Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm và làm việc tại tỉnh Hòa Bình

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tiếp tục chương trình thăm và làm việc tại các tỉnh Tây Bắc, ngày 18/1, Chủ tịch nước ...

Kinhtedothi - Tiếp tục chương trình thăm và làm việc tại các tỉnh Tây Bắc, ngày 18/1, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng đoàn công tác Trung ương đã đi thăm và khảo sát đời sống người dân tái định cư vùng lòng hồ sông Đà, thăm các mô hình chuyển dịch kinh tế tiêu biểu của tỉnh Hòa Bình và làm việc với lãnh đạo chủ chốt địa phương.

Chủ tịch nước cùng đoàn công tác đã đến thăm vườn cam của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cao Phong (xã Tây Phong, huyện Cao Phong), thăm mô hình nuôi cá lồng bè trên lòng hồ sông Đà thuộc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Minh Tín, xã Thung Nai, huyện Cao Phong (xã Thung Nai, huyện Cao Phong).
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tham quan mô hình phát triển thủy sản trên lòng hồ sông Đà ở huyện Cao Phong.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tham quan mô hình phát triển thủy sản trên lòng hồ sông Đà ở huyện Cao Phong.
Đây là hai mô hình kinh tế tiêu biểu, phát huy thế mạnh của "bốn nhà" trong đó có doanh nghiệp và nông dân, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nuôi trồng mang lại hiệu quả cao.

Sản phẩm cam Cao Phong với doanh thu 500-700 triệu đồng/ha, nhiều hộ trồng cam đã thu 2-3 tỷ đồng mỗi năm.

Sau nhiều năm mở rộng diện tích, đến nay, toàn huyện Cao Phong đạt 1.200ha cam thương phẩm, trở thành huyện có diện tích trồng cam cao nhất cả nước.

Huyện Cao Phong đã dành ngân sách nhằm khuyến khích các hộ trồng cam, nhất là những vùng lân cận với thị trấn để tiếp cận với khoa học công nghệ; khuyến khích liên kết chia lợi nhuận giữa các hộ để hình thành các vườn cam "đại điền."

Đặc biệt, trên cơ sở tận dụng đất rừng của nông trường Cao Phong trước đây, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cao Phong đã áp dụng mô hình quản lý mới, thực hiện chỉ dẫn địa lý để bảo vệ thương hiệu cam Cao Phong.

Tận dụng diện tích mặt nước vùng lòng hồ, doanh nghiệp Minh Tín đã nhập khẩu các giống cá lăng, diêu hồng, trắm đen... chất lượng cao, đưa về chăm sóc với chế độ nuôi dưỡng đặc biệt, cung ứng ra thị trường Hà Nội và các tỉnh thành miền Bắc với giá thành 200.000-300.000 đồng/kg.

Làm việc với lãnh đạo tỉnh Hòa Bình, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng Hòa Bình giữ được nhịp độ tăng trưởng khá trong bối cảnh chung khó khăn là kết quả tích cực, đặc biệt đời sống người dân qua khảo sát cho thấy có nhiều chuyển biến. Các chương trình nông thôn mới phát huy hiệu quả trong thực tế.

Việc thực hiện Nghị quyết cho thấy cấp ủy bám sát cơ sở. Tuy nhiên mặt bằng một số lĩnh vực còn chưa bằng mức bình quân chung của cả nước là điều trăn trở trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo nói chung. Bên cạnh những thành tựu, Hòa Bình vẫn còn một số tồn tại tiềm ẩn mất ổn định như buôn bán ma túy... cần khắc phục sớm.

Về đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội nhiệm kỳ qua, Chủ tịch nước đề nghị Hòa Bình tổng kết rút kinh nghiệm với các thế mạnh như vị trí cận kề Thủ đô, du lịch, văn hóa... so sánh tương quan, để làm rõ vì sao những ưu thế chưa được khai thác triệt để.

Tranh thủ lợi thế gần Thủ đô, Hòa Bình có thể đón đầu làn sóng đầu tư, thông qua cơ chế ưu đãi, thủ tục hành chính đơn giản, nguồn nhân lực cạnh tranh; mở các tuyến đường cao tốc kết nối với các thành phố kinh tế trọng điểm.

Thời điểm hội nhập, mở cửa thị trường đang cận kề, thử thách có nhiều nhưng Hòa Bình cũng có cơ hội đưa các sản phẩm có thương hiệu ra thế giới. Điều này càng đòi hỏi lãnh đạo địa phương phải hết sức khẩn trương, tranh thủ, huy động nội lực, cộng với sự hỗ trợ của Trung ương để thúc đẩy tăng trưởng.

Chủ tịch nước đề nghị tỉnh rà soát từng mặt mạnh, để các chỉ tiêu năm 2015 đạt cao hơn năm 2014, tạo được chuyển biến đáng kể trước thềm Đại hội.

Ghi nhận những đề xuất của tỉnh, Chủ tịch nước nhấn mạnh về chính sách nếu còn vướng mắc sẽ sớm được tháo gỡ. Đặc biệt là các Bộ ngành quản lý những lĩnh vực thế mạnh của Hòa Bình như nông nghiệp, cần tạo điều kiện thuận lợi nhất để Hòa Bình thực hiện các mục tiêu chiến lược.

