Theo VinaCapital Vietnam Opportunity Fund (VOF), tuy xuất hiện đà bán tháo trên thị trường, nhất là từ khối ngoại, nhưng thị trường Việt Nam không chịu cảnh rút vốn nặng nề như các thị trường khác trong khu vực. Dựa trên lịch sử các đợt dịch bệnh và phản ứng của TTCK, các chuyên gia cũng cho rằng, đối với các NĐT đang nắm nhiều CP, chiến lược lúc này cần hạ đòn bẩy, nhưng không bán hoảng loạn bằng mọi giá. Thị trường sẽ có thêm những phiên rung lắc mạnh "TTCK Mỹ và nhiều nơi khác phải sử dụng công cụ ngắt mạch, tạm ngưng giao dịch để tránh thị trường rơi quá đà, do sự hoảng loạn của NĐT. So với thế giới, đà giảm của TTCK Việt Nam còn khiêm tốn vì biên độ giá trong phiên tại sàn giao dịch TP Hồ Chí Minh khống chế mức 7%. Theo dự đoán, cho đến trước khi các nước lớn trên thế giới kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, thị trường sẽ có thêm các phiên rung lắc mạnh. Rủi ro giảm điểm vẫn đang hiện hữu khi tâm lý NĐT vẫn tương đối thận trọng sau nhiều phiên giảm sâu của thị trường. Vùng 700 - 740 sẽ đóng vai trò là ngưỡng hỗ trợ trong ngắn hạn" - Công ty Chứng khoán Bảo Việt - BVS Nhà đầu tư nên xây dựng mục tiêu dài hạn "Hiện TTCK vẫn đang trong tâm điểm chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên đáy chưa hình thành. Với dự báo tăng trưởng kinh tế giảm và tác động tiêu cực từ dịch bệnh chưa thể tính toán đầy đủ, sự trầm lắng của quý I có thể kéo dài sang quý II. Thậm chí, điều này có thể ảnh hưởng đến thị trường trong cả nửa cuối năm, nếu như không có những diễn biến mới giúp thay đổi cục diện kinh tế và TTCK. Vậy nên, để giảm thiểu rủi ro khi mua vào lúc này, điều các NĐT nên làm là xây dựng cho mình một mục tiêu dài hạn" - TS Nguyễn Trí Hiếu Vẫn có nhiều tín hiệu tốt cho kinh tế Việt Nam "Việt Nam đã kết thúc năm 2019 ở một nấc thang mới, với quỹ dự trữ ngoại tệ cao kỷ lục. Bên cạnh đó, các yếu tố trung hạn cho Việt Nam vẫn tốt, khi tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài, trở thành một phần của chiến lược đa dạng hóa sản xuất. Các nhà máy sản xuất tại Hàn Quốc đã dời đến Việt Nam nhiều hơn, đồng thời công bố kế hoạch đầu tư thêm các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D), là dấu hiệu tích cực cho lĩnh vực công nghệ của Việt Nam. Một tín hiệu tích cực đối với các DN ngành dệt may đó là các thị trường có mối liên thông quan trọng với Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc… đang mở cửa trở lại, điều này giúp các DN sớm giải quyết được vấn đề nguyên phụ liệu cũng như xuất nhập khẩu hàng hóa, vốn bị đóng cửa trong thời gian qua" - Công ty Chứng khoán VN Direct Cơ hội cho nhà đầu tư dài hạn "Với các NĐT dài hạn, đây có thể là cơ hội tốt khi giá CP đã giảm mạnh, xoay quanh giá trị thực, có thể xem xét giải ngân tỷ trọng nhỏ (20 - 30% giá trị danh mục đầu tư dài hạn) khi thị trường về sát vùng hỗ trợ 700 điểm. Ưu tiên các DN thuộc các ngành ít bị tác động của dịch Covid-19 như ngành công nghệ, tiêu dùng thiết yếu (lương thực, thực phẩm), ngành phân bón (hưởng lợi từ giá dầu giảm mạnh giúp tiết giảm chi phí đầu vào) hoặc các nhóm ngành xuất khẩu mà Việt Nam tự chủ được nguồn cung nguyên liệu và được kỳ vọng phục hồi mạnh khi dịch Covid-19 qua đi như ngành thủy sản (xuất khẩu tôm, cá tra)" - Trưởng Khoa Đầu tư, Đại học Kinh tế Quốc dân, PGS.TS Phạm Văn Hùng Thảo Nguyên (ghi) |
Chứng khoán chao đảo mạnh trong cơn bão Covid-19
Kinhtedothi - Cùng với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, thị trường chứng khoán (TTCK) trong nước và thế giới đang trong tâm điểm chịu ảnh hưởng.
