Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, các đài khí tượng khu vực như Nhật Bản, Hồng Kông… đều nhận định, bão Rammasun là một cơn bão rất mạnh. Khoảng trưa và chiều nay 16/7, bão Rammasun sẽ đi vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 2 trong năm nay với cường độ ở cấp 10 - 11, sau đó tăng lên cấp 12 - 13. Sau khi đi vào Biển Đông, bão sẽ di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, đổ bộ vào đảo Hải Nam và Lôi Châu (Trung Quốc).
Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão .
|
Ô
ng Hoàng Đức Cường - Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư cho biết, do ảnh hưởng của bão số 2, từ ngày 17/7, các tỉnh miền núi phía Bắc sẽ bắt đầu có mưa nhỏ. Từ ngày 20/7, khi bão đổ bộ và ảnh hưởng trực tiếp thì diện mưa sẽ mở rộng ra vùng Đồng bằng Bắc Bộ, trong đó có Thủ đô Hà Nội. Mưa lớn tập trung trong 3 ngày, từ 20 - 23/7 với lượng mưa vào khoảng 200 - 300mm, một số vùng giáp ranh ở miền núi có thể lên tới 250 - 350mm.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, biến đổi khí hậu đã làm chênh lệch nhiệt độ trên biển, hình thành những cơn bão nhanh và mạnh hơn. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ TN&MT sớm có phương án phân vùng bão, trên cơ sở này sẽ có phương án đối phó bão cụ thể cho từng vùng. Các phương án phòng tránh bão của chúng ta trước đây không còn phù hợp với các trận siêu bão nên phải có phương án riêng phòng chống siêu bão.
Phó Thủ tướng cũng nhận định, nhiều khả năng Rammasun sẽ là cơn bão đầu tiên trong năm 2014 ảnh hưởng đến Việt Nam, trong khi vào Vịnh Bắc bộ, bão vẫn đạt cấp 9 - 10 gây nguy hiểm cho tàu thuyền và các tỉnh ven biển. Do đó, các địa phương phải rà soát phương án PCLB của địa phương, kiện toàn nhân sự, kiểm điểm cơ chế "4 tại chỗ". Bên cạnh đó, kêu gọi người dân chằng chống nhà cửa ngay từ đầu mùa mưa bão, rà soát dân cư các khu vực có nguy cơ đe dọa như khu vực sạt lở, lũ quét, hồ chứa.
Đặc biệt, hiện nay quanh khu vực quần đảo Hoàng Sa đang có 79 tàu cá của ngư dân đang hoạt động. Phó Thủ tướng đề nghị Bộ đội Biên phòng và Ban Chỉ đạo PCLB T.Ư kêu gọi, thông báo cho các tàu biết, di chuyển về phía Nam hoặc đi vào bờ tránh bão; Bộ Quốc phòng phối hợp với Bộ NN&PTNT bố trí ứng phó bão, đảm bảo an toàn cho hai lực lượng tàu cảnh sát biển và kiểm ngư.
Ngay tối 15/7, Ban Chỉ đạo PCLB T.Ư đã có công điện khẩn đề nghị Ban Chỉ huy PCLB các bộ, ngành, các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ và các tỉnh, TP ven biển từ Quảng Ninh đến Phú Yên triển khai các giải pháp ứng phó với bão Rammasun. Trong đó tiếp tục thông báo, hướng dẫn các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động vào nơi trú, tránh hoặc thoát khỏi vùng nguy hiểm. Khu vực nguy hiểm trong 24 giờ tới được xác định là Bắc Vĩ tuyến 13. Tùy theo diễn biến của bão, các tỉnh chủ động xác định thời điểm cấm tàu thuyền hoạt động trên biển bao gồm tàu hải sản, du lịch, vận tải, đặc biệt là các tàu nhỏ ven bờ. Song song với đó tổ chức neo đậu an toàn, kiểm tra và có phương án bảo vệ an toàn người dân sinh sống ven sông, biển, lồng bè nuôi trồng thủy sản...
Đối với các tỉnh miền núi phía Bắc, chuẩn bị tốt phương án sơ tán dân ở những khu vực nguy hiểm có nguy cơ sạt lở, lũ quét và triển khai phương án đảm bảo an toàn hồ chứa, nhất là với các hồ có nguy cơ mất an toàn. Đồng thời chuẩn bị lực lượng hướng dẫn giao thông tại khu vực ngầm, hầm, đò ngang, đò dọc, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện. Các tỉnh Bắc Bộ chủ động cắt tỉa cành cây, có biện pháp tiêu úng cho lúa mới cấy và phòng chống úng ngập, nhất là khu vực đô thị như Thủ đô Hà Nội.