiên, dư luận không khỏi nghi ngờ, việc xin xây dựng hàng rào tạm, rồi xây tường rào kiên cố, đổ bê tông cốt thép bao quanh cả diện tích hơn 14.000m2 đất hành lang ATGT đường sắt của Công ty Trung Việt có mục đích gì? Phải chăng muốn biến phần diện tích đất này thành đất của dự án KTĐ Phú Lương? Mặt khác, có hay không việc Cục Đường sắt cấp phép cho Công ty Trung Việt xây dựng tường rào trên hành lang an toàn đường sắt, cắt cả một nửa hành lang để gộp vào đất dự án?
Theo Điều 35, Luật Đường sắt, chiều rộng giới hạn từ mép ray ngoài cùng của đường không đào, không đắp trở ra mỗi bên là 15m đối với đường sắt trong khu gian.
Kinh tế & Đô thị sẽ tiếp tục tìm hiểu và thông tin về vấn đề này.