Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chưa hết nỗi lo tăng giá!

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ ngày 20/11, mặt hàng sữa bột cho trẻ em dưới 6 tuổi đã được Bộ Tài chính được đưa vào danh mục mặt hàng bình ổn giá theo Thông tư 30/2013/TT- BYT của Bộ Y tế về quản lý giá sữa. Gần một tuần quyết định này có hiệu lực, nhưng đến nay giá sữa vẫn chưa có dấu hiệu giảm.

Mạnh tay

Đến ngày 25/11, cũng là thời điểm 6 doanh nghiệp (DN) kinh doanh sữa chiếm thị phần lớn phải báo cáo và giải trình lý do tăng giá mặt hàng này trong thời gian từ đầu năm đến nay, Bộ Tài chính cho biết đang tổng hợp số liệu báo cáo và sẽ sớm công bố kết quả. Theo đại diện Bộ Tài chính, công tác kiểm tra việc kê khai và niêm yết giá của DN tập trung vào những mặt hàng sữa và sản phẩm từ sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi. Nếu phát hiện vi phạm bên cạnh việc xử lý theo thẩm quyền, lực lượng chức năng sẽ công khai các đơn vị vi phạm trên phương tiện thông tin đại chúng.
Giá sữa tăng liên tục do nhiều chi phí bất hợp lý đều được dồn vào giá thành.     Ảnh: Hải Linh
Giá sữa tăng liên tục do nhiều chi phí bất hợp lý đều được dồn vào giá thành. Ảnh: Hải Linh
Thực tế, trước thời điểm 20/11 vài tuần, để lách quy định, giá các loại sữa nhập khẩu bán tại nhiều đại lý đã điều chỉnh tăng 3 - 5%. Đến thời điểm này, giá sữa trên thị trường vẫn đang ở mức cao ngất ngưởng, đặc biệt là các loại sữa nhập khẩu. Sữa Ensure loại 900gr có giá bán 645.000 đồng/hộp; loại 400gr có giá 299.000 đồng/hộp. Sữa Pediasure 900gr có giá 563.000 đồng/hộp, loại 400gr có giá 265.000 đồng/hộp. Sữa Enfa hộp 900gr số 1, 2, 3, 4 có giá bán lần lượt là: 468,000 đồng/hộp; 467.000 đồng/hộp; 428.000 đồng/hộp và 356.000 đồng/hộp...

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện vẫn chưa có đơn vị cung cấp, nhập khẩu nào gửi thông báo điều chỉnh giá đến các đại lý. Trong khi đó, không ít nhà phân phối lại úp mở về khả năng sắp tới giá sữa có thể sẽ tăng. Một số chủ cửa hàng nhận định, không thể dự đoán thời điểm nào giá sữa được điều chỉnh, tuy nhiên, mặt hàng này chưa bao giờ điều chỉnh giảm.

Phải quản từ gốc
Nếu chỉ quản lý giá theo cách đăng ký không thôi   chưa thể giải quyết được tận gốc vấn đề. Cơ quan hải quan quản lý ngay khâu nhập khẩu, nhưng nếu không có đối chiếu so sánh với các nước trong khu vực sẽ dễ dẫn đến tình trạng các DN bắt tay nhau, kê khai giá nhập khẩu. Bởi vậy, rất có thể trước đây, sữa loạn ở khâu bán lẻ, thì sắp tới sẽ có khả năng loạn ở khâu nhập khẩu.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong
Nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, khi Thông tư 30 về quản lý giá sữa có hiệu lực, trước mắt sẽ có những hiệu quả nhất định. Bản thân các DN sẽ thấy ngay thông điệp: Mặt hàng "độc quyền" giờ đã vào tầm kiểm soát. Tuy nhiên, những quy định này mới chỉ dừng ở việc quy trách nhiệm quản lý của các cơ quan chức năng, trong khi cơ chế bình ổn giá vẫn phải phụ thuộc vào điều kiện thực tế. Các DN vẫn được phép tăng giá nếu có báo cáo giải trình cụ thể.

Thực tế việc tăng giá sữa "đến hẹn lại lên" theo chu kỳ đã từng diễn ra. Động thái này được các DN hợp thức hóa bằng rất nhiều lý do: Giá nhập khẩu, thuế suất tăng cao, thay đổi mẫu mã, bao bì, lương thưởng, giá nguyên vật liệu, chi phí tiếp thị… Trong khi đó, một lý do khiến giá sữa tăng mạnh đã được các chuyên gia kinh tế chỉ ra đó là, các DN này chi cho quảng cáo quá cao, thì lại bị lờ đi. Do vậy, nếu không kiểm tra nghiêm túc và kiểm soát được chi phí kinh doanh của DN, việc tăng giá sữa bất hợp lý sẽ vẫn rất khó xử lý. Trong khi đó, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Anh Tuấn từng nêu ra thực trạng việc đối chiếu để kiểm soát giá sữa nhập khẩu không hề dễ dàng. "Các loại sữa ở các nước khác nhau, hàm lượng khác nhau, đặc biệt là thị hiếu khách hàng khác nhau nên khó có độ tương thích để so sánh giá. Hơn nữa, sữa nhập khẩu vào Việt Nam hiện nay phần lớn do các công ty mẹ có trụ sở ở nước ngoài cung cấp. Khai thác dữ liệu từ những công ty này rất khó" - ông Tuấn nêu thực trạng.

Hiện nay, khi các quy định kiểm soát giá sữa đã có hiệu lực, nhiều chuyên gia kinh tế vẫn nhìn nhận đây cũng chỉ là những biện pháp hành chính, chưa phải giải pháp thị trường. Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú cho rằng, để kiểm soát hiệu quả giá sữa, bên cạnh các biện pháp hành chính, cơ quan quản lý cũng cần sử dụng linh hoạt các giải pháp và công cụ khác để giám sát từ "gốc" đối với mặt hàng này.