Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc: Sửa đổi căn bản Luật Doanh nghiệp để tạo đột phá

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ KH&ĐT vừa hoàn thiện sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật DN, nhận xét về Dự thảo Luật, Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho rằng, còn nhiều vấn đề bất cập, vướng mắc với DN và môi trường kinh doanh cần được thay đổi căn bản chứ không thể làm mờ nhạt.

 
Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc
“Quốc hội có thể cho lùi lại để chúng ta có thể bàn kĩ hơn nhằm vào vấn đề căn bản” - ông Lộc nhấn mạnh. 
Gánh nặng hành chính, chi phí vẫn đè doanh nghiệp
Luật DN hiện hành có những hạn chế gì, ông đánh giá thế nào về sự cần thiết phải sửa đổi?
- Luật DN (sửa đổi) 2014 có hiệu lực từ tháng 7/2015 đã góp phần xóa bỏ rào cản về đầu tư, kinh doanh không phù hợp với kinh tế thị trường và cam kết hội nhập của Việt Nam. Tuy nhiên, sau một thời gian thực thi, Luật hiện hành đã bộc lộ nhiều hạn chế, đặt ra yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện hơn nữa một số quy định để tạo thuận lợi cho việc gia nhập thị trường của người dân và DN. Một số thủ tục hành chính về đăng ký DN không còn phù hợp, không cần thiết, tạo gánh nặng chi phí, thời gian cho DN.
Chẳng hạn như một DN đăng ký kinh doanh theo Luật DN hiện nay, nếu muốn chuyển sang kinh doanh một lĩnh vực mới, DN phải tiến hành giải thể, sau đó làm thủ tục thành lập mới, phải đăng ký tại một cơ quan chuyên ngành. Hậu quả là ngoài chi phí thực hiện thủ tục hành chính có liên quan thì DN mất đi tính liên tục trong kinh doanh, không tận dụng được lợi ích về hình ảnh, thương hiệu đã xây dựng.
Ngoài ra, một số quy định chưa rõ ràng, không tương thích với sự thay đổi pháp luật có liên quan, không còn phù hợp với thực tiễn mới phát sinh. Ví như Luật DN quy định trong một số trường hợp hợp nhất, sáp nhập công ty thì phải thông báo với cơ quan cạnh tranh… Quy định này hiện không còn tương thích với quy định tương tự trong Điều 33 Luật Cạnh tranh 2018 về thông báo tập trung kinh tế…
 Hoạt động sản xuất tại một doanh nghiệp trên địa bàn quận Long Biên. Ảnh: Công Hùng
Chưa tháo hết “vòng kim cô”
Tinh thần của Luật sửa đổi lần này xác định phải thúc đẩy kinh tế tư nhân. Ông đánh giá thế nào về việc sửa đổi này?
- Cơ quan soạn thảo lần này có nhấn mạnh đến 2 sửa đổi căn bản là gia nhập thị trường của DN và quản trị DN. Một ngày bị chậm trễ chính là việc tính cạnh tranh của DN bị giảm đi, khiến doanh thu, doanh số của DN giảm… Như Dự thảo lần này chưa có gì sửa lớn và căn cơ, từ loại hình DN, con dấu, đại diện pháp luật… cho đến quy định cổ đông… Các chi phí hành chính, chi phí về vốn vẫn ở mức cao, đẩy nhiều DN vào tình trạng thua lỗ, phá sản.

Khoản 2 Điều 114, Khoản 4 Điều 149 và Khoản 1 Điều 161 của dự thảo đều đề nghị bỏ quy định về thời gian sở hữu cổ phần tối thiểu.
Tuy nhiên, quy định sửa đổi kể trên vẫn không thay đổi tỷ lệ sở hữu cổ phần tối thiểu là 10% (Khoản 2 Điều 114) là không hợp lý, ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của cổ đông, nhất là các công ty đại chúng có quy mô lớn. Cũng có nhiều ý kiến kiến nghị sửa tỷ lệ sở hữu từ 10% xuống 5% để tăng cường đảm bảo quyền của cổ đông, đồng thời cũng tương thích với qui định cổ đông lớn sở hữu từ 5% trở lên theo quy định tại Luật Chứng khoán và Luật Các tổ chức tín dụng.
Một vấn đề quan trọng, thậm chí là quan trọng bậc nhất của lần sửa này là phải mở cánh cửa cho trên 5 triệu hộ kinh doanh cá thể. Các hộ kinh doanh đóng góp 30% GDP, khu vực DN theo Luật DN (hiện nay của chúng ta chỉ có 700.000 DN) chỉ chiếm 8% GDP.
Có thực tế là nhiều hộ gia đình không muốn phát triển thành DN. Vậy trong Luật phải thiết kế thế nào?
- Có hai vấn đề rất quan trọng là chính sách thuế và kế toán đối với các DN siêu nhỏ. Nếu coi DN siêu nhỏ phải áp dụng chế độ kế toán như DN lớn là điều không phù hợp, không một nước nào thực hiện như thế. Trong đó, cần thực hiện chính sách thuế đơn giản, hợp lý, hoàn toàn có thể thực hiện thuế khoán và thực hiện kế toán đơn chứ không phải kế toán kép để phù hợp với trình độ quản lý của các hộ kinh doanh. Mặc dù Bộ Tài chính có Thông tư hướng dẫn chế độ kế toán cho DN nhỏ, siêu nhỏ nhưng cần phải đơn giản hơn nữa. Chỉ khi có chính sách về thuế, kế toán, thanh tra kiểm tra phù hợp với hộ kinh doanh cũng như giảm đi các thủ tục hành chính thì mới phát triển được khu vực này.

