Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chủ trương đúng,cần cách làm phù hợp

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Từ ngày 10/11, Nghị định 71/2012/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi Nghị định 34/2010/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ chính thức có hiệu lực.

Ngoài việc xử phạt theo hướng tăng nặng các vi phạm, Nghị định 71 còn quy định rõ sẽ xử phạt đối với chủ xe không chuyển quyền sở hữu phương tiện. Tuy nhiên, ngay sau khi Nghị định 71 được thực thi, người dân đang lo lắng bởi có tới hơn 50% xe máy đang lưu hành hiện nay không chính chủ.
 

Chủ trương đúng,cần cách làm phù hợp - Ảnh 1

Đội Cảnh sát giao thông số 3 kiểm tra hành chính người vi phạm tại ngã tư đường Láng - Lê Văn Lương chiều 11/11.Ảnh: Thanh Hải
 
 
Theo Nghị Định 45/2011/NĐ-CP, ngày 17/6/2011 của Chính phủ về lệ phí trước bạ: Giá tính lệ phí trước bạ do UBND tỉnh, thành phố ban hành. Mức thu lệ phí trước bạ đối với xe máy là 2%. Riêng xe máy của tổ chức, cá nhân ở các thành phố trực thuộc T.Ư, thành phố thuộc tỉnh, thị xã nơi UBND tỉnh đóng trụ sở thì nộp lệ phí trước bạ lần đầu với mức là 5%; Đối với xe máy nộp lệ phí trước bạ lần thứ 2 trở đi được áp dụng mức thu 1%. Ô tô dưới 10 chỗ ngồi nộp lệ phí trước bạ theo mức từ 10 - 20%.

Lỉnh kỉnh giấy tờ khi ra đường
Đa số người điều khiển xe máy đang sử dụng phương tiện mang tên của bố mẹ, anh chị, thậm chí có nhiều trường hợp mượn xe của bạn bè…  Trần Văn Khương Sinh viên trường Cao đẳng GTVT (quê Nam Định) cho biết: "Bố mẹ em dành dụm mãi mới có đủ tiền mua chiếc xe máy cũ này. Em đem xe lên Hà Nội để phục vụ việc đi học, đồng thời ngoài giờ học còn đi chở hàng thuê, bây giờ mà xử phạt một triệu đồng về lỗi không chính chủ thì chắc em chỉ còn cách đi bộ, vì không có tiền để nộp phạt, và có thể mất cả phương tiện mưu sinh". Thực tế, có rất nhiều người dân vì điều kiện, hoàn cảnh nên phải mua xe máy đã qua sử dụng. Nếu cứ mỗi lần bị phạt một triệu đồng, chỉ vài lần là bằng giá mua một chiếc xe cũ.   
 
Tại Hà Nội, khi được hỏi, rất nhiều gia đình cho rằng, một số quy định trong Nghị định 71 thiếu tính thực tế. Ông Lê Trọng Tiến, huyện Thanh Trì băn khoăn: "Phần lớn trong gia đình, bố, mẹ là người mua và đứng tên chủ sở hữu xe máy. Khi con cái lớn sẽ giao xe để sử dụng đi học, đi làm. Tại nhiều gia đình có khi bố, mẹ đứng tên 3 - 4 xe máy. Vậy mỗi khi con cái đi xe máy ra đường lại phải mang thêm hộ khẩu của cả gia đình hay chứng minh nhân dân của bố mẹ hay sao?" 
 
Trong khi đó, ở nước ta, xe máy vẫn là phương tiện đi lại chính của người dân. Do đó, nhiều gia đình có xe máy thường mang tên vợ hoặc chồng, nếu áp dụng quy định mới, thì mỗi khi đi xe ra đường liệu có phải mang theo giấy đăng ký kết hôn? Đó là chưa kể, rất nhiều trường hợp mượn xe của bạn bè, không biết mang theo giấy tờ gì? Với những trường hợp mua xe đã qua sử dụng, nhất là trường hợp mua lại của chủ sở hữu lần thứ 3, thứ 4, mà nay tìm được người sở hữu đầu tiên để xin xác nhận là vấn đề rất khó. Giả dụ, chủ xe đã mất hay chuyển tới tỉnh, thành khác hoặc ra nước ngoài sinh sống, để xin được xác nhận có khi số tiền đi lại đã gấp mấy lần tiền mua xe? 
 
