Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chủ động phòng chống dịch cúm A/H5N6

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, trên cả nước đã phát hiện 3 điểm dịch cúm A/H5N6 tại 3 địa phương là Lạng Sơn, Hà Tĩnh và Lào Cai.

Đến nay, các điểm dịch đều đã được kiểm soát. Tuy nhiên, tại hội nghị triển khai công tác phát triển chăn nuôi - thú y toàn quốc do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 26/8, Cục Thú y nhận định, nguy cơ tiếp tục phát sinh các ổ dịch và lây nhiễm cho người là rất cao.

Chưa kiểm soát được nguồn lây

Theo ông Đàm Xuân Thành - Phó Cục trưởng Cục Thú y, chủng virus H5N6 phát hiện tại 3 tỉnh trên giống đến 99% so với chủng virus cúm gia cầm gây chết người ở tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc). Ổ dịch ở tỉnh Lạng Sơn cách biên giới khoảng 5km, có khả năng liên quan đến gia cầm nhập lậu. Còn ổ dịch tại tỉnh Hà Tĩnh do đàn vịt chăn thả cùng đàn chim hoang (vịt trời). Đáng nói là ổ dịch tại Lào Cai khó xác định được nguyên nhân do đàn chim trĩ được nuôi nhốt tại gia đình trên 2 năm và đàn gia cầm xung quanh đều âm tính với cúm gia cầm.

Ngay sau khi phát hiện điểm dịch cúm A/H5N6, theo chỉ đạo của Cục Thú y, các tỉnh đã lấy mẫu gia cầm
Hiện nay, trên địa bàn TP Hà Nội không xảy ra các dịch bệnh nguy hiểm như lở mồm long móng, cúm gia cầm... Chi cục Thú y đã phối hợp với các địa phương thực hiện tốt việc tiêm phòng các loại vaccine cho đàn gia súc, gia cầm. Trong tháng 8, toàn TP đã tiêm cho hơn 1,5 triệu lượt con gia cầm, trong đó, tiêm vaccine cúm gia cầm được hơn 700.000 lượt con.

Ông Nguyễn Huy Đăng

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội
ở khu vực xung quanh để xét nghiệm, trong đó, Lạng Sơn lấy 7 mẫu, Lào Cai lấy 12 mẫu, Hà Tĩnh lấy 85 mẫu. Kết quả phân tích cho thấy các mẫu đều âm tính với H5N6. Mặc dù vậy, theo Cục Thú y, nguồn lây nhiễm chủng virus H5N6 vào Việt Nam có thể theo con đường vận chuyển gia cầm nhập lậu. Trong khi đó, một số địa phương chưa quản lý được việc vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật, bởi vậy, nguy cơ tiếp tục phát sinh ổ dịch và lây nhiễm cho người là rất cao. Đặc biệt, virus lây lan qua đường chim hoang dã nên rất khó kiểm soát được nguồn lây.

Phòng, chống dịch từ cơ sở

Theo Cục Thú y, các triệu chứng lâm sàng của cúm A/H5N6 tương đối giống với cúm gia cầm khác như H5N1 và chỉ bằng xét nghiệm mới có kết luận chính xác chủng virus gây bệnh. Hiện nay, tại Việt Nam, Trung tâm Chẩn đoán thú y T.Ư đã đủ năng lực để xét nghiệm virus cúm A/H5N6.

Ông Đàm Xuân Thành cho biết thêm, theo thông tin ban đầu,     vaccine cúm gia cầm H5N1 chủng Re-5 và chủng vaccine cúm gia cầm Navet do Công ty Thuốc thú y T.Ư (Navetco) sản xuất có tác dụng bảo hộ tốt với virus cúm A/H5N6. "Do đó, nếu dịch bệnh xảy ra, chúng ta có thể chủ động nguồn vaccine để chống dịch" - ông Thành khẳng định, tuy nhiên vẫn khuyến cáo các địa phương không nên chủ quan.

Kinh nghiệm những năm qua cho thấy, địa phương nào có kế hoạch chi tiết trong công tác phòng chống dịch bệnh, có hệ thống thú y bài bản và giám sát tốt sẽ xử lý được dịch bệnh kịp thời. Cục Thú y đề nghị các địa phương tiếp tục thành lập các đoàn kiểm tra đôn đốc công tác phòng chống dịch tại cơ sở, giám sát kịp thời các ổ dịch cúm để xử lý triệt để. Đặc biệt, chủ động lấy mẫu xét nghiệm nhằm phát hiện sự lưu hành của virus cúm H5N1, H5N6, H7N9 trên đàn gia cầm, nhất là trên gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc.