Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chưa sử dụng hiệu quả công cụ phòng vệ thương mại

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Không chỉ bị kiện bán phá giá đối với mặt hàng giày mũ da, xe đạp…, năm 2009 lần đầu tiên Việt Nam còn bị kiện chống trợ cấp đối với sản phẩm túi nhựa từ Mỹ.

KTĐT - Không chỉ bị kiện bán phá giá đối với mặt hàng giày mũ da, xe đạp…, năm 2009 lần đầu tiên Việt Nam còn bị kiện chống trợ cấp đối với sản phẩm túi nhựa từ Mỹ.

Hiểu biết về các biện pháp phòng vệ thương mại không chỉ giúp doanh nghiệp tránh được các vụ kiện khi xuất khẩu mà còn là công cụ hữu ích trong việc bảo vệ sản xuất trong nước.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Danh Vĩnh đã đặc biệt nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc phải trang bị các kiến thức về phòng vệ thương mại, tại hội thảo "Các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa nhập khẩu: Doanh nghiệp Việt Nam cần trang bị những gì?” do Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 28/7.

Từ 1994 đến nay, Việt Nam là đối tượng của 42 vụ tranh chấp thương mại. Trong đó có 35 vụ kiện chống bán phá giá, 6 vụ kiện tự vệ và một vụ kiện chống trợ cấp. EU là đối tác kiện Việt Nam nhiều nhất với 10 vụ, tiếp theo là Ấn Độ 6 vụ, Mỹ 5 vụ…

Không chỉ bị kiện bán phá giá đối với mặt hàng giày mũ da, xe đạp…, năm 2009 lần đầu tiên Việt Nam còn bị kiện chống trợ cấp đối với sản phẩm túi nhựa từ Mỹ. Vụ kiện này đã việc vượt ra ngoài phạm vi ngành sản xuất túi nhựa và không loại trừ nguy cơ trở thành tiền lệ cho các vụ kiện chống trợ cấp trong tương lai (ở Mỹ và các nước khác), nhằm vào các mặt hàng xuất khẩu lớn của Việt Nam.

Một số chuyên gia nước ngoài còn đưa ra cảnh báo, trong năm 2010 có khả năng các mặt hàng như: Đồ gỗ, dệt may, thép và đinh vít của ta sẽ đối mặt với nguy cơ bị kiện tại các thị trường Mỹ, EU. Các mặt hàng khác là hóa chất, sản phẩm cơ khí, nhựa cũng có thể nằm trong diện bị điều tra.

Theo ông Trần Hữu Huỳnh, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nguyên nhân chủ yếu của thực trạng trên là do các doanh nghiệp, hiệp hội vẫn chưa thực sự hiểu về các quy định trong thương mại toàn cầu.

Hiện có đến 66% các doanh nghiệp không hiểu rõ về các nội dung cơ bản của các Hiệp định trong khuôn khổ WTO và gần 50% doanh nghiệp không biết về các cam kết gia nhập WTO của Việt Nam liên quan đến ngành hàng của mình.

Trong khi đó, nếu hiểu về các biện pháp phòng vệ thương mại, các doanh nghiệp, hiệp hội nước ta hoàn toàn có thể khởi kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ để bảo vệ sản xuất trong nước.

Ông Huỳnh phân tích: thứ nhất đó là nhóm công cụ duy nhất nằm trong tay doanh nghiệp. Tiếp đến là khả năng thành công cao do quyền quyết định cuối cùng nằm trong tay cơ quan có thẩm quyền trong nước. Thứ nữa, mức thuế khi được áp dụng sẽ có thời gian khá dài. Điều này sẽ tạo điều kiện cho sản xuất trong nước phát triển.

Trên thực tế, trong quá trình xâm nhập thị trường Việt Nam, nhiều doanh nước ngoài đã áp dụng các hành vi cạnh tranh không lành mạnh như bán phá giá, bán hàng hoá được trợ cấp hoặc lợi dụng thời cơ để “tuồn” hàng vào nước ta. Những điều này đã đang và tiếp tục đe doạ sự tồn tại đối với nhiều ngành hàng. Thậm chí, dẫn đến nguy cơ “thua ngay trên sân nhà” của không ít các doanh nghiệp trong nước.

Về điều này, ông Vũ Bá Phú, Phó cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh cho hay: năm 2008, kính nổi phục vụ xây dựng nhập khẩu từ các nước châu Á ồ ạt vào Việt Nam, đã khiến các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng này điêu đứng. Người lao động bị mất việc làm. Trước thực trạng đó, năm 2009, Bộ Công Thương Việt Nam đã công bố sẽ tiến hành điều tra để áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm kính nổi nhập khẩu.

Mặc dù, quá trình điều tra không chỉ ra được các thiệt hại cụ thể của ngành nên không thể áp dụng các biện pháp tự vệ. “Nhưng ngay từ khi quyết định điều tra được công bố, lượng kính nổi nhập khẩu vào nước ta đã sụt giảm mạnh. Đây cũng chính là một cơ hội tốt cho sản xuất trong nước”, ông Phú nhìn nhận.

Tuy nhiên, để làm được điều này ông Huỳnh cho rằng, doanh nghiệp và hiệp hội  phải có sự gắn kết về lợi ích. Bên cạnh đó, chi phí để khởi kiện và kháng kiện không hề nhỏ. Đơn cử, chi phí kháng kiện đối với vụ kiện chống bán phá giá cá tra, ba sa năm 2000 đã mất đến 500 nghìn USD và chi phí kháng kiện cho mặt hàng tôm năm 2005 là 2 triệu USD.

Mặt khác, hiện các doanh nghiệp, hiệp hội rất thiếu thông tin cụ thể về lượng nhập khẩu, thiệt hại của ngành sản xuất nội địa… từ các cơ quan chức năng để khởi kiện.

“Thiếu thông tin, cộng thêm với việc chưa thành thạo các thủ tục cũng như phương pháp khi tiến hành các biện pháp phòng vệ thương mại… không chỉ  khiến việc khởi kiện mất nhiều thời gian mà còn khó thành công. Do vậy, bản thân các doanh nghiệp và hiệp hội cũng chưa thực sự quan tâm đúng mức đến việc kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trước sự cạnh tranh không lành mạnh của hàng hoá nhập khẩu”, bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) nói.