Chưa áp dụng phạt ngay
 
Trao đổi với Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng Phòng CSGT Công an TP Hà Nội được biết, theo quy định tại Thông tư 36/2010/TT-BCA, người dân sau khi mua, bán, cho, tặng phương tiện trong vòng 30 ngày phải đến cơ quan đăng ký, làm thủ tục sang tên, chuyển quyền sở hữu. Trường hợp phương tiện đã mua bán qua nhiều đời, chủ phương tiện cuối cùng, đang sử dụng xe phải có trách nhiệm đến các cơ quan đăng ký làm thủ tục đăng ký lại, chuyển quyền sở hữu. Đối với trường hợp chủ xe đã mất, người được thừa kế chịu trách nhiệm thay chủ xe làm các thủ tục cần thiết. 
 
 
 
Chủ trương đúng,cần cách làm phù hợp - Ảnh 2

Kiểm tra giấy tờ xe máy của người tham gia giao thông trên phố Láng Hạ, chiều 11/11.Ảnh: Thanh Hải
 
 
Tuy nhiên, do Nghị Định 71/CP mới được áp dụng nên trong thời gian đầu, lực lượng CSGT sẽ tập trung tuyên truyền, nhắc nhở hướng dẫn người dân, nhất là đối với người ngoại tỉnh vào Hà Nội làm ăn buôn bán, sinh viên đi học... Đối với xe lưu thông trên đường, nếu CSGT kiểm tra, phát hiện người điều khiển  không phải là chính chủ, mà là xe đi mượn của người thân, bạn bè, song có đầy đủ giấy tờ như GPLX, giấy đăng ký xe, và quan trọng người điều khiển không cố tình vi phạm các lỗi giao thông khác, thì có thể sẽ chỉ bị nhắc nhở chứ không xử phạt. Tuy nhiên, trong trường hợp người điều khiển xe không phải chính chủ, lại vi phạm các lỗi giao thông nghiêm trọng thì lực lượng CSGT sẽ xử lý nghiêm theo đúng quy định. 
 
Chia sẻ với lo lắng của người dân, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, các ngành chức năng phải nghiên cứu và hướng dẫn chi tiết để người dân thực hiện Nghị định 71/CP. Bởi Nghị định chỉ rõ, chủ xe phải có trách nhiệm khai báo, nhưng nếu người dân không thể xác minh chủ xe trước là ai thì công an cũng phải đi xác minh xe đó không vi phạm pháp luật (như không phải xe ăn cắp) sẽ cho phép người dân được quyền sang tên đổi chủ. Bên cạnh đó, các cơ quan liên quan cần nghiên cứu và đưa ra quy trình để người dân có thể làm thủ tục sang tên đổi chủ phương tiện nhanh nhất. Đồng thời giảm mức phí trước bạ hợp lý, bởi mức hiện nay quá cao. Nhà nước cần xác định mức phí trước bạ không phải là nguồn thu ngân sách, mà là để người dân chấp hành pháp luật, phục vụ công tác quản lý.
 
 
"Nghị định 71 có hiệu lực từ ngày 10/11, nhưng theo tôi các hành vi như đua xe, chạy quá tốc độ... phải phạt ngay, còn phương tiện không chính chủ chưa nên phạt mà cần có thời gian tuyên truyền để người dân chuẩn bị. Ủy ban ATGT Quốc gia sẽ tham mưu cho các cơ quan chức năng xem xét tạm thời chưa phạt người đi xe không chính chủ." - Ông Nguyễn Hoàng Hiệp - Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia