Trình bày dự thảo báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý Dự Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho biết sau khi tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp trước, Dự Luật đã thể chế hóa trách nhiệm của thanh niên thành các quy định pháp luật. Đây là trách nhiệm pháp lý của mỗi cá nhân thanh niên, giúp thanh niên chủ động, sẵn sàng xung kích, đi đầu trên mọi lĩnh vực trong cuộc sống. Mặt khác, dự thảo luật quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, gia đình, nhà trường và xã hội trong việc tạo điều kiện cho thanh niên phát triển bản thân để từ đó phát huy, cống hiến và trưởng thành, góp phần xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Đối với chính sách cho thanh niên, Dự Luật không quy định các chính sách cụ thể để tránh trùng lắp, chồng chéo với các luật chuyên ngành, mà quy định về các định hướng chính sách cũng như trách nhiệm của Nhà nước trong các lĩnh vực như: học tập và nghiên cứu khoa học; lao động và việc làm; khởi nghiệp; bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe; văn hóa, thể dục, thể thao; bảo vệ Tổ quốc.
Cho ý kiến vào Dự Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhận thấy, quy định giữa trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi không rõ, thậm chí quy định trong dự thảo cả một số nội dung mà luật khác đã điều chỉnh. "Tôi quan tâm đến quy định về thanh niên xung phong. Trong lịch sử thì lực lượng này đã để lại rất nhiều kỳ tích, từ các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ đến thời kỳ xây dựng đất nước sau này. Tôi nghĩ tại sao không tổ chức tốt để thanh niên xung phong thực hiện các dự án đầu tư công, họ làm với mục đích phi lợi nhuận (tuy nhiên phải đáp ứng được cuộc sống của họ), để họ thể hiện vai trò xung kích của mình?" – Phó Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, hiện các chính sách được thiết kế đi theo hướng gồm cả lĩnh vực (như học tập nghiên cứu, việc làm, khởi nghiệp, văn hóa, sức khẻo, thể dục thể thao...) nhưng cũng đi theo hướng đối tượng. Tuy nhiên, cần xác định đối tượng đặc thù ở đây là gì vì một số đối tượng đã có luật khác điều chỉnh như người nhiễm HIV, khuyế tật, chấp hành xong án phạt... Nên tập trung vào mấy đối tượng mang tính đặc thù như thanh niên tình nguyện, thanh niên xung phong, thanh niên người dân tộc thiểu số, đối tượng từ 16-18 tuổi, cứ chạy theo các nhóm đối tượng quá rộng thì không chi tiết được.
Cho rằng Dự Luật ra đời cần nêu bật ra được những công trình được đầu tư công, để phát huy xung kích đi đầu của thanh niên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đặt vấn đề: “Điều kiện hiện nay có cần thiết thành lập Bộ Thanh niên và Thể thao không?”. Bộ trưởng Bộ Thanh niên là Bí thư thứ nhất Trung ương đoàn.
Theo Chủ tịch Quốc hội, thời kỳ này thanh niên cần quản lý Nhà nước chứ không phải chỉ vận động mà không được quyết định, thanh tra hay kiểm tra... Tương lai cần có Bộ quản lý và thể thao nên đưa về Bộ này. “Trụ sở có sẵn, ngân sách hiện nay như bộ và cơ quan ngang bộ, không "đẻ" biên chế mới, giờ chỉ cần thay đổi về ruột, tức điều chỉnh chức năng” – Chủ tịch Quốc hội nêu ý kiến. Đồng thời một lần nữa nhấn mạnh vấn đề này chưa thể thực hiện được ngay nhưng cần nghĩ trong tương lai tính tiếp. Còn trước mắt luật này ra đời phải toát lên được tinh thần thanh niên xung kích đi đầu, làm được nhiều việc hơn cho Tổ quốc.
Báo cáo tại phiên họp, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Lê Quốc Phong nhấn mạnh tinh thần cần có chính sách cụ thể để tạo điều kiện, không gian, môi tường giúp thanh niên phát huy khả năng, phụng sự Tổ quốc. Việc xây dựng các khung chính sách có tính bao quát, đầy đủ để có định hướng cũng gặp khó khăn do thanh niên có ở các lĩnh vực. Tuy vậy, khung hiện nay cơ bản đáp ứng được ở góc độ nội dung. Trung ương Đoàn sẽ tiếp tục nghiên cứu thêm để góp ý với cơ quan soạn thảo để bật lên được các chính sách cho thanh niên phát huy huy khả năng của mình trong sự phát triển của đất nước...