Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Bầu không khí nhộn nhịp này lan sang cả sàn chứng khoán. Hôm qua, giới đầu tư chứng khoán Mỹ đã tăng mua vào cổ phiếu của các hãng công nghệ đã giảm giá mạnh thời gian gần đây cũng như cổ phiếu của ngành bán lẻ.
Như vậy là sau khi "thăng hoa" trong tuần trước do hy vọng Washington sẽ đi đến một thỏa hiệp nhằm tránh được vấn đề "vách đá tài khóa", các thị trường chứng khoán toàn cầu đã trồi sụt thất thường trong tuần này trước những số liệu kinh tế tốt xấu đan xen từ hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, và sau khi các lãnh đạo châu Âu không đạt được một thỏa thuận cuối cùng về gói cứu trợ mới dành cho Hy Lạp.
Tuy nhiên, tâm lý thị trường đã phần nào được cải thiện nhờ phát biểu ngày 22/11 của Bộ trưởng Tài chính Pháp Pierre Moscovici rằng một thỏa thuận cuối cùng về vấn đề trợ giúp cho Hy Lạp rốt cuộc cũng sẽ được giải quyết tại cuộc họp vào thứ Hai tuần tới.
Đêm trước (22/11) tại Mỹ, chứng khoán Phố Wall đóng cửa nghỉ Lễ Tạ ơn.
Chốt phiên giao dịch bị rút ngắn, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 1,35% lên 13.009,68 điểm. Đây là lần đầu tiên kể từ khi kết thúc cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ với chiến thắng của ông Obama, Dow Jones mới trở lại mức này.
Cùng với chỉ số công nghiệp Dow Jones, chỉ số S&P 500 tăng được 18,12 điểm, tương ứng 1,3%, lên 1.409,15 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 40,30 điểm, tương ứng 1,38%, lên chốt phiên giao dịch 23/11 ở 2.966,85 điểm.
Tuy nhiên, lượng giao dịch thấp nhất từ đầu năm tới nay, với 2,8 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng trên cả ba sàn New York, American và Nasdaq. Tỷ lệ cổ phiếu tăng/ giảm ở sàn New York là 2.407/469, ở sàn Nasdaq là 1.775/548.
Tính chung cả tuần giao dịch vừa qua, chỉ số Dow Jones tăng được 3,3%, chỉ số S&P 500 tăng mạnh 3,6% và chỉ số Nasdaq Composite tiến tới 4%. Đây là tuần tăng điểm mạnh nhất của chỉ số S&P 500 kể từ tháng 6 tới nay.
Chứng khoán châu Âu cùng ngày 22/11 vẫn duy trì xu hướng đi lên của phiên trước đó nữa trong bối cảnh đồng euro vẫn tiếp tục duy trì đà tăng so với đồng USD, và các nhà đầu tư phấn khởi trước thông tin tích cực của ngành công nghiệp Trung Quốc. Thêm vào đó, tình hình tại Dải Gaza đã phần nào lắng dịu trong khi vấn đề cứu trợ cho Hy Lạp có thể chỉ còn là vấn đề của thời gian.
Đóng cửa phiên 22/11, cả ba chỉ số chính của khu vực đều tăng điểm, trong đó FTSE 100 của London ghi thêm 0,68% lên 5.791,03 điểm; DAX 30 của Đức tăng 0,84% lên 7.244,99 điểm và CAC 40 của Paris vượt 0,60% lên 3.498,22 điểm.
Chứng khoán châu Á phần lớn vẫn tăng điểm trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 23/11 mặc dù giao dịch diễn ra khá èo uột, do chứng khoán Mỹ đóng cửa nghỉ lễ Tạ ơn đêm trước (22/11), chứng khoán Nhật Bản cũng đóng cửa nghỉ lễ phiên này, trong khi các nhà đầu tư có tâm lý đứng ngoài thị trường để chờ đợi cuộc họp tiếp theo vào ngày đầu tuần tới về vấn đề trợ giúp Hy Lạp, cũng như việc tái khởi động các cuộc đàm phán về vấn đề "vách đá tài khóa" của Mỹ.
Tại Trung Quốc, sau khi giảm điểm trong phiên trước (dù có thông tin rất tích cực từ lĩnh vực hoạt động công nghiệp tháng 11, qua đó cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang có những dấu hiệu quay trở lại tăng trưởng một cách vững chắc), chứng khoán Trung Quốc sang phiên 23/11 đã đi lên khi nhà đầu tư hy vọng Bắc Kinh sẽ có các biện pháp hỗ trợ nhằm kích thích kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ hơn. Chỉ số Shanghai Composite của chứng khoán Thượng Hải tăng 0,58% (11,77 điểm) lên 2.027,38 điểm.
Đóng cửa phiên 23/11, hầu như tất cả các sàn chứng khoán chủ chốt trong khu vực đều tăng điểm, song các mức tăng khá khiêm tốn, trong đó Hang Seng của Hong Kong ghi thêm 0,79% (170,78 điểm) lên 21.913,98 điểm; KOSPI của Hàn Quốc có thêm 0,62% (11,83 điểm) lên 1.911,33 điểm; A&P/ASX200 của Australia nhích 0,10% lên 4.413 điểm. Riêng Weighted của Đài Loan lại tăng mạnh, thêm tới 3,1% (220,25 điểm) lên 7.326,01 điểm.