Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chứng khoán châu Á: Giới đầu tư hào hứng khi công xưởng thế giới mở cửa trở lại

Nguyễn Thu (Theo CNBC)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phần lớn các thị trường chứng khoán châu Á đã tăng mạnh trong phiên 19/2 nhờ đầu tư bớt lo ngại về sự đình trệ sản xuất tại Trung Quốc vì dịch COVID-19.

Thị trường cổ phiếu châu Á tăng mạnh trong phiên giao dịch ngày 19/2 trong bối cảnh số liệu thương mại của Nhật Bản trong tháng 1 cho thấy xuất khẩu nước này giảm 2,6% so với cùng kỳ năm trước, song thấp hơn mức dự báo giảm 6,9% của các nhà kinh tế đưa ra  trước đó.
Hầu hết thị trường chứng khoán châu Á đều tăng điểm trong phiên 19/2.
Thị trường chứng khoán trong khu vực phục hồi mạnh trong phiên này sau khi lao dốc trong ngày 18/2, khi các nhà đầu tư theo dõi chặt chẽ tiến độ tái khởi động sản xuất của các DN Trung Quốc sau thời gian tạm ngừng để đối phó với sự bùng phát của COVID-19.
Cụ thể, chỉ số Hang Seng của Hồng Kông tăng 0,38%. Chứng khoán Trung Quốc biến động nhẹ trong phiên này. Chỉ số tổng hợp Thượng Hải đi ngang, trong khi đó chỉ số Thâm Quyến giảm 0,25%.
Tại thị trường Nhật Bản, Nikkei 225 tăng 0,44% sau khi giảm hơn 1% trong phiên trước đó và chỉ số Topix nhích 0,32%.
Trên một số thị trường khác, chỉ số Kospi của Hàn Quốc mất 0,45%. Trong khi đó, chỉ số ASX 200 tại thị trường Austrlia đi ngang trong phiên buổi sáng. Các cổ phiếu vàng tăng vọt khi giá của tài sản trú ẩn an toàn tăng vọt trở lại. Cổ phiếu của công ty Evolution Mining tăng vọt 4,66% và Newcrest leo dốc 3,41%.
Chỉ số MSCI của cổ phiếu châu Á-Thái Bình Dương không tính thị trường Nhật Bản cũng tăng mạnh.
Các nhà máy sản xuất linh kiện điện tử tại Trung Quốc đã dần mở cửa trở lại trong tuần này. Đến ngày 18/2, hầu hết đã hoạt động, trừ các nhà máy ở Vũ Hán - tâm dịch COVID-19.
Nền kinh tế thứ hai thế giới đã ngừng hoạt động vài tuần nay vì dịch Covid-19. Việc này khiến nhiều người lo ngại kinh tế toàn cầu bị đe dọa khi công xưởng của cả thế giới đóng băng quá lâu. Dù một số nhà máy đã hoạt động trở lại, các công ty và chuyên gia cho biết công suất lại rất thấp. Hoạt động cách ly, cấm đường và các chốt kiểm tra khiến hàng triệu công nhân không thể quay lại làm việc. Nguồn cung vì thế gián đoạn nghiêm trọng.
Ảnh hưởng từ sự bùng phát dịch COVID-19 đối với các DN ở Trung Quốc và trên thế đang đe dọa kéo giảm dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm nay. Công tư Moody’s hôm 18/2 đã hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc từ mức 5,8% xuống còn 5,2% trong năm 2020.
Trên thị trường chứng khoán Mỹ, chỉ số Dow Jones giảm phiên thứ 3 liên tiếp trong ngày 18/2 khi nhà đầu tư cân nhắc cảnh báo từ gã khổng lồ công nghệ Apple.
Kết thúc phiên giao dịch này, chỉ số Dow Jones rớt 165,89 điểm (tương đương 0,6%) xuống 29.232,19 điểm. Chỉ số S&P 500 hạ 0,3% xuống 3.370,29 điểm. Trong khi đó, chỉ số Nasdaq Composite nhích nhẹ lên 9.732,74 điểm.
Chứng khoán Mỹ biến động trái chiều trong phiên 18/2.
Apple cảnh báo Công ty này dự kiến sẽ không đạt được doanh thu hàng quý, do sự sụt giảm sản lượng và nhu cầu suy yếu ở Trung Quốc là kết quả của sự bùng phát COVID-19. Công ty có vốn hóa lớn nhất ở Mỹ ban đầu dự báo doanh số bán ròng đạt 63 - 67 tỷ USD trong quý II/2020. Cổ phiếu Apple cũng sụt 1,8% trong phiên.
Cảnh báo của Apple đã khiến cổ phiếu của một số nhà cung cấp chìm trong sắc đỏ. Cổ phiếu Skyworks Solutions hạ 1,9%, còn cổ phiếu Xilinx và Qorvo lần lượt giảm 1% và 2,6%.
Ủy ban Y tế Trung Quốc hôm 18/2 cho biết có thêm 98 ca tử vong trên toàn quốc, với 1.886 ca nhiễm mới COVID-19. Tính đến ngày 17/2, Ủy ban này cho biết có tổng cộng 72.346 trường hợp nhiễm bệnh và 1.868 ca tử vong.
Giới đầu tư đã bán tháo cổ phiếu trong ngày 18/2 đổ vào các tài sản trú ẩn an toàn truyền thống như trái phiếu Chính phủ và vàng. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm về mức 1,55% (lợi suất thường di chuyển ngược chiều với giá). Các hợp đồng vàng tương lai tăng hơn 1% lên 1.603,60 USD/oz, chạm đỉnh kể từ năm 2013.