Theo Đại tá Lê Mạnh Tuấn, trước hết là với những tòa nhà đã được đưa vào sử dụng rất lâu rồi, dù có hệ thống PCCC nhưng đến nay qua kiểm tra thì phần lớn không còn hoạt động hoặc không hiệu quả. Điều này có nguyên nhân do ngay từ ban đầu, các chủ đầu tư (CĐT) khi thi công đã không chấp hành các quy định của Luật PCCC và các nghị định; trong quá trình sử dụng qua nhiều năm, hầu như không có công tác kiểm tra bảo dưỡng, bảo hành, thay thế, nên phần lớn các tòa nhà cũ đến nay khi kiểm tra thực tế, dù có hệ thống này nhưng không vận hành. Đối với những tòa nhà mới thi công gần đây, quy định của Luật PCCC được đưa vào thực hiện rất chặt chẽ, khi bắt đầu nghiệm thu đưa vào sử dụng có thể chấp hành nhưng sau khi được vận hành thì công tác bảo hành bảo dưỡng, thay thế đầu tư lại hầu như không được tiến hành. “Ngay như tòa nhà 34 tầng Trung Hòa-Nhân Chính chúng tôi vừa kiểm tra cho thấy, một loạt đường ống đã mục hết, nhiều họng nước lâu không vận hành”, ông Tuấn nói.
Đại tá Lê Mạnh Tuấn phát biểu tại buổi giám sát. |
Ông Tuấn cũng cung cấp thông tin: Đầu năm 2017, CS PCCC TP đã tổ chức nhiều đoàn cùng các sở, ngành kiểm tra các đơn vị, qua đó đã phát hiện nhiều sai phạm, từ đó CS PCCC đã tham mưu UBND TP để HĐND TP ra các nghị quyết liên quan đến xử lý các công trình vi phạm tại các tòa nhà cao tầng, trong đó đã chỉ ra 79 nhà cao tầng có vi phạm. Đến nay, sau khi kiểm tra kiến nghị, TP đã khắc phục được 41 tòa nhà, đã được cấp giấy chứng nhận. Còn lại 26 tòa hiện nay bất khả kháng, liên quan đến kiến trúc, kết cấu, nếu với quy chuẩn luật mới hiện nay thì không thể làm được. “Chúng tôi đã tham mưu UBND TP đã có kiến nghị, Bộ Công an cũng có kiến nghị gửi Bộ Xây dựng có giải pháp, nên hiện đang chờ Bộ Xây dựng trả lời có giải pháp chấp thuận việc TP chỉnh sửa thế nào”, ông Tuấn cho hay, và nhận định: Hiện nay với nhiều tòa chung cư, về các tổ/đội dân phòng, bảo vệ phục vụ công tác PCCC ở cơ sở, qua kiểm tra cho thấy nhiều nơi không có đội nào biết dùng các thiết bị, họng nước chữa cháy... chứng tỏ công tác tuyên truyền huấn luyện đào tạo cho lực lượng này rất hạn chế. Trong khi, hiện mới có 25/30 quận, huyện, thị xã có đơn vị PCCC chuyên nghiệp, nên một số đơn vị PCCC phải kiêm nhiệm 2-3 quận, huyện, vì vậy, nhiều khi để lực lượng chữa cháy đến nơi xảy ra cháy thì thậm chí mất gần 1 tiếng đồng hồ, khi đó cháy đã rất lớn, rất khó khắc phục hậu quả.
