Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chủ động thay đổi thói quen tùy tiện

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Có ý thức và đi đúng Luật là việc ai cũng biết để tránh ùn tắc, đảm bảo an toàn cho bản thân và người khác khi tham gia giao thông. Nhưng, đứng trước tình huống muộn giờ làm việc, giờ học, ngã tư vắng bóng CSGT, nắng nóng, mưa lạnh… mọi người dường như quên ngay cách xử sự đơn giản này.

Môi trường tác động ý thức

Hầu hết tại các TP lớn ở Việt Nam, vấn đề quy hoạch giao thông đều có những bất cập. Đa số là đường nhỏ, nhiều giao cắt, mà không phải chỗ nào cũng có thể bố trí đèn tín hiệu giao thông. Bên cạnh đó, nhà cửa, trường học, hàng quán… mọc lên san sát. Vỉa hè chỗ có, chỗ không, thậm chí bị lấn chiếm làm nơi bán hàng, để xe. Chưa kể chợ cóc phát sinh tràn lan trên mặt đường theo nhu cầu, đời sống người dân. Để hòa nhịp được với dòng chảy đó, người tham gia giao thông phải quan sát mọi phía xung quanh. Bởi bất kỳ lúc nào, vị trí, hướng đi nào cũng có thể xuất hiện vật cản. Và chỉ sơ suất, lơ là, xử lý kém linh hoạt, va chạm, ùn tắc giao thông có thể xảy ra. Đây cũng là vấn đề khiến các nhà quản lý, quy hoạch, phát triển giao thông đau đầu. Bởi, không phải cứ muốn mở rộng cải tạo tuyến phố nào cũng được.

 
Để giảm tai nạn, ùn tắc giao thông cần phải nâng cao ý thức người tham gia giao thông.Trong ảnh: Thanh niên xung phong hướng dẫn giao thông trên phố Nguyên Hồng.Ảnh: Quỳnh Anh
Để giảm tai nạn, ùn tắc giao thông cần phải nâng cao ý thức người tham gia giao thông.Trong ảnh: Thanh niên xung phong hướng dẫn giao thông trên phố Nguyên Hồng.Ảnh: Quỳnh Anh
Bên cạnh đó, đặc điểm phương tiện lưu thông trên đường hiện nay chủ yếu là xe máy, do tính cơ động, tiện dùng và chi phí thấp. Song, chính đặc tính cơ động, dễ luồn lách khiến xe máy là nguyên gây ùn tắc giao thông. Đấy là chưa kể đến việc đa số người điều khiển xe máy còn thiếu ý thức: Chen lấn, lấn làn, phần đường, đi ngược chiều, đi lên vỉa hè mỗi khi tắc đường. Lạng lách, đánh võng, chở người, hàng cồng kềnh sai quy định. Điều đó khiến giao thông thêm hỗn loạn. Với ô tô khi tham gia giao thông có nhiều hạn chế hơn, do kích thước cồng kềnh nên luôn phải cân đối nhiều yếu tố, đường đi, hướng đi. Song trên thực tế, nhiều lái xe nhất là xe buýt, xe tải, xe taxi khi lưu thông trên đường chỉ vì muốn nhanh hoàn thành chuyến, chở được nhiều hàng, đón được khách đã không cần tính toán, phóng nhanh vượt ẩu, dừng đỗ sai quy định. Rõ ràng, với khối lượng phương tiện nhiều như hiện nay và cách thức điều khiển xe của người tham gia giao thông không thay đổi, bài toán ùn tắc vẫn khó được giải quyết triệt để.

Nâng ý thức, tăng an toàn

Nhiều người cho rằng, nắm Luật Giao thông đường bộ đâu có khó gì: Gặp đèn đỏ thì dừng xe, gặp giao lộ thì giảm tốc độ, chuyển làn sang đường dùng xi nhan, dừng đỗ đúng nơi quy định, không chở quá số người quy định… Ấy vậy mà hàng ngày vẫn có vô vàn những va chạm, ùn tắc giao thông xảy ra chỉ vì vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, chen nhau lấn làn… Một người tranh thủ "buôn" điện thoại trong lúc chờ đèn đỏ, rồi mải chuyện không đi, mặc đèn xanh đã bật và đằng sau kẹt cứng… Hay cách rẽ, sang đường tùy tiện bất kỳ lúc nào của người tham gia giao thông hiện nay… đều là những hành vi thiếu ý thức, không chỉ gây khó chịu cho những người đi đường khác mà còn là nguyên nhân của nhiều vụ va chạm, xô xát, tai nạn.

Theo ông Iwata Shizuo, Giám đốc Công ty Almec, một chuyên gia về giao thông đã sống ở Việt Nam hơn 15 năm: "90% số vụ TNGT xảy ra không phải tại cơ sở hạ tầng mà do lỗi con người. Một gia đình đi xe máy, người chồng vừa lái xe vừa nhắn tin, phía trước có một đứa con, phía sau chở một đứa nữa và người vợ, cả nhà đều không đội mũ bảo hiểm... thì khác nào đi tự sát". Nếu như mỗi chúng ta khi ra đường luôn có ý thức đi đúng Luật, nhường nhịn nhau, ứng xử lịch sự, có văn hóa thì tình trạng ùn tắc giao thông sẽ không xảy ra. Dĩ nhiên, bên cạnh đó còn cần có những biện pháp cụ thể, đồng bộ của các cơ quan chức năng trong việc quản lý, quy hoạch và nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng phục vụ giao thông.
 
"Tôi cho rằng, ý thức tham gia giao thông phải có từ hai phía. Cơ quan quản lý phải đảm bảo được hạ tầng giao thông tốt và văn minh, đúng quy chuẩn góp phần nâng cáo ý thức chấp hành luật của người tham gia giao thông. Công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý phải liên tục để tạo thói quen và phải nghiêm minh. Đặc biệt, khi tuần tra kiểm soát, lực lượng thực thi phải xử phạt nghiêm vi phạm kết hợp với nhắc nhở tuyên truyền, giáo dục để người dân nhận biết lỗi vi phạm. Về phía người tham gia giao thông cần phải chủ động thay đổi thói quen tùy tiện, nâng cao ý thức khi tham gia giao thông."

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia