Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chưa hết nỗi lo thiếu điện

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Đến thời điểm này, hàng loạt công trình, dự án cải tạo lưới điện nhằm chống quá tải đang gặp rất nhiều vướng mắc.

Nguy cơ quá tải lưới điện đang ngày càng hiển hiện và ảnh hưởng không nhỏ đến việc cấp điện trên địa bàn thành phố Hà Nội.

 
Dự án nào cũng vướng
 
Theo thống kế bước đầu hiện có hàng chục dự án đầu tư xây dựng, cải tạo lưới điện trên địa bàn TP do Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội (EVN HN) thực hiện dậm chân tại chỗ. Theo ông Bùi Duy Dụng, Phó Tổng giám đốc EVN HN, vướng mắc nhất hiện nay là các bước, thủ tục liên quan đến công tác GPMB. Thậm chí, có những dự án như Dự án TBA 110 kV tại thị trấn Trôi bảo đảm cấp điện cho các huyện Hoài Đức, Đan Phượng… mặc dù ngành điện đã đầu tư gần 70 tỉ đồng hoàn thành phần trạm từ năm 2009 nhưng đến nay trong 20 vị trí cột để dẫn điện vào trạm hiện có đến 16 vị trí cột bị vướng. Trong thiết kế đã được phê duyệt thì các cột dẫn vào trạm là cột thép hình chân nhỏ nhưng chủ đầu tư dự án khu đô thị Lideco (nơi có 3 cột đi qua) là Công ty cổ phần Phát triển địa ốc Cienco5 yêu cầu sử dụng cột đơn thân. Mức chênh lệch của việc điều chỉnh này lên tới hàng tỉ đồng do cột đơn thân có giá trị 1,5 - 3 tỉ đồng/cột (trong khi cột thép cấu hình chân nhỏ khoảng 800 triệu/cột). 13 vị trí cột khác đi qua các dự án Khu đô thị Bắc 32 và khu đô thị Tân Lập phải thay đổi vị trí, hướng tuyến theo qui hoạch Hà Nội mới được phê duyệt. Đó là chưa kể hàng loạt các bước thủ tục mà ngành điện đã làm trước đây phải làm lại từ đầu.
 
Trong khi Dự án TBA 110 kV Bắc An Khánh, cấp điện chủ yếu cho khu đô thị Splendora và dự án TBA 110 kV cấp điện cho khu đô thị Mỗ Lao lại vướng vì quy hoạch. TBA 110 kV Bắc An Khánh mặc dù phải đi vào hoạt động tháng 5/2012 khi chủ đầu tư hoàn thành một phần của dự án nhưng đến nay vẫn chưa thể khởi công. Lý do là vì một phần diện tích đất cấp cho trạm (do Viện Qui hoạch Hà Nội cấp) trùng với một phần diện tích đất của dự án khu nhà ở xã hội của Khu đô thị Bắc An Khánh. Chính vì thế cả một dự án khu đô thị lớn sắp hoàn thành nhưng TBA cấp điện vẫn là… khu đất trống.
 
TBA 110 kV Mỗ Lao mặc dù đã được chủ đầu tư khu đô thị này tạo điều kiện dành một phần diện tích để xây trạm, EVN HN đưa vào kế hoạch đầu tư, cải tạo nhưng vẫn chưa thể triển khai vì hơn 2,5 km đường dẫn tuyến vào trạm lại không có trong qui hoạch…
 
Nguy cơ thiếu điện
 
Dịp hè năm nay bên cạnh những nỗ lực của EVN HN trong việc bảo đảm cấp điện thì những lý do khách quan khác như thời tiết thuận lợi, tốc độ tăng trưởng của nhiều ngành kinh tế chậm lại (làm cho tăng trưởng điện thương phẩm của EVN HN trong quí 2 chỉ tăng 4,6%) góp phần không nhỏ làm giảm căng thẳng về điện. Tuy nhiên, theo bà Hoàng Anh, Phó Chánh văn phòng EVN HN, những tháng cuối năm và đầu năm sau, kinh tế TP dự báo có thể lấy lại đà tăng trưởng, khi đó tình hình điện sẽ căng thẳng trở lại. Mặc dù EVN HN đã chủ động các biện pháp chống quá tải, bố trí vốn (chủ yếu từ vốn vay thương mại) nhưng rất nhiều các công trình điện hiện nay nếu chỉ riêng ngành điện, không có sự vào cuộc tích cực của lãnh đạo thành phố các ngành, địa phương thì tiến rất khó đảm bảo.
 
Cũng theo ông Bùi Duy Dụng, bên cạnh những việc những vướng mắc trên thì việc rất nhiều khu đô thị, khu công nghiệp khi duyệt qui hoạch lại không đề cập đến hệ thống hạ tầng đặc biệt là hệ thống điện khiến ngành điện không thể chủ động trong việc bảo đảm điện... Những vướng mắc này đang là nguyên nhân không nhỏ làm lưới điện của Hà Nội đứng trước nguy cơ quá tải.

 
 
Điện cấp cho TP Hà Nội hiện nay được lấy từ 6 trạm biến áp (TBA) 220 kV với tổng dung lượng hơn 2.700 MW. Tuy nhiên, theo số liệu của Tổng công ty Điện lực Hà Nội, đỉnh điểm nắng nóng dịp hè vừa qua (ngày 7/7) công suất sử dụng điện của toàn hệ thống đã lên tới hơn 2.000 MW với sản lượng lên tới hơn 41,2 triệu MWh, chiếm 88% tổng dung lượng của 6 TBA.