Do đó, “việc chữa cháy ở cơ sở ngay từ ban đầu vụ cháy có hiệu quả thì sẽ góp phần rất lớn giảm thiểu thiệt hại, nên chúng tôi kiến nghị: Với các tòa nhà cao tầng, cần xây dựng, huấn luyện, đào tạo bồi dưỡng và trang bị kiến thức cho đội ngũ này - có ý nghĩa rất quan trọng trong PCCC tại cơ sở”, ông Tuấn nêu rõ.Liên quan đến mật độ xây dựng, lãnh đạo CS PCCC TP nhận định: Khi kiểm tra nhiều tòa cho thấy rất nhiều khu vực cơi nới thêm nhà để xe và một loạt công trình xung quanh, nên đề nghị phải kiên quyết phá dỡ các công trình này, vì như vậy xe chữa cháy không thể vào được. Đồng thời, trong khi ở các nước tiên tiến dù nước sinh hoạt yếu nhưng nước cho chữa cháy phải luôn đủ, bởi họ có hệ thống đường nước chữa cháy riêng, trong khi ở nước ta, hai hệ thống nước sinh hoạt và nước chữa cháy chung, nên vấn đề nước chữa cháy rất khó khăn, nhất là vào mùa hè, giờ cao điểm.Riêng tại quận Thanh Xuân đang đô thị hóa rất nhanh, tới đây một loạt xí nghiệp nhà máy chuyển đổi mục đích sử dụng sang chung cư, nhà cao tầng... như ở đường Nguyễn Trãi, nên mật độ xây dựng rất lớn. Trong khi đó, hạ tầng cơ sở chưa đáp ứng được, lại tắc đường nên vấn đề liên thông của xe chữa cháy khi có sự cố của các tòa nhà là rất đáng lo ngại. Vì vậy, ông Tuấn kiến nghị quận cần chỉ đạo các lực lượng, nhất là Phòng CS PCCC số 8 tăng cường kiểm tra hệ thống PCCC tại các tòa nhà cao tầng, phát hiện vi phạm; tăng cường tuyên truyền tập huấn để nâng cao nhận thức. “Hiện nhận thức của người dân trong PCCC là rất kém. Thực tế vừa qua, Phòng CS PCCC số 8 tổ chức tập huấn tuyên truyền vận động tại mọi tòa nhà nhưng các buổi họp đó chỉ có 20-30 người tham gia mà phần lớn là người giúp việc, cao tuổi, qua các buổi sau lại càng lèo tèo chỉ vài người tham gia. Điều này liên quan đến ý thức trách nhiệm của người dân, nên đề nghị quận quan tâm phối hợp công tác chỉ đạo, cùng phường và hệ thống chính quyền, các lực lượng quan tâm tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân”, lãnh đạo CS PCCC TP đề nghị.Bên cạnh đó, ông Tuấn đề nghị TP quan tâm hạ tầng cơ sở cho PCCC, trong đó khi kè ao hồ quan tâm đường cho xe chữa cháy vào, bến nước để lấy nước chữa cháy. Ngoài ra, TP cũng cần quan tâm về các trụ nước tại các tuyến phố, việc nay TP đã giao cho Sở Xây dựng, nên Sở cần phát triển thêm các trụ nước ở các tuyến phố mới, cải tạo sửa chữa những trụ hỏng - còn bất cập giữa đơn vị quản lý và đơn vị sử dụng, vì rất nhiều trụ không có nước, hỏng thì không có người thay thế...Theo thống kê của CS PCCC TP, hiện tại quận Thanh Xuân có 29 nhà và công trình không đảm bảo an toàn về PCCC (trụ nước, hệ thống nước PCCC có nhưng hỏng hóc chưa được thay thế), trong đó 4 công trình cao tầng đã đưa vào hoạt động nhưng chưa được tổng duyệt PCCC (như tại phố Tô Vĩnh Diện, Nguyễn Ngọc Nại..), 3 công trình cao tầng đã đưa vào hoạt động, đã được tổng duyệt nhưng chưa được nghiệm thu (tại Hạ Đình, Ngụy Như Kon Tum). Tất cả các tòa này, CS PCCC TP đã phối hợp với các lực lượng lập biên bản làm việc với từng đơn vị về lộ trình hoàn thành, có đơn kiến nghị báo cáo UBND TP và Bộ Công an để phối hợp xử lý giải quyết. Có những tòa nhà đang có khả năng khắc phục, nhưng có những tòa nhà bất khả kháng thì CS PCCC TP đang báo cáo Bộ Xây dựng, Bộ Công an. |