Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chủ tịch nước thăm hỏi nhân dân vùng lũ lụt Quảng Ngãi

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 14/12, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng Đoàn công tác Trung ương gồm lãnh đạo...

Kinhtedothi - Ngày 14/12, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng Đoàn công tác Trung ương gồm lãnh đạo Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương, Trung ương Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam đã thăm và làm việc tại các địa phương thuộc tỉnh Quảng Ngãi, động viên hỗ trợ đồng bào ở nơi bị thiệt hại do bão lũ vừa qua.

Đoàn công tác đến thăm nhân dân thôn Xà Nay, xã Sơn Nham, huyện Sơn Hà, một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng của tỉnh, điểm đến đầu tiên của hành trình. 
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm hỏi, tặng quà cho đồng bào dân tộc thiểu số bị thiệt hại nặng ở xã Sơn Nham, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm hỏi, tặng quà cho đồng bào dân tộc thiểu số bị thiệt hại nặng ở xã Sơn Nham, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Võ Văn Thưởng cùng lãnh đạo các sở ngành của tỉnh đã báo cáo nhanh với Chủ tịch nước về tình hình khắc phục hậu quả lũ lụt. Trận lũ với mức nước cao từ 2-4 mét, trong 2 ngày 15-16/11, đã ngập lụt chia cắt 70 xã, làm chết 15 người, sập và cuốn trôi 130 nhà, hư hỏng 495 phòng học, thiệt hại hơn 4.000 ha lúa và rau màu. Nhiều công trình thủy lợi, đê kè, hồ chứa nước, đập dâng, đường giao thông, thông tin liên lạc hư hại với giá trị ước tính gần 1.000 tỷ đồng.

Ngay khi xảy ra thiên tai, cùng sự hỗ trợ của cả nước, chính quyền, đoàn thể, các lực lượng vũ trang trong tỉnh đã thực hiện phương châm "bốn tại chỗ," tổ chức cứu trợ khẩn cấp cho các điểm dân cư bị cô lập, thăm hỏi động viên các gia đình có người thân bị nạn. Công tác di dời, sơ tán dân vùng ngập lũ, đảm bảo an toàn hồ chứa nước, hồ thủy điện được đảm bảo.

Tiếp đó, tỉnh đã kịp thời khắc phục thiệt hại về giao thông, thủy lợi, đáp ứng yêu cầu sản xuất, điều kiện đi lại, học hành của nhân dân. Hiện công tác cứu trợ, hỗ trợ người dân vùng thiệt hại vẫn tiếp tục được thực hiện khẩn trương. Tuy nhiên, do nguồn lực của tỉnh hạn chế, việc khắc phục hậu quả gặp khó khăn, tỉnh đề nghị các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ 2.000 tấn gạo, 2.000 tấn giống các loại, 350 tỷ đồng để khôi phục nhà ở, ổn định sản xuất, tái đàn gia súc, khôi phục đường giao thông; ưu tiên xây dựng 80.000 nhà, chòi tránh lũ vùng ngập sâu.

Sau khi nghe báo cáo, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến hiện trường nơi xảy ra lũ nặng, ân cần hỏi thăm, động viên từng gia cảnh, trao quà tới các hộ có người thân thiệt mạng, nhà cửa, tài sản mất mất trong đợt lũ vừa qua tại các xã Sơn Nham (huyện Sơn Hà), xã Nghĩa Kỳ (huyện Tư Nghĩa), xã Hành Tín (huyện Nghĩa Hành).

Chủ tịch cũng dành thời gian đến thăm trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã Sơn Nham, huyện Sơn Hà, chứng kiến các hoạt động dạy và học của trường trở lại nhịp sống thường ngày.

Tại những nơi Chủ tịch và Đoàn công tác đến thăm, mặc dù đời sống, sinh hoạt còn chưa hết khó khăn, đại diện chính quyền và nhân dân đã bày tỏ xúc động trước sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, khẳng định truyền thống kiên cường của quê hương cách mạng, quyết tâm sớm bình ổn đời sống, chuẩn bị đón niên vụ sản xuất mới.

Biểu dương các cấp chính quyền cùng bà con đã phát huy tinh thần tương thân tương ái, hỗ trợ lẫn nhau, khắc phục hậu quả lũ lụt, Chủ tịch nhấn mạnh không gì khác, chính truyền thống đoàn kết, trung dũng của người dân Quảng Ngãi, từng phát huy trong đấu tranh cách mạng, lại một lần nữa chung đúc người dân quê hương Núi Ấn-sông Trà thành một khối vững chắc, vượt qua hiểm họa thiên tai.

Cảnh báo về sức tàn phá khốc liệt của thiên tai thường trực nguy cơ đe dọa người dân nghèo trong vùng ảnh hưởng, Chủ tịch nước căn dặn hơn lúc nào hết, ngay lúc này, chính quyền, đoàn thể cần kết hợp cả "phòng" và "chống" chủ động cho các chương trình trước mắt và dài hạn.

Theo Chủ tịch nước, công tác quy hoạch dân cư sau lũ cần được đặt lên hàng đầu. Với nhà cửa của người dân, địa phương cần bố trí tránh xa vùng nguy hiểm, để hạn chế thiệt hại. Các công trình trạm xá, nhà văn hóa, trường học... cần được thiết kế và thi công kiên cố và tiện dụng; sẵn sàng ứng phó với biến đổi khí hậu. Với các công trình thực sự cấp bách, các bộ, ngành Trung ương và tỉnh cần bàn bạc, phối hợp, tập trung vốn thi công, tránh dàn trải, phát huy cao nhất công dụng phòng chống thiên tai.

Chỉ rõ đất trống, đồi núi trọc là nguyên nhân nguy cơ gây tái lũ, Chủ tịch nước lưu ý chính quyền, đoàn thể địa phương cần chú trọng hơn nữa việc trồng cây gây rừng, gìn giữ rừng đầu nguồn, phòng chống thiên tai. Bên cạnh việc hỗ trợ người dân các mặt hàng thiết yếu cho đời sống như gạo, thực phẩm, nhà cửa, tỉnh Quảng Ngãi cần giúp người dân về phương tiện nông cụ, vật tư nông nghiệp để khôi phục sản xuất, đồng thời chuẩn bị chu đáo mọi điều kiện cho bà con đón năm mới.

Cùng Trung ương Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam, Chủ tịch nước đã trao 120 suất quà tới các gia đình chịu thiệt hại; tặng 320 con bò giúp người dân vùng bị bão lụt tỉnh Quảng Ngãi phục hồi sinh kế.

Chủ tịch nước cùng Đoàn công tác đã đến kiểm tra khả năng tích nước, điều hòa tránh lũ của Công trình đầu mối thủy lợi Nước Trong tại xã Sơn Bao, huyện Sơn Hà; nghe báo cáo về quá trình thi công, quy trình vận hành, kiến nghị hỗ trợ để đảm bảo cho công trình về đích đúng tiến độ. Ðây là công trình cung cấp điện, nước cho các vùng hạ du, có tổng vốn 1.250 tỷ đồng do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn làm chủ đầu tư. Công trình được triển khai từ năm 2005, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2013 nhưng đến nay chỉ hoàn thành khoảng 70% khối lượng vì thiếu kinh phí.