Chỉ số VN-Index giảm mạnh từ vùng 891 điểm xuống dưới 750 điểm. Trong tuần, VN-Index liên tục phá các mốc hỗ trợ 800 điểm, 750 điểm. Dù đến giữa tuần dòng tiền đã nhập cuộc, nhưng thị trường mới chỉ tăng rất nhẹ. Trong khi chứng khoán thế giới liên tục chao đảo.
“Tây, ta” đều giảm mạnh
Nhà đầu tư (NĐT) đang phải đối mặt với giai đoạn khó khăn nhất trong nhiều năm trở lại đây trước tốc độ giảm giá chóng mặt của các cổ phiếu. Chỉ trong 4 phiên giao dịch, chỉ số VN-Index đã mất 122,19 điểm, tương đương mức giảm 13,7%. Quy mô vốn hóa của sàn HOSE theo đó giảm 417.500 tỷ đồng, tương đương gần 18 tỷ USD.
Ngoài nguyên nhân chính là ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, thị trường đã nhận nhiều thông tin tiêu cực như lo ngại kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái, giá dầu thô Mỹ giảm tới 15,5% xuống còn gần 20 USD/thùng, mức thấp nhất trong vòng 18 năm qua. Giá dầu hiện rẻ hơn thời điểm khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008. Giá dầu liên tục giảm mạnh phần nào tác động tiêu cực lên các cổ phiếu (CP) nhóm dầu khí. Các bluechip trong ngành như GAS, PVS, PVD, PVB, PVC vì thế cũng không thể tránh khỏi đà lao dốc. Các mã chứng khoán hàng không bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi hàng loạt chuyến bay bị tuyên bố hủy bỏ trước việc hạn chế du lịch toàn cầu…
Chị Nguyễn Thu Hà, một NĐT trên TTCK lâu năm cho biết, chỉ trong một tuần giao dịch, tài khoản của chị đã bay hơn 50% do “ôm” CP dòng dầu khí và bluechips. Chuyên gia chứng khoán Nguyễn Việt Quang nhìn nhận, diễn biến phức tạp của dịch Covid -19 đã tác động lớn đến tâm lý NĐT Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung.
Trước sự lan rộng của dịch Covid - 19, Philippines trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới đóng cửa TTCK. TTCK Philippines đã giảm tới 30%, mức sụt giảm lớn nhất kể từ tháng 10/2008. Trong khi đó, TTCK Mỹ quay đầu giảm mạnh vào ngày thứ Hai (16/3) - với Dow Jones chứng kiến phiên giảm mạnh nhất sụt gần 3.000 điểm, đánh dấu phiên tồi tệ nhất kể từ vụ sụp đổ thị trường “Ngày thứ Hai đen tối” năm 1987. Vào các phiên 9/3 và 12/3 vừa qua, TTCK Mỹ cũng đã phải tạm dừng giao dịch cho các NĐT có thể bình tâm trở lại.
Theo quy định, nếu S&P 500 giảm quá 7% so với mức đóng cửa phiên trước, toàn TTCK Mỹ sẽ tạm ngừng giao dịch trong vòng 15 phút. Bất chấp việc Chính phủ Mỹ xem xét gói cứu trợ kinh tế 1.000 tỷ USD, giá CP tại Mỹ lao dốc không phanh. Tổng thống Donald Trump đã phải lên tiếng trấn an thị trường. Các TTCK lớn ở châu Á cũng ghi nhận sụt giảm mạnh. Chỉ số Kospi (Hàn Quốc) giảm 13% (về 1,771.95 điểm), STI của Singapore giảm hơn 11% (về 2,634 điểm). Ở Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 giảm gần 16% (về 17,431.05 điểm).
