Hà Nam - Sức bật mạnh mẽ sau 20 năm tái lập
Tại thời điểm tái lập tỉnh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nam đối mặt với nhiều khó khăn. Tỷ trọng kinh tế nông nghiệp chiếm gần 50% cơ cấu kinh tế; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội lạc hậu. Tổng sản phẩm trong tỉnh theo bình quân đầu người chỉ đạt hơn 2 triệu đồng. Đời sống của cán bộ, công chức và phần lớn nhân dân trong tỉnh gặp nhiều khó khăn.
Sau 20 năm tái lập tỉnh, với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nam đã nêu cao tinh thần đoàn kết, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ dám làm, tạo sức bật mạnh mẽ và thu được những kết quả toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang trao Huân chương Độc Lập hạng Nhất cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hà Nam. |
Hà Nam luôn duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, bình quân đạt 12%/năm; cơ cấu kinh tế có nhiều thay đổi theo đúng định hướng phát triển công nghiệp hóa -iện đại hóa; sản xuất nông nghiệp có bước bứt phá lớn, toàn diện về năng suất, chất lượng, sản lượng và hiệu quả. Quy mô tổng sản phẩm trong tỉnh hiện đạt trên 38.000 tỷ đồng, bình quân đầu người đạt trên 48 triệu đồng (tăng 23 lần so với năm 1997).
Thu hút đầu tư của Hà Nam được đẩy mạnh, trong đó nguồn vốn đầu tư nước ngoài có bước tiến vượt bậc, góp phần thúc đẩy các ngành công ngiệp phát triển nhanh. Năm 2016, Hà Nam nằm trong tốp 10 địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Toàn tỉnh hiện có 633 dự án đầu tư còn hiệu lực, trong đó có 185 dự án vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (với vốn đăng ký trên 2 tỷ USD và gần 80.000 tỷ đồng). Giá trị xuất khẩu tăng từ 3,7 triệu USD năm 1997 lên hơn 1,25 tỷ USD năm 2016 (gấp hơn 33 lần).
Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội được quan tâm đầu tư, nhất là hệ thống giao thông đường bộ, các khu, cụm công nghiệp. Thương mại, dịch vụ có bước phát triển.
Trên các lĩnh vực văn hóa-xã hội, công tác giáo dục-đào tạo có nhiều đổi mới và đạt những kết quả toàn diện; chăm lo sức khỏe nhân dân, an sinh xã hội được bảo đảm; phát triển nguồn nhân lực được quan tâm với những cách làm sáng tạo, việc làm cho người lao động được chăm lo vượt mục tiêu đề ra. Các hoạt động văn hóa, thể thao, thông tin tuyên truyền, phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở được đẩy mạnh; các phong trào “đền ơn đáp nghĩa,” hoạt động nhân đạo được đẩy mạnh, thu hút sự tham gia rộng rãi của các tầng lớp nhân dân.
Đảng bộ tỉnh Hà Nam luôn coi trọng công tác xây dựng Đảng, trên cả ba mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức. Hệ thống chính trị được củng cố vững mạnh; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được mở rộng. Quốc phòng, quân sự địa phương được tăng cường, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững.
Tiếp tục đổi mới toàn diện, tạo bứt phá mới trên lộ trình hội nhập và phát triển
Biểu dương, chúc mừng những kết quả, thành tích xuất sắc của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nam, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh những kết quả đạt được trong 20 năm qua đã làm thay đổi đáng kể diện mạo của vùng đất nghèo khó năm xưa, tạo tiền đề để tỉnh Hà Nam tiếp tục đổi mới, phát triển nhanh và bền vững hơn trong những năm tới.
Đề cập tới bối cảnh đất nước bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, tình hình thế giới và khu vực có cả thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nam tiếp tục phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, tiềm năng, lợi thế của địa phương, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, góp phần tích cực thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII.
Về những nhiệm vụ trọng tâm, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nam tiếp tục đổi mới tư duy, đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược phát triển kinh tế-xã hội gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, chú trọng đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững.
Chủ tịch nước gợi mở Hà Nam cần ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao, công nghiệp công nghệ cao, chế biến nông sản xuất khẩu, dược phẩm; thu hút đầu tư từ doanh nghiệp các nước công nghiệp phát triển; không tiếp nhận các dự án có hiệu quả thấp, nguy cơ ô nhiễm môi trường, sử dụng công nghệ lạc hậu.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị tỉnh Hà Nam chú trọng củng cố, hoàn thiện và nâng cao chất lượng hạ tầng và các dịch vụ hỗ trợ gắn với tăng cường công tác quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu, cụm công nghiệp; khai thác tối đa lợi thế về hạ tầng giao thông sẽ hình thành trong giai đoạn mới, phù hợp với điều kiện của địa phương. Đi cùng với đó là tăng cường kết nối, liên kết mở rộng không gian phát triển với các địa phương, nhất là với Thủ đô Hà Nội; nâng cao hơn nữa chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo nghề; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, bảo đảm tốt các cam kết với các nhà đầu tư; đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, phát triển đô thị bền vững...
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị tỉnh Hà Nam đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp theo hướng hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng; tập trung phát triển các vùng nguyên liệu phục vụ phát triển công nghiệp thực phẩm; khuyến khích hộ nông dân thành lập doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; tập trung huy động, lồng ghép các nguồn lực xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó là nhiệm vụ phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội; nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; thực hiện tốt các chính sách giải quyết việc làm, xây dựng, triển khai các mô hình giảm nghèo bền vững; vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia công tác “Đền ơn đáp nghĩa,” “Uống nước nhớ nguồn.”
Tỉnh Hà Nam cần tiếp tục củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh; kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội với xây dựng tiềm lực, thế trận quân sự khu vực phòng thủ. Huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm; tập trung giải quyết hiệu quả những vấn đề phức tạp nổi lên về an ninh, trật tự ngay từ cơ sở, bảo đảm môi trường an ninh, an toàn, phục vụ thu hút đầu tư, phát triển kinh tế-xã hội.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh nhiệm vụ có ý nghĩa then chốt, quyết định để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, an ninh, quốc phòng là phải tập trung làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị tỉnh nhà thật sự trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng.
Chủ tịch nước đề nghị Đảng bộ tỉnh Hà Nam tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI, XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (Khóa XII) về đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp nhằm xây dựng bộ máy chính quyền hiệu lực, hiệu quả, đội ngũ cán bộ, công chức liêm chính, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Nhân dịp này, thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang trân trọng gắn Huân chương Độc lập hạng Nhất lên lá cờ truyền thống và trao bằng công nhận Huân chương cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nam.
Chủ tịch nước bày tỏ tin tưởng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nam tiếp tục đổi mới toàn diện, tạo những bứt phá mới trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng tỉnh Hà Nam phát triển nhanh và bền vững, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.