Khối ngoại bán ròng phiên thứ 16 liên tiếp
Do chịu ảnh hưởng bởi tin đồn liên quan đến Chủ tịch Sacombank Dương Công Minh, cổ phiếu ngành ngân hàng theo đà của STB cũng giảm mạnh trong phiên sáng. Tuy nhiên, sau khi tin đồn bị Sacombank phủ nhận, dòng tiền ùn ùn chảy vào thị trường, chỉ số VN-Index lại đi lên và kết phiên tăng 5,52 điểm, tương đương 0,43%, lên 1.287,04 điểm.
Nhóm ngân hàng đa phần chỉ giảm nhẹ BID, HDB, VPB, VCB, VIB, SSB, SHB, ACB, MBB... đều giảm dưới 1%. Riêng STB giảm 3,82%, xuống 30.200 đồng/cp, khớp lệnh ghi nhận phiên cao nhất lịch sử với hơn 105 triệu đơn vị. Khối ngoại cũng mua bán sôi động khi mua vào hơn 5,56 triệu đơn vị và bán ra gần 15 triệu đơn vị.
Dầu khí cũng dậy sóng trong bối cảnh giá dầu đi lên và những tín hiệu tích cực trong việc triển khai các dự án dầu khí lớn. Theo đó, trên cả 3 sàn, PVS tăng tới hơn 7%, PVD tăng hơn 6%, PVB tăng hơn 5%, PVC tăng 4% trong khi GAS và BSR đều tăng trên 2%.
Nhóm chứng khoán bao phủ bởi sắc xanh: VIX tăng 1,95%, FTS tăng 1,44%, CTS tăng 2,6%, VDS tăng 3,11%.
Bất động sản cũng không kém cạnh khi BCM tăng 1,71%, KBC tăng 3,2%, NLG tăng 1,48%, DXG tăng 2,97%, BCG tăng 2,93%, DXS tăng 1,92%...
Nhóm sản xuất biến động khả quan, trong đó HPG tăng 1%, MSN tăng 1,5%, HSG tăng 2,33%, BMP tăng 3,12%, NKG tăng 1,55%, PTB tăng 1,25%...
Cổ phiếu bán lẻ, MWG, PNJ và FRT biến động trong biên độ hẹp nhưng DGW lại tăng tới 2,59%.
Cổ phiếu hàng không đồng loạt tăng, VJC tăng 0,29% và HVN 1,74% giá trị.
Khối ngoại hôm nay tiếp tục bán ròng hơn 700 tỷ đồng. Đây là phiên bán ròng thứ 16 liên tiếp của khối này, tập trung vào STB (-283 tỷ đồng), VCI (-224 tỷ đồng), SSI (-156 tỷ đồng)... ở chiều ngược lại, khối này mua ròng TCB (188 tỷ đồng), DXG (58 tỷ đồng), HSG (52 tỷ đồng)... Thanh khoản toàn thị trường hôm nay đạt hơn 31 nghìn tỷ đồng.
Giá cao su cao kỷ lục, cổ phiếu cao su cũng theo đà "tím lịm"
Cổ phiếu cao su tăng trần trong phiên hôm nay được cho là do giá cao su trên thế giới tăng mạnh, chạm mức cao kỷ lục trong hàng thập kỷ và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Trong đó, đáng chú ý nhất là Cao su Việt Nam GVR. Theo đó, cổ phiếu GVR từ mức tăng chỉ hơn 2% cuối phiên sáng đã đóng cửa tăng vọt 7% lên mức giá trần là 35.250 đồng, khớp lệnh hơn 10,1 triệu đơn vị và là cổ phiếu đóng góp lớn nhất cho VN-Index với gần 2,5 điểm tích cực. Cao su Đà Nẵng DRC và Cao su Miền Nam CSM cũng theo đà tăng trần. Tính từ đầu năm, cổ phiếu GVR đã tăng gần 70% thị giá, nâng vốn hóa lên 141 nghìn tỷ đồng.
Ngày 29/3 vừa qua, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (Mã GVR - HoSE) đã tổ chức đại hội cổ đông bất thường lần 1 năm 2024 thông qua kế hoạch doanh thu gần 25.000 tỷ đồng trong bối cảnh giá cao su đang phục hồi. Doanh nghiệp kỳ vọng lợi nhuận sau thuế đạt 3.437 tỷ đồng.
Phó Tổng Giám đốc GVR Trần Thanh Phụng thông tin, trong quý I/2024, GVR tiêu thụ 101.000 tấn cao su với giá bán bình quân 36,7 triệu đồng/tấn - cao hơn cùng kỳ năm trước 4,1 triệu đồng/tấn. Theo ông Phụng, đây là mức giá tốt nhưng bất thường, chịu tác động kép bởi đang trong mùa thấp điểm và giá dầu tăng cao quanh mức 85-86 USD/thùng.
Ông Phụng dự báo mức giá cao hiện nay sẽ duy trì ít nhất đến tháng 5 hoặc tháng 6 năm nay, thời điểm mùa mủ mới dẫn đến nguồn cung tăng trở lại cộng với việc tỷ giá USD tăng. Mặt khác, do suy thoái kinh tế toàn cầu và nguồn cung giảm nên mặt bằng giá được duy trì ở mức tốt. Lãnh đạo GVR dự báo, sức giá bình quân năm 2024 vẫn sẽ cao hơn 2023 tầm 2-3 triệu đồng/tấn, tương ứng 34-35 triệu đồng/tấn.