Trước đó, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng đoàn công tác đã vượt lòng hồ sông Đà, đến khảo sát đời sống kinh tế - xã hội của 560 hộ dân xã Tiền Phong, huyện Đà Bắc. Đây là các hộ dân xã nhường lại đất đai thổ cư của cha ông để lại, di chuyển đến địa điểm mới, dành mặt bằng cho thi công Nhà máy thủy điện Hòa Bình.

Do nằm trong vùng lòng hồ sông Đà, địa hình xã bị chia cắt bởi đồi núi, diện tích canh tác ít, giao thông đi lại khó khăn, đặc biệt vào mùa mưa lũ, đồng bào bốn dân tộc Kinh, Thái, Mường, Dao ở xã chủ yếu sinh sống nhờ nghề nuôi trồng nuôi trồng thủy sản, khai thác rừng.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm hỏi và tặng quà cho 100 hộ gia đình chính sách và hộ nghèo của xã Tiền Phong, huyện Đà Bắc.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm hỏi và tặng quà cho 100 hộ gia đình chính sách và hộ nghèo của xã Tiền Phong, huyện Đà Bắc.
Mặc dù mức sống còn thấp so với mức bình quân chung của toàn huyện, tỷ lệ hộ nghèo còn cao (chiếm 41%), nhưng các hoạt động giáo dục, chăm sóc sức khỏe người dân xã được đảm bảo. Phong trào xây dựng đời sống ở khu dân cư lan tỏa sâu rộng trong nhân dân, tạo được không khí vui tươi phấn khởi.

Thăm hỏi động viên người dân xã Tiền Phong trong thời điểm Tết Nguyên đán Ất Mùi đang đến gần, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng đoàn công tác đã nghe đại diện chính quyền, các đoàn thể cựu chiến binh, phụ nữ, thanh niên báo cáo tình hình phát triển kinh tế, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp.

Các đại biểu kiến nghị lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư hạ tầng, trong đó có giao thông liên xóm; tăng chỉ tiêu cử tuyển đối với học sinh vùng lòng hồ, có chính sách đầu tư hỗ trợ vốn cho nhân dân mua công cụ sản xuất; hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn.

Bày tỏ vui mừng đến thăm đồng bào người dân vùng lòng hồ Sông Đà - nơi nhiều thế hệ người dân đã có nhiều đóng góp, để xây dựng nên Thủy điện Hòa Bình công trình thế kỷ, Chủ tịch nước đánh giá cao chính quyền xã đã giúp đỡ cho người dân ổn định cuộc sống tốt hơn so với thời gian đầu tái định cư.

Chủ tịch nước đề nghị huyện, xã tổ chức cho người dân bám trụ xóm làng; tổ chức tốt cuộc sống ngay trên vùng sông nước. Những bài học về kinh nghiệm về quy hoạch phát triển thủy sản như nuôi cá bè cần được học tập vận dụng để nâng cao cuộc sống người dân; hết sức tránh những kiểu khai thác thủy sản manh mún, tận diệt thủy sinh, tàn phá môi trường.

Bày tỏ sự quan tâm trước tỉ lệ hộ nghèo tại xã còn cao, Chủ tịch nước đề nghị tỉnh Hòa Bình tập trung mọi biện pháp tổng hợp, hộ khá giúp hộ nghèo, đảng viên giúp đỡ quần chúng; thi đua với nhau, để nhanh chóng thu hẹp khoảng cách, phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ đại hội đảng, giảm được số hộ nghèo nhanh, bền vững.

Hòa Bình là tỉnh miền núi của cửa ngõ Tây Bắc có 49 xã đặc biệt khó khăn, 23 xã thuộc vùng hồ sông Đà. Phấn đấu đến năm 2015, kinh tế tỉnh Hòa Bình cơ bản đạt mức phát triển trung bình của cả nước, Hòa Bình thực hiện tám nhóm giải pháp chỉ đạo điều hành nhiệm vụ kinh tế xã hội; trong đó chú trọng tái cơ cấu nông nghiệp, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung.

Trong năm 2014, giá trị nông nghiệp, thủy sản của tỉnh đạt trên 10.000 tỷ đồng, đạt tốc độ tăng trưởng 4%. Lượng khách du lịch đạt 2 triệu lượt khách, doanh thu 700 tỷ đồng. Tỷ lệ hộ nghèo còn 15%, người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 93%.

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, Hòa Bình kiến nghị lãnh đạo Đảng, Nhà nước ban hành cơ chế thực hiện loại hình hợp tác công-tư nhằm tận dụng được nguồn tài chính từ tư nhân, trong khi vẫn đảm bảo được lợi ích cho cả Nhà nước và tư nhân; ban hành hỗ trợ cơ chế các tỉnh vùng Tây Bắc theo hướng chuyên canh sản xuất hàng hóa chuyên môn hóa sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn; điều chỉnh bổ sung đề án ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội vùng chuyển dân sông Đà, Hòa Bình giai đoạn 2009-2020; chỉ đạo thực hiện chương trình phát triển rừng Tây Bắc để đảm bảo rừng phòng hộ.

Trong thời gian thăm và làm việc tại Hòa Bình, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến dâng hương tại tượng đài Bác Hồ trên công trình thủy điện Hòa Bình.