Về Quy hoạch phát triển hệ thống giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên nghiệp Thủ đô Hà Nội; Quy hoạch mạng lưới trường học TP Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Theo lãnh đạo Thị xã Sơn Tây, thực hiện NQ 05, Thị xã Sơn Tây đã chú trọng đầu tư cho giáo dục đào tạo, đặc biệt tập trung và đã đạt được nhiều kết quả tốt trong nâng cao chất lượng dạy và học các cấp. Ở khối Mầm non, có 15 trường công lập, 1 trường tư thục với 8.218 học sinh; Tiểu học có 15 trường công lập với 12.861 học sinh; THCS có 15 trường công lập với 8.493 học sinh.
Cụ thể, tỷ lệ trẻ trong độ tuổi đi học đến năm 2016 đối với trẻ lớp nhà trẻ đạt 35%; mẫu giáo đạt đạt 95%, trong đó trẻ 5 tuổi đi học mẫu giáo đạt 100%. Duy trì và giữ vững phổ cập giáo dục; huy động trẻ đi học đúng độ tuổi (6 – 10 tuổi) đạt 100%. Đối với giáo dục phổ thông, tỷ lệ thiếu niên đi học đúng độ tuổi (11 – 14 tuổi) đạt 100%. Thị xã cũng đã huy động 100% trẻ khuyết tật đi học các lớp phổ cập, trường chuyên biệt; 100% số người mù chữ trong độ tuổi từ 15 đến 35 tuổi ra học lớp xóa mù chữ.
Tính đến năm học 2016 – 2017, cơ bản các trường học ở các cấp đều được đầu tư cơ sở vật chất kiên cố và trang thiết bị dạy học hiện đại. Công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia đến năm 2016, ở cấp Mầm non đạt 33,3%; Tiểu học đạt 73,3%; THCS đạt 66,7%. Hiện tại, thị xã Sơn Tây chưa có trường Tiểu học, THCS công lập cung ứng dịch cụ chất lượng cao…
Tuy nhiên, Sơn Tây còn gặp khó khăn trong việc thiếu trường lớp, trường chuẩn theo chỉ tiêu cho cấp bậc mầm non, không thu hút được xã hội hóa trong giáo dục. Đặc biệt gặp khó về kinh phí đầu tư cho giáo dục khi tổng thu ngân sách của thị xã chỉ đạt hơn 200 tỷ đồng/năm.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo của thị xã Sơn Tây trong việc thực hiện Nghị quyết 05. Tuy nhiên, Trưởng đoàn cũng nhận định, Sơn Tây có cùng khó khăn chung với các địa phương trên địa bàn TP khiến một số chỉ tiêu chưa đạt như chỉ tiêu về nguồn lực đầu tư; số lượng học sinh/lớp; mạng lưới trường học… “Qua đó, Sơn Tây cần chú trọng công tác rà soát, quy hoạch, dự báo từ đó cân đối nguồn lực phát triển, bố trí quỹ đất hợp lý; khuyến khích hơn nữa công tác xã hội hóa; nâng cao trình độ cán bộ và giáo viên, ứng dụng công nghệ thông tin… Các nội dung kiến nghị của thị xã được đoàn giám sát ghi nhận, tổng hợp chuyển các cơ quan chức năng xử lý”, Phó chủ tịch Thường trực HDND TP Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh.