Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chưa rõ mô hình hoạt động của chính quyền địa phương

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày 27/5, Quốc hội đã dành cả ngày để thảo luận tại tổ về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Trong đó, nhiều chế định về thành phần kinh tế, hội đồng bảo hiến, chính quyền địa phương… vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau.

Đồng tình với phương án giữ nguyên tên nước

Đánh giá việc lấy ý kiến nhân dân được triển khai nghiêm túc, sâu rộng, các ĐBQH cũng cho rằng: Những nội dung được tiếp thu, tổng hợp, giải trình khá đầy đủ và kỹ. Tuy nhiên, vẫn cần nghiên cứu tiếp và có sự giải trình cụ thể hơn với người dân.

Chưa rõ mô hình hoạt động của chính quyền địa phương - Ảnh 1
 
Đại biểu Trịnh Thế Khiết (đoàn Hà Nội) phát biểu ý kiến trong phiên thảo luận tại tổ.Ảnh: TTXVN
 
Đồng tình với lý giải của Ban soạn thảo trong Dự thảo sau khi giải trình, tiếp thu về vấn đề tên nước, phần lớn ĐBQH đều cho rằng, nên giữ nguyên tên nước. Theo ĐB Đỗ Bá Tỵ (đoàn Điện Biên), cần phải giữ nguyên tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam vì  tên gọi này đã được sử dụng ổn định từ tháng 7/1976 đến nay, đã được chính thức ghi nhận trong Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992. Hơn nữa, việc thay đổi tên nước trong thời điểm hiện nay sẽ dẫn đến những hệ quả không có lợi. ĐB Phạm Đức Châu (đoàn Quảng Trị) cũng nhấn mạnh: Không nhất thiết phải thay đổi tên nước vì tên nước hiện nay đã gắn với lịch sử dân tộc và hiện không ảnh hưởng gì tới cuộc sống của nhân dân.

Một trong những vấn đề tiếp tục được ĐBQH quan tâm và đề nghị giữ nguyên là Điều 4 của Dự thảo đề cập đến vai trò lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. ĐB Lê Như Tiến (đoàn Quảng Trị) cho rằng, trong Dự thảo ghi: "Đảng chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình" là hoàn toàn hợp lý vì mọi hoạt động của Đảng cần phải được nhân dân biết và giám sát, đóng góp ý kiến. ĐB Đinh Trọng Quyền (đoàn Hà Nội) đề xuất: Nhưng có một điểm nên nghiên cứu bổ sung, là nên đưa một nguyên lý nào đó trong cương lĩnh của Đảng về nội dung Đảng lãnh đạo toàn diện nhà nước và xã hội nhưng Đảng không làm thay vào, sẽ rạch ròi hơn.

Xung quanh ba thiết chế mới được đưa ra trong bản Dự thảo là Hội đồng Hiến pháp, Hội đồng Bầu cử quốc gia và Kiểm toán Nhà nước, các ĐBQH vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Một số ĐB cho rằng, không nhất thiết phải thành lập Hội đồng Hiến pháp vì thiết chế quyền lực của nước ta là thống nhất và thuộc về nhân dân. 

Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại cho rằng nên có cơ quan này để kiểm soát tình trạng vi hiến. ĐB Chu Sơn Hà (đoàn Hà Nội) lý giải: Ở đâu có quyền lực ở đó phải có cơ chế kiểm soát quyền lực. Nhưng, hình thành Hội đồng Hiến pháp cần thiết kèm theo chế định về trách nhiệm và quyền năng, nếu chỉ có quyền kiến nghị như Dự thảo đưa ra, sẽ không thể hiện được điều gì vì nếu kiến nghị không được chủ thể thực hiện, sẽ kiến nghị đến đâu?.

Chương về chính quyền địa phương cần kỹ càng hơn

Thảo luận về chương Chính quyền địa phương, nhiều ĐBQH cho rằng, nội dung vẫn quá sơ sài. Cả hai phương án Ban soạn thảo đưa ra đều không rõ mô hình hoạt động của chính quyền địa phương. Nếu không rõ khái niệm trong Hiến pháp, sẽ sai lầm trong thực hiện. Theo đó, chương này phải gia công nhiều, phải rõ mô hình, từ đó mới rõ mối quan hệ giữa T.Ư với địa phương, HĐND và các cấp hành chính khác…

ĐB Đinh Xuân Thảo (đoàn Hà Nội) cho rằng: Trước đây, chương này đã có những bất cập, Quốc hội đã phải ra Nghị quyết thí điểm bỏ HĐND ở phường, quận, nhưng đến nay vẫn chưa tổng kết được. Bởi thế, nói là giữ nguyên "quy định về đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương như Hiến pháp hiện hành" cũng không có cơ sở để khẳng định. Do đó, cần phải có sự phân tích cụ thể, đầy đủ hơn. ĐB Trịnh Thế Khiết (đoàn Hà Nội) cũng băn khoăn: Đã thí điểm bỏ HĐND cấp quận, phường 5 năm, tại sau không tổng kết để đưa ra sự khẳng định cụ thể nhất về mô hình chính quyền địa phương. Hiện nhiều người làm công tác HĐND cấp huyện, quận cũng thấy không an tâm với công việc của mình.

Nhiều ý kiến khác nhau về hiến định thành phần kinh tế

Điều 54, quy định về các thành phần kinh tế vẫn chưa có được một tiếng nói chung giữa các ĐBQH. Có ĐB đề nghị trong Hiến pháp không nên nhấn mạnh, đề cao quá mức vai trò chủ đạo của kinh tế tập thể, kinh tế Nhà nước, bởi vì như thế dễ tạo ra sự bất bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Nhưng, cũng có ý kiến cho rằng, vẫn nên khẳng định kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo. ĐB Nguyễn Minh Quang (đoàn Hà Nội) lý giải: Nên chọn phương án 2: "Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo". Bởi thực tế, một số doanh nghiệp, tổng công ty Nhà nước làm ăn thua lỗ, nhưng do những yếu tố khác không phải do quan điểm định hướng. 

Ở một góc nhìn khác, với nhận định, với tình trạng nhiều bất cập trong doanh nghiệp Nhà nước như thất thoát, thua lỗ, nếu để kinh tế Nhà nước là chủ đạo, lại phải bơm vốn, tạo cơ chế không bình đẳng, ĐB Thân Đức Nam (đoàn Đà Nẵng) cho rằng: Thực tiễn cho thấy, doanh nghiệp Nhà nước được nhiều ưu đãi, nhưng thành phần kinh tế tư nhân cũng có đóng góp rất nhiều. Vì thế, nên để như phương án 3: "Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế". ĐB Phan Văn Quý (đoàn Nghệ An) đồng tình: Phương án này sẽ tạo điều kiện cho tất cả các thành phần kinh tế phát triển và đỡ phải sửa sau này.Nhiều ý kiến khác lại gợi ý, nên có một cách tiếp cận khác, không phải về thành phần kinh tế mà là các chủ thể của nền kinh tế, để đảm bảo sự ổn định, bền vững. 

Quanh chế định về sở hữu đất đai và thu hồi đất, mặc dù đồng tình với quan điểm đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu, nhưng các ĐBQH cũng đề xuất phải quy định chặt vấn đề này, các trường hợp thu hồi theo luật định phải được bồi thường công khai, công bằng. 

Tiếp sau hai phiên thảo luận tổ, trong hai ngày 3 và 4/6, Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Sẽ tiếp tục gửi phiếu xin ý kiến đóng góp

Sau lần thảo luận này, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 sẽ gửi phiếu ý kiến của các nhà khoa học, nghiên cứu từ điều đầu tiên đến điều cuối cùng vừa tiếp tục thảo luận trong Quốc hội, vừa tiếp thu ý kiến của nhân dân. Trong kỳ họp tháng 10, bản Dự thảo cuối cùng mới được đưa ra trình lần cuối để thông qua. Do đó, các ĐBQH, cơ quan soạn thảo phải đóng góp ý kiến, tiếp thu, tổng hợp, chắt lọc được trí tuệ của toàn dân để có bản Hiến pháp chất lượng, đúng ý Đảng, Quốc hội, hợp lòng dân, khi đó giá trị của bản Hiến pháp mới cao. 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng