Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chủ tịch Nguyễn Đức Chung: Cần sớm có chính sách phát triển nguồn điện từ năng lượng tái tạo

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Chính phủ và Bộ Công Thương cần sớm có chính sách phát triển nguồn điện từ năng lượng tái tạo từ các dự án nhà máy rác đốt rác và phát điện”- Đó là kiến nghị của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung tại hội nghị Tổng kết công tác năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 ngành công thương ngày 17/1.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong hoạt động XK năm 2018 khi kim ngạch XK trên địa bàn đạt 14,2 tỷ USD tăng 21,6%, vượt chỉ tiêu HĐND Thành phố giao (tăng 7,5-8%). Kết quả này đã giúp kim ngạch XK trung bình 3 năm 2016-2018 tăng 10,78%, dự kiến sẽ sớm vượt mục tiêu cả nhiệm kỳ (tăng 8-9%).
 Thủ tướng (đứng giữa) và các đại biểu tại hội nghị Tổng kết công tác năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 ngành công thương 
Theo Chủ tịch Nguyễn Đức Chung, thành công này có được là nhờ Bộ Công Thương và các Tham tán thương mại đã đẩy mạnh hoạt động kết nối với UBND TP Hà Nội trong việc hỗ trợ DN Thủ đô đưa hàng hóa vào hệ thống bán lẻ hiện đại như Big C (Thái Lan), Aeon (Nhật Bản) qua đó XK hàng hóa tới tận người tiêu dùng nước sở tại và nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm.
Hiện nay, hệ thống truyền tải điện trên địa bàn thành phố đã được Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực (EVN) quan tâm, song một số dự án phát triển mạng lưới truyền tải cung cấp điện cho thành phố đang chậm tiến độ do được điều chỉnh trong thời gian qua. “Hà Nội đang đứng trước nguy cơ thiếu điện vào trong tương lai nếu các dự án truyền tải điện bị chậm tiến độ, không hoàn thành đúng kế hoạch đề ra” – Chủ tịch cho biết.

Do đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung kiến nghị, Chính phủ và Bộ Công Thương cần sớm có chính sách phát triển nguồn điện từ năng lượng tái tạo, mà cụ thể là từ các dự án nhà máy rác xử lý rác và phát điện. “Riêng đối với điện năng, Chính phủ, Bộ cần có chính sách ưu tiên đối với giá điện. Chúng ta có thể mua điện từ các nhà máy điện rác với giá cao hơn để làm những điều kiện hấp dẫn các nhà đầu tư xử lý rác thải” – Chủ tịch nhấn mạnh.

Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho rằng: “Có thể chúng tra phải mua lại với giá cao hơn so với giá điện của các nhà máy phát điện từ nguồn năng lượng hóa thạch thì chúng ta mới khuyến khích được việc sử dụng điện từ nguồn điện năng lương tái tạo như nhà máy đốt rác và phát điện”.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng kiến nghị, cần phải hệ thống hóa và xây dựng hệ thống logisics để phát triển thị trường thương mại điện tử, đây cũng là xu hướng của thế giới. “Vừa qua, Hà Nội cũng mời một số tập đoàn lớn và trong năm nay, 1 tập đoàn của Thụy Điển sẽ đầu tư trên địa bàn thành phố kho hàng hóa lớn” – ông Chung dẫn chứng.

Trong những năm tới, thương mại điện tử sẽ là ngành phát triển mạnh và dư địa rất lớn. Đồng hành với sự phát triển này thì phải có hệ thống kho. Do đó, Hà Nội mong muốn Bộ Công Thương cần có chính sách đề xuất Chính phủ hỗ trợ các địa phương, trong đó có Hà Nội để phát triển hệ thống thương mại điện tử.

Nói về phương thức tiếp cận với các thị trường xuất khẩu hàng hóa, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho rằng, hiện nay, Bộ Công Thương đang có nhân viên thường trú tại Đại sứ quán Việt Nam tại nhiều nước hỗ trợ các địa phương trong vấn đề tiếp thị, xuất khẩu hàng hóa. Đặc biệt, Bộ Công Thương cần tăng cường liên kết với các chuỗi, hãng phân phối bán lẻ tại các nước cũng như phối hợp với Bộ NN&PTNT xây dựng chợ truyền thống đạt tiêu chuẩn khu vực và thế giới.

Theo Chủ tịch Nguyễn Đức Chung, hiện nay, Bộ Công Thương đã sắp xếp lại Bộ máy Quản lý thị trường, song, cơ chế bộ máy và cơ chế phối hợp giữa các chính quyền địa phương trong đó có Hà Nội với hệ thống Quản lý thị trường này như thế nào? Kể cả trong tổ chức đảng cũng như phối hợp trong vấn đề chống buôn lậu, gian lận thương mại đều chưa có quy định rõ ràng. “Bộ Công Thương cần sớm có quy định này để công tác phối hợp giữa Hà Nội với lực lượng quản lý thị trường chặt chẽ, hiệu quả hơn trong quản lý về mặt giá cả, đấu tranh chống hàng giả và gian lận thương mại. Hoạt động này sẽ nâng cao hiệu quả của bộ máy quản lý thị trường trong thời gian tới” – Chủ tịch đề nghị.