Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng chủ trì buổi gặp gỡ, tiếp thu góp ý dự thảo Hiến pháp của cán bộ lão thành. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)
Cùng dự có Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Trân trọng cảm ơn và hoan nghênh sự có mặt của các cán bộ lão thành tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân góp ý về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 là cách thức dân chủ, thể hiện quyền và vai trò làm chủ của nhân dân đối với các vấn đề quốc gia đại sự; tạo điều kiện người dân có thể thể hiện các quan điểm, chính kiến về toàn bộ bản Dự thảo nói chung cũng như đối với từng điều khoản cụ thể.
Việc lấy ý kiến nhân dân còn nhằm tập hợp trí tuệ sâu rộng trong toàn dân; góp phần làm cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 phản ánh đầy đủ ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Đây cũng là đợt sinh hoạt chính trị-pháp lý quan trọng, có tác dụng giáo dục, phổ biến, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận, nâng cao nhận thức và trách nhiệm đối với việc xây dựng Hiến pháp, tôn trọng, thi hành Hiến pháp.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, qua gần 3 tháng triển khai (từ ngày 2/1 đến nay), việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã được triển khai sâu rộng, thực sự tạo ra đợt sinh hoạt chính trị pháp lý quan trọng trong các tầng lớp nhân dân.
Qua tập hợp bước đầu, các bộ, ngành, địa phương, hội, đoàn thể trong cả nước đã tổ chức được gần 30 nghìn cuộc họp, hội thảo, hội nghị lấy ý kiến và tiếp nhận khoảng 20 triệu lượt ý kiến góp ý về các nội dung của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.
Nhìn tổng thể, số lượng lượt ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân là rất lớn. Trong đó, bên cạnh số lượng lớn ý kiến tán thành, nhất trí các nội dung điều, khoản cụ thể của Dự thảo, các tầng lớp nhân dân cũng đề xuất nhiều kiến nghị sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện, nâng cao hơn nữa chất lượng của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.
Trên tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng mong muốn, với kinh nghiệm nhiều năm giữ các trọng trách của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; tham gia công tác quản lý, xây dựng chủ trương, chính sách, xây dựng pháp luật, các cán bộ lão thành tích cực đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, chất lượng cao để góp phần hoàn thiện dự thảo đặc biệt quan trọng này, đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.
Góp ý tại buổi làm việc, các cán bộ lão thành bày tỏ sự ủng hộ, đồng tình cao đối với việc tổ chức lấy ý kiến góp ý về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992; tin tưởng, phấn khởi và đồng tình với Dự thảo.
Các ý kiến đóng góp tại buổi làm việc đề cập đến toàn bộ các nội dung trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 bao gồm Lời nói đầu; chế độ chính trị; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường; bảo vệ Tổ quốc; bộ máy nhà nước; hiệu lực của Hiến pháp và quy trình sửa đổi Hiến pháp; kỹ thuật trình bày các quy định của Hiến pháp.
Các đại biểu cũng đề xuất, góp ý nhiều nội dung thiết thực, có chất lượng cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 hướng đến việc hoàn thiện tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.