Chứng khoán Mỹ, châu Á đồng loạt phục hồi mạnh sau 2 phiên “bổ nhào”

Nguyễn Thu (Theo AFP, Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phố Wall và các thị trường chứng khoán châu Á ngày 12/10 hồi phục sau hai phiên giao dịch thảm hại do tình trạng bán tháo ồ ạt của giới đầu tư.

Trong phiên giao dịch 12/10, thị trường chứng khoán Mỹ tăng hơn 1% sau 2 phiên giao dịch tồi tệ nhất trong 8 tháng, với cổ phiếu công nghệ dẫn đầu đà phục hồi mạnh.
S&P 500 chấm dứt chuỗi 6 phiên lao dốc liên tiếp trong ngày 12/10, khi nhóm cổ phiếu công nghệ phục hồi sau một tuần nhuốm sắc đỏ, giữa lúc nhà đầu tư đang tìm kiếm những thỏa thuận trước khi mùa báo cáo lợi nhuận quý III khởi động.
 Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ - Ảnh: Reuters.
Thậm chí các lĩnh vực năng lượng và tài chính thuộc S&P 500 cũng chốt phiên với đà tăng nhẹ sau khi đảo chiều vào cuối phiên. Chỉ số công nghệ thuộc S&P 500 tăng 3,2%, đánh dấu phiên tăng mạnh nhất kể từ ngày 26/3, mặc dù vẫn ghi nhận tuần giảm mạnh nhất kể từ ngày 23/3.
"Mọi người đang bắt đầu mua vào vì cho rằng giá cổ phiếu đã giảm quá sâu. Họ muốn trở lại thị trường trước tuần tới, khi có hàng loạt công ty công bố kết quả kinh doanh", Giám đốc đầu tư Janna Sampson thuộc OakBrook Investments LLC nhận định.
Tuy vậy, chừng nào Mỹ và Trung Quốc còn chưa đạt được một thỏa thuận thương mại, sự phục hồi của chứng khoán Mỹ có thể mong manh, bởi nhà đầu tư đang lo ngại nhiều về ảnh hưởng của thuế quan với lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết.
"Nếu lợi nhuận của các doanh nghiệp khả quan và không có những tin xấu về thương mại, thì tôi cho rằng sự phục hồi này sẽ bền vững. Tin thương mại chính là nhân tố khó lường", bà Sampson nói.
Tác động tích cực nhất đến lĩnh vực công nghệ là đà tăng hơn 3% của cổ phiếu Apple và Microsoft.
Lĩnh vực tài chính thuộc S&P 500 tiến 0,1%, trong khi nhóm cổ phiếu ngân hàng thuộc S&P 500 hạ 0,4%, rút khỏi đáy trong phiên. Các cổ phiếu tăng điểm trong nhóm ngành ngân hàng là cổ phiếu Citigroup – tăng 2%, và cổ phiếu Wells Fargo – nhích 1,3% sau các báo cáo lợi nhuận tích cực.
Báo cáo lợi nhuận của các ngân hàng đã khởi động mùa báo cáo lợi nhuận quý III, sẽ mang đến bức tranh rõ ràng nhất về sự ảnh hưởng đến lợi nhuận từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.
Theo dữ liệu từ Refinitiv, chứng khoán Mỹ dự báo tăng trưởng lợi nhuận quý III của các công ty thuộc S&P 500 đạt 21,3%,, thấp hơn so với 2 quý trước đó.
Chốt phiên giao dịch này, chỉ số Dow Jones tiến 287,16 điểm (tương đương 1,15%) lên 25.339.99 điểm, chỉ số S&P 500 cộng 38,76 điểm (tương đương 1,42%) lên 2.767.13 điểm và chỉ số Nasdaq Composite vọt 167,83 điểm (tương đương 2,29%) lên 7.496.89 điểm.
Tuy nhiên, tính chung trong tuần, Dow Jones mất 4,2%, S&P 500 giảm 4,1% và Nasdaq Composite giảm 3,7%, ghi nhận tuần sụt giảm mạnh nhất kể từ tháng 3/2018.
Cả Dow Jones và S&P 500 đã lao dốc 3 tuần liên tiếp, còn Nasdaq Composite giảm điểm liền 2 tuần.
Tại châu Á, các thị trường chứng khoán ngày 12/10 hồi phục sau 2 ngày diễn ra tình trạng bán ra ồ ạt do giới đầu tư quan ngại cuộc chiến thương mại leo thang, khả năng lãi suất ở Mỹ tiếp tục tăng lên.
 Các thị trường chứng khoán châu Á hồi phục trong ngày 12/10. Ảnh: CNBC
Chỉ số Nikkei 225 tại thị trường Tokyo tăng 0,45%, tương đương 103,80 điểm, lên 22.694,66 điểm vào lúc đóng cửa. Tuy vậy, trong cả tuần qua, chỉ số này đã giảm 4,58%.
Trong khi chỉ số Hang Seng ở thị trường chứng khoán Hong Kong có lúc tăng 1,8% lên 25.714,47 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải (Trung Quốc) cũng tăng 0,9% lên 2.606,91 điểm. 

Số liệu chính thức công bố ngày 12/10 cho thấy thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ trong tháng 9 đã đạt mức cao kỷ lục mới dù phải đối mặt mức thuế quan mới của Mỹ, điều làm dấy lên nguy cơ chiến tranh thương mại leo thang giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới này. 

Cũng trong ngày 12/10, các thị trường chứng khoán Seoul (Hàn Quốc), Sydney (Australia) và Wellington (New Zealand) cũng có mức tăng điểm mạnh. 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần