Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chứng khoán 2020: Những kỳ vọng mới

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2020, dù thị trường chứng khoán Việt vẫn chịu nhiều rủi ro do những ảnh hưởng của tình hình kinh tế, chính trị thế giới, tuy nhiên việc kinh tế vĩ mô trong nước tăng trưởng ổn định là điểm cộng lạc quan cho thị trường.

Khách hàng giao dịch tại sàn giao dịch BVSC Hà Nội. Ảnh: Trần Việt
Dòng vốn ngoại đổ vào thương vụ lớn
Theo ông Trần Văn Dũng - Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Việt Nam, năm 2019, thị trường chứng khoán Việt Nam có những bước phát triển khá tốt. Chỉ số VN-Index tăng trên 7,9%, quy mô thị trường tăng trên 10%, thanh khoản trên thị trường trái phiếu tăng. Các nhà đầu tư ngoại vẫn mua ròng hơn 13.000 tỷ đồng trên thị trường trái phiếu, dòng vốn nhà đầu tư nước ngoài vẫn vào ròng trong khi các nước xung quanh hầu hết bị rút vốn.
Với việc kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ, thị trường chứng khoán Việt Nam 2020 sẽ tiếp tục phát triển cả về quy mô và chất lượng.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng
Năm 2019, dòng vốn đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam có sự dịch chuyển tập trung thông qua các thương vụ mua cổ phần lớn. Tiêu biểu như Tập đoàn Bảo Việt phát hành thành công hơn 41 triệu cổ phần cho nhà đầu tư Sumitomo Life, thu về hơn 173 triệu USD; KEB Hana Bank của Hàn Quốc mua 15% cổ phần BID trị giá khoảng 882 triệu USD; Vietcombank cũng hoàn tất việc bán liên doanh bảo hiểm VCLI cho Tập đoàn FWD Sumitomo Life mua 41 triệu cổ phần BVH trị giá 173 triệu USD...
Năm 2019 cũng đánh dấu điểm sáng nổi bật của thị trường chứng khoán Việt Nam, đó là Luật Chứng khoán sửa đổi chính thức được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV. Với nhiều điểm mới được sửa đổi, bổ sung, Luật Chứng khoán mới sẽ có hiệu lực vào ngày 1/1/2021. Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng tin tưởng, Luật Chứng khoán mới khi đi vào thực thi sẽ giúp cải thiện chất lượng hàng hóa, nâng cao năng lực, chất lượng tham gia thị trường chứng khoán đảm bảo thị trường hoạt động an toàn, hiệu quả bền vững.
Rủi ro bên ngoài, lạc quan bên trong
Nhận định về thị trường năm 2020, các chuyên gia phân tích đánh giá, trong bối cảnh tình hình kinh tế - chính trị thế giới còn nhiều biến động với mối quan hệ giữa các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, Iran… và chính sách của các định chế tài chính như FED, thị trường chứng khoán Việt cũng không tránh khỏi ảnh hưởng. “Rủi ro lớn nhất với chứng khoán Việt năm nay vẫn đến từ diễn biến địa chính trị và bức tranh thương mại toàn cầu, hơn là các vấn đề nội tại trong nước”- chuyên gia Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, năm 2020, chứng khoán Việt vẫn có nhiều tín hiệu lạc quan. Kinh tế vĩ mô tăng trưởng, ổn định là nền tảng cơ bản để thị trường chứng khoán phát triển. Báo cáo của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo, quy mô và điểm số của thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục tăng trong năm 2020, tốc độ tăng có thể chậm lại so với năm 2019 nhưng sự tăng trưởng mang tính phân hóa và chọn lọc hơn.
Ngoài ra, sự kiên trì của Chính phủ trong việc thực hiện các quyết sách nhằm ổn định vĩ mô và hỗ trợ các thành phần kinh tế trong nước phát triển sẽ có lợi trong dài hạn cho Việt Nam nói chung, các DN nói riêng. Dự báo tăng trưởng lợi nhuận của các DN niêm yết sẽ phục hồi về mức hai chữ số sau năm 2019 gần như đi ngang.
Về xu hướng đầu tư, các chuyên gia Công ty Chứng khoán Rồng Việt đưa ra lời khuyên, năm 2020 sẽ tiếp tục là một năm đề cao chiến lược đầu tư chọn lọc từ dưới lên. Các công ty có hoạt động kinh doanh gắn liền với tăng trưởng từ tiêu dùng trong nước và đầu tư cơ sở hạ tầng là những công ty mà các nhà đầu tư có thể xem xét. Bên cạnh đó, một số cổ phiếu lợi tức cổ tức cao sẽ phù hợp cho các nhà đầu tư e ngại rủi ro. Ngoài ra, một số cổ phiếu dòng ngân hàng và bất động sản khu công nghiệp cũng được các nhà đầu tư đặt cược để đầu tư trong năm 2020.