Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chưa có đột phá

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trong bối cảnh chỉ còn vài ngày nữa là tròn 10 năm kể từ ngày Mỹ phát động cuộc chiến tranh tại Iraq (19/3/2003 - 19/3/2013), quốc gia Trung Đông này vẫn tiếp tục rơi vào bất ổn kéo dài.

Cuộc chiến "hao người, tốn của" này một lần nữa chứng minh rằng sự can thiệp từ bên ngoài chưa chắc đã tạo ra được bước đột phá cho tiến trình hòa bình của một quốc gia.

Giữa lúc Iraq chuẩn bị cho cuộc bầu cử cấp tỉnh diễn ra vào ngày 20/4 tới, hàng loạt vụ tấn công liều chết, đánh bom liên hoàn nhằm vào các ứng cử viên tham gia tranh cử cho thấy âm mưu phá hoại sự ổn định từ các lực lượng nổi dậy.

Kể từ khi quân đội Mỹ hiện diện tại Iraq cách đây 10 năm, quốc gia này vẫn chưa một ngày yên tiếng súng khiến số người thương vong lên tới hàng trăm ngàn người.
 
 
Chưa có đột phá - Ảnh 1
 
Uy tín của Thủ tướng Pakistan Raja Perevez Áshraf tụt giảm mạnh do các cáo buộc tham nhũng.
 

Thậm chí ngay cả khi các lực lượng Mỹ lần lượt rút khỏi đây, dư chấn của các cuộc bạo lực vẫn biến Iraq trở thành một trong những chiến trường đẫm máu nhất thế giới.

Tại Pakistan, Quốc hội nước này đã giải tán sau khi kết thúc nhiệm kỳ 5 năm, chấm dứt thời gian cầm quyền đầy sóng gió của Thủ tướng Raja Pervez Ashraf khi bộ máy quân đội vẫn giữ vai trò quan trọng trên chính trường.

Dù đây là lần đầu tiên trong vòng 66 năm qua, Quốc hội Pakistan mới "tồn tại" được hết nhiệm kỳ nhưng các nhà phân tích cho rằng, "kỳ tích" này chỉ mang tính hình thức do uy tín của Thủ tướng Ashraf liên tục sụt giảm. Bản thân quốc gia Nam Á này vẫn phải đối mặt với các mối đe dọa từ chủ nghĩa khủng bố và tình trạng suy thoái kinh tế.

Tuy người dân Pakistan hy vọng tiến trình bầu cử vào tháng 5 tới sẽ diễn ra suôn sẻ nhưng mâu thuẫn giữa Chính phủ dân sự nắm quyền và giới quân sự vốn âm ỉ từ nhiều năm qua có thể sẽ bùng phát và cuốn quốc gia Nam Á này vào một cuộc khủng hoảng mới.

Liên quan đến tình hình kinh tế, Hội nghị thượng đỉnh thường niên mùa xuân của Liên minh châu Âu (EU) đã kết thúc hôm 15/3 tại Brussels, Bỉ mà không đạt được bất kỳ một thỏa thuận quan trọng nào nhằm giải quyết tình hình “đáng lo ngại ” của khu vực.

Việc nợ công của Tây Ban Nha, Italia trong tháng 1/2013 vừa thiết lập kỷ lục mới, trong khi Cộng hòa Síp trở thành quốc gia thứ 5 phải nhận cứu trợ từ EU và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã khơi gợi lại những nỗi lo về châu Âu sau vài tháng tạm lắng dịu.

Dù những vấn đề gai góc như thúc đẩy tăng trưởng, giải quyết việc làm đã được Hội nghị lần này đề cập tới nhưng không một thỏa thuận mang tính đột phá nào được đưa ra khiến thị trường toàn cầu một lần nữa điêu đứng vì  không biết bao giờ châu Âu mới thoát được "bão nợ".