Chứng khoán châu Á khởi sắc, cổ phiếu Trung Quốc vọt lên mức cao nhất 5 năm

Nguyễn Thu (Theo CNBC, Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chứng khoán châu Á leo dốc mạnh trong phiên 6/7, đặc biệt cổ phiếu Trung Quốc chạm mức cao nhất trong 5 năm.

Thị trường cổ phiếu châu Á giao dịch khởi sắc trong phiên đầu tuần, chạm mức đỉnh trong 4 tháng khi các nhà đầu tư có xu hướng tăng phân bổ tài sản vào chứng khoán khu vực này.
Chứng khoán châu Á tăng mạnh trong phiên 6/7.
Chứng khoán châu Á ghi nhận phiên tăng thứ 5 liên tiếp khi giới đầu tư đặt nhiều kỳ vọng vào chương trình thanh khoản siêu rẻ và các gói kích thích tài khóa để duy trì đà phục hồi kinh tế toàn cầu, bất chấp tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 trên toàn cầu tiếp tục diễn biến phức tạp.
Theo đó, chỉ số MSCI của cổ phiếu châu Á - Thái Bình Dương không tính thị trường Nhật Bản nhích 1%, đạt mức cao nhất kể từ tháng 2.
Tăng mạnh nhất khu vực là cổ phiếu Trung Quốc với chỉ số Shanghai Composite cộng 4,24% và Shenzhen Composite tăng 3,29. Trong đó, nhóm cổ phiếu blue chip nhảy vọt lên mức cao nhất trong 5 năm.
Chỉ số Hang Seng trên sàn Hồng Kông (Trung Quốc) cũng leo dốc 3,15%.
Tại thị trường Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 cũng bật tăng 1,3% trong phiên giao dịch này.
Theo các chuyên gia phân tích tại Nomura, giới đầu tư đang có xu hướng tăng phân bổ tài sản vào chứng khoán châu Á.
“Chúng tôi nhận thấy có một số chất xúc tác có thể khiến cổ phiếu tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trừ Nhật Bản tăng mạnh hơn cổ phiếu tại Mỹ trong ngắn hạn. Dịch Covid-19 có xu hướng cải thiện cùng với số liệu kinh tế ngày càng tích cực cho thấy khả năng kinh tế của khu vực này sẽ phục hồi nhanh hơn”.
Ngoài ra, theo dự đoán của giới phân tích tại Citi, các ngân hàng trung ương toàn cầu sẽ mua 6.000 tỷ USD các tài sản trong vòng 12 tháng tới để kích thích kinh tế, gấp hơn 2 lần so với đỉnh trước đó.
Những thông tin tích cực này giúp xoa dịu lo ngại của thị trường về tình hình dịch Covid-19 hiện nay.
Tính đến ngày 6/7, đã có hơn 11,5 triệu người nhiễm Covid-19 trên toàn thế giới.
Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu tăng kỷ lục hơn 200.000 ca trong ngày 4/7. Riêng tại Mỹ, chỉ trong 4 ngày đầu tiên của tháng 7, có 15 bang ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 mới tăng kỷ lục hàng ngày.
Trên thị trường tiền tệ, chỉ số USD, phản ánh sức mạnh của đồng bạc xanh so với 6 đồng tiền chủ chốt khác giảm về mức 96,99 điểm sau khi tăng lên 97,195 trong tuần trước.
Tỷ giá đồng yen Nhật giảm so với USD, hiện giao dịch ở mức 107,72 yen đổi 1 USD, trong khi đồng euro tăng lên tới 1 euro “ăn” 1,1271 USD.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần