Chứng khoán châu Á chạm đáy 17 tháng do đồng Nhân dân tệ Trung Quốc suy yếu

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các cổ phiếu châu Á đã chạm mức thấp nhất trong 17 tháng trong phiên 9/10 sau khi Ngân hàng trung ương Trung Quốc "neo" tỷ giá Nhân dân tệ/USD ở mức thấp.

Ngày 9/10, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đã thiết lập tỷ giá trung tâm ở mức 6.9019 Nhân dân tệ (NDT) đổi 1 USD, vượt ngưỡng 6.9000 NDT/USD.
Trong phiên giao dịch này, tại Trung Quốc, đồng NDT được giao dịch ở mức 6.9193 đổi 1 USD, gần với mức giao dịch ở nước ngoài.
 Chứng khoán châu Á chạm đáy 17 tháng do đồng Nhân dân tệ suy yếu.
Đồng NDT đã lao dốc 9% so với đồng USD trong vòng 6 tuần qua và là một trong những đồng tiền giảm mạnh nhất châu Á, làm gia tăng suy đoán cho rằng Trung Quốc cố làm suy yếu đồng nội tệ để bù đắp tác động của các hàng rào thuế quan trong bối cảnh xung đột thương mại với Mỹ ngày càng leo thang.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đối mặt với áp lực từ phía Nhà Trắng để chính thức gọi Trung Quốc là một quốc gia thao túng tiền tệ. Trong tuần này, Bộ trưởng Mnuchin sẽ tới Bali (Indonesia) để tham dự cuộc họp thường niên giữa Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB).
Một quan chức cấp cao của Bộ Tài chính Mỹ hôm 8/10 bày tỏ lo ngại về việc lao dốc mạnh của đồng NDT, đồng thời nói rằng hiện chưa rõ ràng liệu Bộ trưởng Steven Mnuchin có gặp bất kỳ quan chức Trung Quốc nào trong tuần này hay không.
Sự sụt giảm của đồng NDT là yếu tố tích cực đối với các nhà xuất khẩu Trung Quốc và đã giúp chỉ số Thượng Hải tăng nhẹ 0,1% ở đầu phiên giao dịch. Tuy nhiên, đà tăng nhẹ chưa đủ bù đắp mức lao dốc kỷ lục tới 4,3%, mức giảm hàng ngày lớn nhất kể từ đầu năm 2016, trong ngày 8/10.
Chỉ số MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương không tính thị trường Nhật Bản cũng tiếp tục hạ 0,2% sau khi chốt phiên  trước đó ở mức thấp nhất kể từ tháng 5/2017.
Chỉ số Nikkei của Nhật mất 1,2% do chịu ảnh hưởng từ đồng yen tăng mạnh.
Thị trường chứng khoán châu Á nhuốm sắc đỏ trong phiên 8/10, sau khi PBoC quyết định giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc vào cuối tuần trước.
 Các cổ phiếu châu Á đã chạm mức thấp nhất trong 17 tháng trong phiên 9/10. 
Bắc Kinh thông báo giảm mạnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng, nhằm mục tiêu giảm chi phí tài chính và thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh căng thẳng thương mại.
Bên cạnh đó, trong báo cáo Triển vọng Kinh tế thế giới công bố ngày 9/10, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu do ảnh hưởng tiêu cực từ căng thẳng thương mại giữa Mỹ và các đối tác đã lan ra phạm vi toàn cầu. IMF hạ 0,2 điểm phần trăm tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống còn 3,7% trong năm 2018 và năm 2019.
Báo cáo của IMF dự báo Mỹ và Trung Quốc - tâm điểm của chiến tranh thương mại - sẽ tăng trưởng chậm hơn. IMF dự báo Mỹ và Trung Quốc sẽ đạt mức tăng trưởng kinh tế lần lượt 2,9% và 6,6% trong năm 2018 và giảm xuống còn 2,5% và 6,2% trong năm 2019.
"Tâm lý rủi ro do ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại đã nhấn chìm các cổ phiếu ở khắp mọi nơi", các nhà phân tích tại JPMorgan đưa ra cảnh báo.
Trên thị trường Phố Wall, chỉ số Nasdaq Composite giảm phiên thứ 3 liên tiếp trong ngày 8/10 khi một đợt bán tháo trên thị trường Trung Quốc đã làm dấy lên lo ngại về sự chững lại của tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, chỉ số S&P 500 đã xóa bớt đà giảm điểm và khép phiên gần như đi ngang,
Chốt phiên ngày 8/10, chỉ số S&P 500 mất 0,04%, Nasdaq Composite giảm 0,67%, trong khi chỉ số Dow Jones tăng 0,15%.
Trên thị trường tiền tệ thế giới, chỉ số Dollar Index, phản ánh sức mạnh của đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt khác, phục hồi lên 95,754 điểm.
So với đồng yen Nhật, đồng USD giảm nhẹ về mức 1 USD đổi được  113,07 yen sau khi leo lên 114,54 yen trong tuần trước.
Trong khi đó, đồng euro giảm mạnh xuống thấp nhất 7 tuần so với USD trong bối cảnh bất đồng giữa Liên minh châu Âu (EU) và Italia về kế hoạch ngân sách của Roma. Hiện tỷ giá euro được giao dịch ở mức 1 euro đổi được 1,1490 USD, giảm mạnh so với mức đỉnh tới 1,1815 USD thiết lập hồi đầu tháng 9.
Lãi suất trái phiếu chính phủ Italia ngày 8/10 tăng gần 20 điểm cơ bản lên 3,6%, cao nhất trong vòng 4 năm rưỡi, trong khi thị trường chứng khoán nước này xuống thấp nhất kể từ tháng 4/2017.