Liên quan đến con dấu, một số sửa đổi đáng chú ý lần này là bỏ thủ tục thông báo mẫu dấu cho cho cơ quan đăng ký kinh doanh. Nhưng nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc bãi bỏ hẳn con dấu. Quan điểm của ông thế nào?
- Theo Luật DN 2014, con dấu của DN do DN tự làm, tự quản lý và tự quyết định mục đích sử dụng. Điều quan trọng hơn là phải nhìn vào thực chất nội dung của các văn bản, giấy tờ giao dịch chứ không phải chỉ nhìn vào con dấu. Con dấu sẽ mang ý nghĩa dấu hiệu nhận biết của DN hơn là một yếu tố có tính pháp lý.
Các tổ chức quốc tế đều khuyến nghị Việt Nam nên bỏ con dấu. Theo tiêu chí đánh giá môi trường kinh doanh của WorlBank, chỉ số gia nhập thị trường của Việt Nam vẫn dưới trung bình. Nếu bỏ được con dấu DN sẽ bỏ được hai thủ tục hành chính: Khắc dấu và làm dấu. Internet phát triển, giao dịch thanh toán được thực hiện qua ngân hàng, thanh toán qua internet banking, khai thuế và đóng thuế qua mạng… nên không cần con dấu.
Tuy vậy, để giảm thiểu việc đóng dấu hiện nay, phải sửa đổi rất nhiều văn bản quy phạm, sửa đổi các TTHC…; đồng thời thay đổi tư duy của các công chức, viên chức trong cơ quan nhà nước về việc buộc phải đóng dấu trong văn bản. Do đó cần có những nghiên cứu, đánh giá cụ thể, phải theo lộ trình từng bước.
Luật của hàng triệu doanh nghiệp
Theo ông, Luật DN cần sửa đổi như thế nào?
- Luật này là luật của hàng triệu DN chứ không phải luật của mấy trăm ngàn DN, đây là sự lựa chọn lịch sử trong giai đoạn phát triển mới của Việt Nam. Mục tiêu không chỉ phát triển số lượng DN mà còn gắn với hiệu quả hoạt động. Tôi đề nghị sửa đổi căn bản và đột phá chứ không dừng lại ở bản Dự thảo lần này. Quốc hội có thể cho lùi lại để chúng ta có thể bàn kĩ càng hơn nhằm vào vấn đề căn bản.
Theo ông để phát triển kinh tế tư nhân thời gian tới cần làm gì?
- Quốc hội đã có Nghị quyết để thúc đẩy, giám sát chương trình cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển DN đến năm 2020 của Chính phủ. Quốc hội cần chung tay với Chính phủ vì rất nhiều nội dung trong các chương trình hành động này sẽ không thể thực hiện nếu không được đồng bộ hóa.
Các địa phương là tuyến đầu trong phát triển kinh tế, nên đề nghị khuyến khích và ủng hộ thực hiện những mô hình đột phá trong phát triển kinh tế ở các địa phương: Cơ chế đặc thù, thực hiện chính quyền điện tử, thành lập các trung tâm dịch vụ hành chính công, các cơ quan xúc tiến... Tôi tin rằng, những mô hình thực tiễn tốt ở các địa phương, nếu được triển khai rộng khắp sẽ tạo động lực thúc đẩy cải cách hành chính, cải cách thể chế một cách thiết thực trong thời gian tới.
Xin cảm ơn ông!

Theo Nghị quyết số 57/2018/QH14 ngày 8/6/2018, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật DN cùng với Luật Đầu tư sửa đổi sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 và thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (trong năm 2019).