Đó là kiến nghị của ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Tôn Hoa Sen tại Diễn đàn Sản xuất và Công nghiệp Việt Nam 2016 tổ chức sáng 21/4 tại Hà Nội.
Theo ông Vũ, “đế chế” Nokia đã suy giảm nghiêm trọng kể từ khi có Apple, Nokia đã từng là nhà sản xuất công nghiệp điện thoại di động lớn nhất thế giới nhưng chỉ một bước đi sai lầm trong chiến lược, sự chậm trễ trong đổi mới công nghệ đã khiến “người khổng lồ” bị thua đau trong cuộc cạnh tranh với các nhà sản xuất di động đến từ các quốc gia khác.
Trước sự cạnh tranh khốc liệt đó, đại diện Tôn Hoa Sen cho rằng bên cạnh nỗ lực tự thân của DN, Chính phủ và các Bộ ngành T.Ư cũng cần có những hỗ trợ thiết thực giúp DN ngành tôn, thép tận dụng tối đa cơ hội mà quá trình hội nhập kinh tế mang lại, cũng như tạo mọi điều kiện để DN được hỗ trợ, vượt qua khó khăn.
Ảnh minh họa
|
“Bản thân Tôn Hoa Sen và các DN ngành tôn, thép rất cần sự hỗ trợ của Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) trong việc tiếp tục tổ chức các buổi hội thảo, đào tạo chuyên sâu về phòng vệ thương mại, pháp luật cạnh tranh của các nước; đồng thời hỗ trợ mạnh mẽ DN xuất khẩu trong các vụ kiện phòng vệ thương mại” – ông Vũ kiến nghị.
Chia sẻ từ góc độ chuyên gia, ông Lương Văn Tự - nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại, nguyên Trưởng đoàn đàm phán gia nhập WTO của Việt Nam bày tỏ quan ngại: “Mục tiêu tới năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, chỉ còn 5 năm nữa làm sao đạt được mục tiêu này?”.
Cùng chung mối lo ngại, ông Đoàn Duy Khương – Phó Chủ tịch VCCI dẫn lại số liệu trong Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á 2016 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố tháng 3/2016 cho thấy, 36% DN Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất định hướng xuất khẩu, tỷ lệ này khá thấp so với con số gần 60% ở Malaysia và Thái Lan. Việt Nam cũng chỉ có 21% DN nhỏ và vừa tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. “Phần lớn DN Việt Nam chưa có nhận thức đầy đủ về những thách thức cũng như chưa sẵn sàng để tận dụng các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do. DN cũng chưa chuẩn bị để cạnh tranh với các đối thủ trong khu vực, nhất là trong thị trường lao động và hàng hóa dịch vụ trong nước” – ông Khương nói.
Theo đề xuất của ông Lương Văn Tự cần thiết phải xây dựng một liên đoàn các nhà sản xuất công nghiệp Việt Nam để gia tăng sức cạnh tranh của ngành công nghiệp trong nước. Hiện nay các nhà công nghiệp đã liên kết với nhau ở cấp độ quốc gia và đa quốc gia để tạo nên những tập đoàn quốc gia và đa quốc gia cực mạnh. Ví dụ, 4 tập đoàn lớn của Hàn Quốc chiếm tới 60% GDP. Liên minh này có lợi thế là tạo ra thị trường cho nhau, tập trung được nguồn vốn, nguồn lực, nâng cao được khả năng nghiên cứu và áp dụng công nghệ mới, tăng khả năng cạnh tranh và chiếm lĩnh thị trường từ đó mới giữ được độc lập và tự chủ về kinh tế.
Để hình thành liên minh tương tự này, ông Tự cho rằng, cần liên minh các hiệp hội ngành hàng nhỏ lẻ này thành liên minh các nhà sản xuất công nghiệp. Hiện nay mỗi lĩnh vực sản xuất đều có một hiệp hội, ngành nào biết ngành ấy vì thế chưa hình thành một liên kết chuỗi. Nhưng trước tiên cần phải có chủ trương nhất quán từ Đảng và Chính phủ, bên cạnh đó luật đầu tư phải đảm bảo để DN đầu tư trong nước và nước ngoài được đối xử bình đẳng, tạo niềm tin và sự khích lệ cần thiết đối với các DN.