Nhìn lại giai đoạn năm 2003, bối cảnh kinh tế toàn cầu vừa hồi phục từ khủng hoảng tại Mỹ cuối năm 2000 và khủng hoảng châu Á cuối những thập niên 90, tác động của dịch SARS tương đối rõ nét đến tăng trưởng kinh tế.
Ở thời điểm hiện tại, mặc dù chưa có cơ sở để đánh giá chi tiết, các công ty chứng khoán cho rằng, dịch Covid-19 sẽ có tác động lớn hơn nhiều khi mà kinh tế toàn cầu trước đó đã cho thấy các dấu hiệu suy yếu, trong khi chu kỳ kinh tế đã trải qua giai đoạn tăng trưởng kéo dài hơn 10 năm kể từ cuộc khủng hoảng gần nhất.
Đối với kinh tế Việt Nam, mức độ hòa nhập và độ mở kinh tế có sự khác biệt hoàn toàn so với giai đoạn dịch SARS. Tác động của dịch Covid-19 đến biến động TTCK Việt Nam chắc chắn sẽ lớn hơn nhiều, do không chỉ gây ra các ảnh hưởng lớn hơn đến tăng trưởng kinh tế trong nước, tăng trưởng lợi nhuận các DN niêm yết, mà còn tác động đến các kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn DN nhà nước, tăng vốn ngân hàng quốc doanh của Chính phủ.
Khối ngoại bán ròng kỷ lục
Sau 5 phiên giảm liên tiếp, VN Index đã đảo chiều hồi phục nhẹ. Tuy nhiên, khối ngoại vẫn là yếu tố gây cản trở thị trường khi tiếp tục đẩy mạnh bán ròng. Kể từ sau Tết Nguyên đán, khối ngoại đã bán ròng trọn cả 7 tuần giao dịch trên sàn HOSE với giá trị tổng cộng 5.757 tỷ đồng. Trong tháng 2, khối ngoại bán ròng lên tới 2.802,5 tỷ đồng, mức bán kỷ lục trong 1 tháng kể từ năm 2010 tới nay.
Ngay cả phiên 18/3, khi VN Index tăng điểm, khối ngoại tiếp tục đẩy mạnh bán ròng, lên tới gần 700 tỷ đồng. Xu hướng rút ròng của NĐT nước ngoài là 1 trong những nguyên nhân chính khiến các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam lao dốc mạnh trong bối cảnh dòng tiền trong nước tham gia khá dè dặt. Theo VinaCapital Vietnam Opportunity Fund (VOF), tuy xuất hiện đà bán tháo trên thị trường, nhất là từ khối ngoại, nhưng thị trường Việt Nam không chịu cảnh rút vốn nặng nề như các thị trường khác trong khu vực.
Báo cáo "Đánh giá động thái bán ròng của khối ngoại dưới tác động của Covid - 19" của Công ty CP Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho thấy, từ đầu năm đến nay, khối ngoại đã bán ròng ở hầu hết các thị trường mới nổi trong khu vực bao gồm Việt Nam (138 triệu USD), Philippines (434 triệu USD), Thái Lan (2,24 tỷ USD), Malaysia (1,1 tỷ USD)…
Dòng vốn ETFs tại Việt Nam vẫn đón nhận những điểm sáng với sự xuất hiện của nhiều quỹ mới. Ngày 18/3, quỹ SSIAM VNFin Lead ETF chính thức niêm yết trên HOSE. Trong giai đoạn IPO, SSIAM VNFin Lead ETF đã huy động được 262 tỷ đồng, quy mô ban đầu dự kiến 25 - 30 triệu USD.
Không những vậy, SSIAM cũng cho biết có ý định thành lập thêm quỹ SSIAM VN30 ETF ngay trong năm nay. Ngoài ra, VFM cũng đã được cấp giấy chứng nhận chào bán chứng chỉ quỹ VFMVN Diamond ETF với quy mô tối thiểu 50 tỷ đồng. Việc có nhiều quỹ ETFs mới xuất hiện sẽ là yếu tố hỗ trợ thị trường trong bối cảnh thị trường ảm đạm như lúc này.
