Công cụ đánh giá hữu hiệu hơn
Nghị quyết T.Ư 4 (Khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã được ban hành và quán triệt, triển khai sâu rộng trong cả nước, trong đó đã thẳng thắn chỉ ra rất rõ những biểu hiện "suy thoái", "tự chuyển hóa". Ông đánh giá thế nào về Nghị quyết lần này?
- Trong tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” viết nhân dịp 39 năm ngày Đảng ta ra đời (3/2/1969), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Còn có một số ít cán bộ, đảng viên mà đạo đức, phẩm chất còn rất kém”. Hội nghị T.Ư 6 (lần 2, Khóa VIII), Đảng cũng chỉ rõ “một bộ phận suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức” và đến Nghị quyết T.Ư 4 (Khóa XI), con số này đã trở thành “một bộ phận không nhỏ”. Điều đó cho thấy sự thẳng thắn, không né tránh khuyết điểm của Đảng trong từng giai đoạn, để từ đó có những giải pháp khắc phục. Nghị quyết này tiếp nối Nghị quyết T.Ư 4 (Khóa XI) và đi vào chiều sâu hơn.
Nói lại về Nghị quyết T.Ư 4 (Khóa XI), không thể phủ nhận đây là Nghị quyết xây dựng, chỉnh đốn Đảng sâu sắc, toàn diện, giúp cán bộ, đảng viên tự soi, tự sửa, góp phần răn đe, cảnh cáo, ngăn chặn suy thoái. Kết quả này thể hiện rõ qua thành công của Đại hội XII của Đảng và bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021, được dư luận trong nước, quốc tế đánh giá rất cao. Nếu chúng ta không đồng thuận, không vững vàng thì làm sao đạt được điều đó. Nghị quyết còn làm chuyển động cả hệ thống chính trị, góp phần giữ vững an ninh chính trị, ổn định xã hội, kinh tế vẫn tăng trưởng. Phải có những đánh giá tổng thể, toàn diện như thế mới thấy được thành công của Nghị quyết chứ. Đúng như dư luận, như nhiều ý kiến đánh giá, tiếc rằng chúng ta vẫn chưa chỉ ra được “một bộ phận không nhỏ” là ai, chưa có chế tài đủ mạnh bắt người ta uống thuốc khi đã rõ bệnh, dẫn đến tình trạng hòa cả làng.
Vậy, những điểm “ưu việt” hơn trong Nghị quyết T.Ư 4 lần này, theo ông là gì?
- Cái mới của lần này như lời của Tổng Bí thư là T.Ư đã thẳng thắn chỉ ra một cách có hệ thống những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống, “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa”. Nhận diện đúng là để suy ngẫm và hành động. Không phải để bi quan hay nhụt chí, mà là để sẵn sàng cho một cuộc chiến đấu mới rất quyết liệt trong thời gian tới, vì sự trong sạch, vững mạnh của Đảng.
Nghị quyết T.Ư 4 (Khóa XII) lần đầu tiên đã chỉ ra 27 biểu hiện: 9 biểu hiện cụ thể suy thoái về tư tưởng chính trị, 9 biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống và 9 biểu hiện về “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Rõ ràng, cụ thể như cái thước đo để mỗi cán bộ, đảng viên xem mình có biểu hiện nào, đến mức độ nào; đồng thời căn cứ vào đấy để phê bình đồng chí khác; rồi giúp các tổ chức trong công tác đánh giá, xếp loại và xử lý đảng viên. Đây là công cụ không thể hữu hiệu hơn để xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong sạch nội bộ.
Đã đủ những yếu tố cần thiết
Chờ đợi, hy vọng, đó là tâm trạng chung của cán bộ, đảng viên và Nhân dân khi vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng tiếp tục được coi trọng. Cá nhân ông mong mỏi điều gì để Nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống?
- Tôi cho rằng, có 6 chữ trong Nghị quyết lần này phải hết sức chú ý là: Kiên quyết, kiên trì, quyết liệt. Nói như Tổng Bí thư, đây là việc khó, bởi nếu đánh giặc ngoại xâm thì kẻ thù sẽ rõ, còn đây là giặc nội xâm trong chính nội bộ chúng ta. Khó thế nhưng vẫn phải làm và không có nghĩa không làm được. Trong đó, công tác cán bộ cần thực hiện quyết liệt hơn, không thể để hậu duệ, quan hệ, tiền tệ, rồi cả đồ đệ đứng trên trí tuệ được.
Hội đồng kỷ luật UBND quận Cầu Giấy công bố kết luận cách chức bà Tạ Thị Bích Ngọc - Hiệu trưởng trường Tiểu học Nam Trung Yên, quận Cầu Giấy. Ảnh: Lê Văn |
Tôi rất tâm đắc với bài viết “Gánh nặng trách nhiệm trước lịch sử và tương lai” của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tháng 8/2016, trong đó chỉ rõ: “Chưa bao giờ trong lịch sử hơn 70 năm Nhà nước ta, Nhà nước “của dân, do dân và vì dân” lại xuất hiện những biểu hiện tiêu cực như hiện nay: “tư bản thân hữu”, “lợi ích nhóm”, “sân sau của gia đình”; xuất hiện sự cấu kết quyền lực với lợi ích kinh tế, lèo lái chính sách, dàn dựng để tạo ra các cú “áp - phe” lớn mang lại lợi ích “khủng” cho một số cá nhân và phe nhóm..., gây thiệt hại khôn lường cho ngân sách Nhà nước, làm chao đảo nền kinh tế. Các vụ án tham nhũng lớn, đặc biệt nghiêm trọng được đem ra xét xử hay chưa xét xử, thấy thấp thoáng “bóng dáng” của những cán bộ nắm giữ vị trí quản lý, thậm chí cả cán bộ quản lý ở cấp cao”. Thế là quá thẳng thắn còn gì nữa. Sở dĩ Nghị quyết T.Ư 4 (Khóa XI) đạt hiệu quả không cao do chưa hội tụ đầy đủ những yếu tố cần thiết. Nhưng như lời nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Đại hội Đảng lần thứ XII đã chứng tỏ còn là một Đại hội ghi dấu ấn đặc biệt quan trọng trong tập trung thống nhất về quyền lực của lãnh đạo cấp cao của toàn Đảng - tạo thêm những điều kiện cần và đủ để Ban lãnh đạo mới có thể chỉ đạo làm đến cùng và rốt ráo những việc nguy cấp, nổi cộm mà ở những giai đoạn trước không làm nổi. Cũng vì thế mà từ Đại hội Đảng lần này đang dấy lên sự hy vọng trong toàn Đảng, toàn dân về sự trở lại của niềm tin của Dân với Đảng, với sự nghiệp bảo vệ và phát triển đất nước.
Dư luận đang rất quan tâm đến kết luận của Ủy ban Kiểm tra T.Ư về sai phạm của cán bộ trong vụ Formosa. Theo ông, đây có phải là một hành động thiết thực để cụ thể hóa Nghị quyết T.Ư 4 (Khóa XII)?
- Không chỉ có vụ Formosa, mà trước đó là vụ Trịnh Xuân Thanh với nhiều cá nhân liên quan đã và đang bị xử lý. Đây chính là một dạng lợi ích nhóm mà chúng ta chỉ rõ, làm rõ theo đúng tinh thần Nghị quyết T.Ư 4, không còn trách nhiệm chung chung, không bắn chỉ thiên nữa. Mới đây, Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã kết luận các sai phạm của tập thể và cá nhân liên quan đến sự cố môi trường biển Formosa là “nghiêm trọng, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật”, trong đó có ông Nguyễn Minh Quang - nguyên Bộ trưởng Bộ TN&MT và ông Võ Kim Cự - Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh.
Kết luận của Ủy ban Kiểm tra T.Ư đang tạo thêm niềm tin cho người dân vào sự lãnh đạo của Đảng và việc triển khai Nghị quyết T.Ư 4 (Khóa XII), siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng đang được thực hiện hết sức nghiêm túc. Đến nay vẫn chưa có kết luận cuối cùng và đưa ra hình thức, mức độ xử lý. Còn tiếp tục củng cố hồ sơ chứng cứ, nếu vi phạm hình sự thì xử lý hình sự, nếu vi phạm hành chính thì xử lý hành chính. Tôi hy vọng rằng từ kết luận của Ủy ban Kiểm tra T.Ư Đảng, những tập thể và cá nhân ở T.Ư và địa phương liên quan cần phải bị xử lý nghiêm minh để củng cố niềm tin với Đảng. Tôi hoàn toàn tin tưởng Bộ Chính trị, Ban Bí thư sẽ nghiêm túc, kiên quyết chỉ đạo xử lý người vi phạm theo đúng pháp luật và quy định hành chính, không bao giờ bảo vệ kẻ tha hóa để mất niềm tin của Nhân dân. Những đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đều đã khẳng định không có vùng cấm trong xử lý vi phạm và Nhân dân mong rằng dứt khoát không để vùng cấm nào diễn ra, người giữ chức vụ càng cao thì kỷ luật càng phải nghiêm hơn.
Xin trân trọng cảm ơn ông!