Cuộc khủng hoảng ngân hàng vừa bùng nổ tại Cộng hòa Síp có nguy cơ làm tăng tình hình bất ổn tài chính kéo dài nhiều năm qua ở khu vực châu Âu đã gây hoang mang các nhà đầu tư, khiến họ đã giảm mua bán hoặc bán bớt tài sản, chấm dứt đợt tăng giá liên tục kéo dài nhất trong 17 năm qua của các chỉ số chứng khoán chủ lực tại thị trường Mỹ.
Trong khi đó, đà lao dốc trong phiên 18/3 đã đẩy chỉ số S&P 500 cách xa hơn mốc cao kỷ lục xác lập hồi năm 2007. Hôm 14/3, khoảng cách đã được rút ngắn xuống còn có 2 điểm. Hiện chỉ số này vẫn đang duy trì được mức tăng 8,8% kể từ đầu năm tới nay và đang hướng tới quý tăng điểm tốt nhất trong vòng 1 năm.
Chốt phiên giao dịch ngày 18/3, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 62,05 điểm, tương ứng 0,43%, xuống còn 14.452,06 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 8,6 điểm, tương ứng 0,55%, xuống còn 1.552,10 điểm. Tương tự, chỉ số Nasdaq Composite cũng giảm tới 11,08 điểm, tương ứng với 0,35%, xuống 3.237,59 điểm.
Khối lượng giao dịch toàn thị trường tụt mạnh, xuống còn 5,8 tỷ cổ phiếu trên cả ba sàn New York, American và Nasdaq, thấp hơn so với mức trung bình hàng ngày 6,45 tỷ cổ phiếu trong năm 2012 vừa qua. Tỷ lệ cổ phiếu giảm so với nhóm tăng điểm trên sàn New York là hơn 3/2, còn trên sàn Nasdaq, tỷ lệ này là 2/1.
Trong tuần trước, tại thị trường New York, chỉ số công nghiệp Dow Jones của 30 tập đoàn công ty lớn đã tăng giá liên tục trong vòng 10 ngày, đạt mốc đỉnh cao chưa từng có 14.539,14 điểm.
Đây là đợt tăng giá kéo dài nhất của loại chỉ số danh giá này kể từ ngày 15/11/1996. Kể từ đầu năm 2013 tới nay, chỉ số Dow Jones đã tăng giá tổng cộng 10,3% trong khi chỉ số Standard & Poor 500 cũng tăng tổng cộng 8,8%./.