Nỗ lực bình ổn thị trường
Đầu tuần qua, khi thị trường giảm điểm mạnh nhiều lãnh đạo DN đã đăng ký mua lượng lớn CP để trợ lực cho sức cầu và tăng tỷ lệ sở hữu. Bên cạnh đó, một số DN cũng đăng ký mua CP quỹ. Cụ thể, con trai Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát, đăng ký mua 20 triệu cổ phiếu DN theo phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận từ 17/3 đến 16/4. Tập đoàn PAN dự tính mua lại tối đa 21,6 triệu CP, tương đương giá trị thị trường gần 370 tỷ đồng sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận hồ sơ.
TPBank trong tuần qua cũng đăng ký mua lại tối đa 10 triệu CP làm CP quỹ. Hiện số CP quỹ của TPBank là 30 triệu. Thời gian giao dịch dự kiến từ 20/3 đến 18/4. Tại Công ty CP Nhựa An Phát Xanh (AAA), Phó Tổng Giám đốc công ty này vừa đăng ký mua vào 5 triệu CP từ 18/3 đến 16/4 với mục đích đầu tư tài chính dài hạn. Công ty TNHH Masan Consumer Holdings đăng ký mua 1,3 triệu CP của Công ty CP Hàng tiêu dùng Masan (MCH)…
Trên thị trường hiện nay, nhiều công ty chứng khoán đã mạnh dạn loại bỏ chi phí giao dịch, cũng như hạ lãi suất vay margin xuống mức thấp để hỗ trợ NĐT trong thời điểm khó khăn. Giảm chi phí cũng là một trong những ưu tiên hàng đầu mà Bộ Tài chính xem xét để hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với NĐT tại thời điểm này.
Trước mắt, 4 loại giá dịch vụ giao dịch chứng khoán phái sinh tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam sẽ được điều chỉnh giảm. Các loại giá dịch vụ khác trên thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ tiếp tục xem xét và xin ý kiến Bộ Tài chính chỉ đạo thực hiện khi cần thiết, nhằm hỗ trợ kịp thời nhất cho NĐT và thị trường.
Diễn biến của TTCK quốc tế cũng như Việt Nam trong những phiên giao dịch từ cuối tháng 1/2020 đến nay đã làm đảo lộn mọi dự báo trước đó về triển vọng TTCK trong năm 2020. Theo phân tích của các chuyên gia, ở thời điểm hiện nay, các NĐT có thể trông đợi vào làn sóng kích thích kinh tế, hạ lãi suất tại hàng loạt quốc gia.
Ở Việt Nam, đó là tích cực giải ngân đầu tư công và hạ lãi suất cho vay. Dịch bệnh sẽ là một động lực rất lớn để gia tăng quyết tâm tái cơ cấu, từ đó mang lại sức bật mạnh cho kinh tế Việt Nam cả ngắn hạn cũng như dài hạn. Thêm vào đó là chờ kết quả xếp hạng thị trường, với một khả năng nhất định Việt Nam được FTSE cân nhắc nâng hạng. Dù khả năng này vẫn còn yếu tố xem xét, nhưng những nỗ lực vừa qua của Việt Nam chắc chắn sẽ được ghi nhận, từ đó mang lại tâm lý tích cực cho thị trường.
Dựa trên lịch sử các đợt dịch bệnh và phản ứng của TTCK, các chuyên gia cũng cho rằng, đối với các NĐT đang nắm nhiều CP, chiến lược lúc này cần hạ đòn bẩy, nhưng không bán hoảng loạn bằng mọi giá. Đồng thời, giảm tỷ trọng các CP trong các ngành có thể chịu ảnh hưởng tiêu cực nhiều nhất từ dịch bệnh, nhất là với NĐT ngắn hạn.
Các NĐT cũng có thể tìm cơ hội tăng tỷ trọng tại các ngành, CP theo lịch sử là được hưởng lợi. Trong khi đó, tiếp tục cập nhật thông tin về dịch bệnh và phản ứng của TTCK các quốc gia để có hành động hợp lý.