Cơ bản tán thành với phạm vi điều chỉnh của Dự án Luật, một số ý kiến đề nghị Dự án Luật cần có một chương riêng quy định về ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời thể chế hóa trách nhiệm cá nhân, chính sách khuyến khích của Nhà nước đối với hoạt động bảo vệ môi trường phục vụ có hiệu quả tăng trưởng kinh tế; gắn kết với hệ thống pháp luật hiện hành, nhất là Luật Ngân sách Nhà nước và các luật liên quan nhằm sử dụng có hiệu quả nguồn lực cho bảo vệ môi trường. ĐB Trương Văn Vở (đoàn Đồng Nai) đề nghị bổ sung quy định trách nhiệm cá nhân người đứng đầu từ bộ, ngành T.Ư đến UBND các cấp và cần thiết phải coi trọng việc lập quy hoạch bảo vệ môi trường. Nhất trí với việc dự thảo luật đã bổ sung nhiều quy định mới, nhưng ĐB Dương Hoàng Hương (đoàn Phú Thọ) vẫn băn khoăn vì quy định chưa thể hiện rõ quyền tham gia tham vấn của cộng đồng, vai trò, ý nghĩa, tác động, tính ràng buộc của các ý kiến tham vấn đối với công tác thẩm định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Trong khi đó, xử lý vi phạm pháp luật giải quyết khiếu nại tố cáo về môi trường, thực trạng ô nhiễm môi trường đang diễn biến phức tạp, để lại hậu quả xấu, gây bức xúc trong xã hội, mà nguyên nhân cơ bản là do quy định xử lý vi phạm còn chung chung, chế tài chưa đủ mạnh. Cùng ngày, với các tỷ lệ 84,14% và 87,15% đại biểu có mặt tán thành Quốc hội đã thông qua Luật Tiếp công dân, Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật.